16/11/2018 - 20:42

Thực hiện thí điểm Trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án

Bước đột phá trong giải quyết tranh chấp 

Ðầu tháng 11-2018, Tòa án nhân dân (TAND) TP Cần Thơ thực hiện thí điểm Trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án ở 6 đơn vị: TAND thành phố và TAND các quận, huyện Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Thốt Nốt, Thới Lai. Việc thành lập các trung tâm này sẽ góp phần đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, giảm áp lực giải quyết vụ việc của các cơ quan chức năng…

Ông Nguyễn Thanh Thiên (bìa trái), Chánh án TAND TP Cần Thơ trao quyết định thành lập Trung tâm hòa giải, đối thoại
tại Tòa án thành phố.

Nhiệm vụ của Trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án là hòa giải các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động; đối thoại các khiếu kiện hành chính theo yêu cầu của đương sự và các vụ việc trước khi tòa án thụ lý, giải quyết, trừ những tranh chấp, khiếu kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, Tố tụng Hành chính không được hòa giải, đối thoại. Ông Nguyễn Thanh Thiên, Chánh án TAND TP Cần Thơ, cho biết: “Việc thành lập các trung tâm hòa giải, đối thoại góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án, góp phần giảm áp lực số lượng vụ việc tòa án phải giải quyết thông qua mở phiên tòa xét xử; giảm số lượng vụ việc cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức cưỡng chế thi hành; tiết kiệm chi phí, thời gian của các cơ quan tư pháp, đương sự… Những hòa giải viên, đối thoại viên được ưu tiên lựa chọn những thẩm phán đã về hưu, những người đã từng là kiểm sát viên, điều tra viên, chuyên viên pháp lý trong cơ quan tòa án, viện kiểm sát, công an, thi hành án, các cơ quan Đảng và Nhà nước khác thuộc khối nội chính; luật sư, luật gia, hội thẩm nhân dân hoặc những người có kiến thức pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm hòa giải tốt. Thời gian thực hiện thí điểm 6 tháng, bắt đầu từ ngày 1-11-2018”. 

Theo đó, ngay sau khi nhận đơn khởi kiện vụ án dân sự, đơn khởi kiện vụ án hành chính và tài liệu, chứng cứ kèm theo, tòa án phải chuyển đơn khởi kiện cho Trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án, trừ trường hợp việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, vụ việc không được hòa giải, đối thoại hoặc khi nộp đơn khởi kiện, người khởi kiện không đồng ý hòa giải, đối thoại tại tòa án. Đồng thời, Trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án có thể nhận đơn yêu cầu hòa giải, đối thoại của các bên tranh chấp, khiếu kiện. Trong 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc, Giám đốc Trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án phân công một hòa giải viên, đối thoại viên xem xét, tiến hành hòa giải, đối thoại, phù hợp với chuyên môn kinh nghiệm của hòa giải viên, đối thoại viên. Thời hạn hòa giải, đối thoại là 30 ngày, trường hợp cần thiết có thể gia hạn nhưng không quá 2 tháng. Sau hơn 1 tuần ra mắt, Trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án thành phố đã tiếp nhận 4 vụ việc dân sự, thương mại... Trung tâm đã phân công người thụ lý hồ sơ để sớm đưa ra hòa giải, đối thoại. 

Bất kỳ thông tin nào được trao đổi giữa một bên với hòa giải viên, đối thoại viên trong phiên họp riêng là bí mật và không được tiết lộ với bất kỳ bên nào khác tham gia hòa giải, đối thoại, trừ khi có sự đồng ý của bên đã cung cấp thông tin. Không được sử dụng lời khai của một bên hoặc những người khác, tham gia hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính hoặc các tố tụng khác. Quyết định công nhận đối thoại thành có hiệu lực thi hành ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Tuy nhiên, quyết định công nhận đối thoại thành có thể bị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm trong trường hợp có căn cứ cho rằng nội dung các bên đã thống nhất và cam kết là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa hoặc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Ông Nguyễn Thanh Thiên cho biết: “Hòa giải viên, đối thoại viên được tòa án chỉ định nhưng không đóng vai trò là luật sư hay thẩm phán, không tư vấn về pháp luật, là người đứng ở vị trí trung lập, khách quan để hỗ trợ các bên thỏa thuận, không cung cấp những lời khuyên có lợi cho một bên nhưng lại gây bất lợi cho bên còn lại”.

Tại Hội nghị triển khai thực hiện thí điểm Trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án, đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, đề nghị các cơ quan chuyên môn cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng về công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án nhằm góp phần hạn chế giải quyết tranh chấp bằng việc mở phiên tòa. Tòa án thành phố cần tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chủ động xây dựng kế hoạch tập huấn, để các hòa giải viên, đối thoại viên nắm vững quy định pháp luật liên quan. Các hòa giải viên, đối thoại viên cần phát huy tinh thần trách nhiệm để trung tâm hoạt động tốt và phát huy hiệu quả...  

P. NGUYỄN

Chia sẻ bài viết