03/11/2010 - 22:06

DỰ ÁN TABMIS:

Bước đột phá mới trong quản lý tài chính công

Thời gian qua, công tác thu, chi ngân sách của thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Đạt được kết quả này là do có sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố đối với công tác cải cách quản lý tài chính công theo hướng gọn nhẹ, minh bạch, tiện lợi. Và dự án hệ thống thông tin và quản lý kho bạc (gọi tắt là dự án Tabmis) vừa được triển khai sẽ tạo bước đột phá mới trong quản lý tài chính công của thành phố.

Trước đây, hệ thống Kho bạc nhà nước (KBNN) sử dụng nhiều phương thức thanh toán khác nhau như: Bằng thư, bằng phương thức truyền bảng kê và trong nội bộ một tỉnh thì đã có thanh toán trên mạng diện rộng nhưng thông qua đường điện thoại. Tuy nhiên, thanh toán bằng thư và truyền bảng kê còn quá thủ công, độ an toàn lại không cao và mất nhiều công sức cho việc đối chiếu, hạch toán thủ công. Có thể thấy các phương thức thanh toán này phần nhiều mang nặng tính thủ công, độ chính xác và an toàn thấp; thời gian để hoàn thành một khoản thanh toán khá lâu, kéo dài hàng tuần, chi phí lao động và thời gian lớn, hiệu quả thấp ở cả góc độ xã hội và kinh tế.

Đồng chí Nguyễn Hữu Lợi (thứ 2 từ phải qua), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND
TP Cần Thơ nhấn nút khởi động dự án Tabmis. Ảnh: V.K 

Ngày 25-10-2010, dự án Tabmis chính thức được triển khai ở TP Cần Thơ. Việc triển khai dự án không chỉ nằm trong chương trình cải cách tài chính công của Chính phủ mà còn giúp việc quản lý, thu chi ngân sách của thành phố hiệu quả hơn. Dự án sẽ làm thay đổi phương thức quản lý tài chính công, đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của nền tài chính thế giới, hướng tới các mục tiêu như: Hiện đại hóa việc quản lý ngân sách nhà nước, bao gồm việc lập và chấp hành ngân sách đồng bộ trong việc lập báo cáo ở từng cấp của chính phủ; tăng cường tính giải trình ngân sách của Bộ Tài chính; tăng cường tính minh bạch trong quản lý tài chính công và tuân theo các thông lệ quốc tế trong việc thực hiện ngân sách; ổn định tài chính; cho phép lập kế hoạch chi tiêu trung hạn và tăng cường năng lực quản lý nợ công.

Dự án được chia thành 3 cấu phần cơ bản gồm: Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (là cấu phần lớn nhất của dự án, có nhiệm vụ: xây dựng và triển khai Tabmis, bao gồm cả việc triển khai phần mềm, tích hợp, chuyển giao công nghệ và đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện cải cách cơ chế quản lý ngân sách, đổi mới quy trình nghiệp vụ...); hỗ trợ kỹ thuật giúp nâng cao năng lực lập khuôn khổ tài chính trung hạn và khuôn khổ chi tiêu trung hạn; hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quản lý nợ trong nước và quản lý rủi ro nợ của Doanh nghiệp nhà nước.

Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý ngân sách nhà nước, tính minh bạch về quản lý tài chính công, nắm bắt các thông tin giao dịch hữu ích, tăng khả năng tiếp cận dữ liệu, loại trừ tính không nhất quán của dữ liệu của hệ thống hiện hành, hướng tới kế toán dồn tích, ghi nhận cam kết... Nâng cấp và cải thiện việc lập báo cáo và lưu trữ các thông tin tài chính một cách chính xác, có tổ chức và kịp thời. Ngoài ra, dự án Tabmis còn hỗ trợ kỹ thuật thực hiện đổi mới phương thức cung cấp thông tin về ngân sách và kho bạc một cách kịp thời và chính xác như: Đẩy nhanh tốc độ nắm bắt dữ liệu thông qua những quy trình thông tin; giảm một cách đáng kể các công tác thủ công; tăng tính bảo mật, giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm virus, mất trộm dữ liệu hoặc bị truy cập trái phép; khả năng mở rộng, tính sẵn sàng và liên tục của hệ thống được đảm bảo, đáp ứng được số lượng người dùng tăng dần; Nâng cao tính tin cậy của dữ liệu thông qua việc kiểm soát tài chính và các tài sản thanh khoản khác (giảm nguy cơ gian lận).

Ông Phạm Văn Khôn, Giám đốc KBNN TP Cần Thơ, cho biết: “Dự án sẽ giúp cán bộ kho bạc kế toán chính xác các bút toán về các giao dịch phát sinh; hỗ trợ lập báo cáo tài chính thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), báo cáo quản trị theo nhiều tiêu thức; cung cấp thông tin nhanh, chính xác về tình hình thực hiện NSNN ở mọi thời điểm; đảm bảo sự đồng bộ về dữ liệu thu - chi ngân sách giữa KBNN và các cơ quan tài chính, thuế, hải quan; giảm thiểu việc nhập trùng lặp thông tin đầu vào cho công tác thanh toán giữa KBNN và cơ quan tài chính. Cơ quan tài chính có thể trực tiếp khai thác báo cáo thu chi ngân sách từ hệ thống, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả quản lý NSNN; quản lý được dự toán ở tất cả các cấp; hỗ trợ việc phân bổ dự toán ngân sách, cập nhật dự toán ngân sách, giải ngân các khoản dự trữ ngân sách và lập dự toán ngân sách cho năm tiếp theo. Đối với các Bộ, Ngành chi tiêu NSNN, dự án Tabmis hỗ trợ việc phân bổ NSNN, tiến tới thống nhất kế toán nhà nước nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả nguồn lực tài chính nhà nước”.

Kết cấu dự án Tabmis được xây dựng dựa trên khuôn khổ quản lý tài chính và ngân sách đã được chứng minh mà khuôn khổ đó kế thừa các chuẩn mực và mô hình kế toán công quốc tế. Giải pháp Tabmis sẽ được thiết kế và triển khai thực hiện với 7 quy trình chính về quản lý ngân sách, tài chính, đó là: Quản lý Tài khoản và mục lục ngân sách (Sổ cái ); Quản lý Phân bổ ngân sách; Quản lý Cam kết chi; Quản lý Chi; quản lý thu; Quản lý dự án đầu tư; Quản lý ngân quỹ và lịch trình của dự án Tabmis.

Thực hiện dự án Tabmis đòi hỏi phải cải cách cơ chế quản lý tài chính công, đặc biệt là các cơ chế quản lý ngân sách Nhà nước. Phải cải cách cơ chế quản lý NSNN. Xây dựng một chế độ kế toán Nhà nước thống nhất, từng bước dựa trên cơ sở của kế toán tiền mặt điều chỉnh. Quản lý ngân quỹ và thực hiện tài khoản thanh toán tập trung của KBNN. Tabmis là hệ thống quản lý tập trung, tất cả các đơn vị tham gia hệ thống sẽ được phân quyền truy cập trực tiếp vào cơ sở dữ liệu chung tại Trung ương thông qua giao diện web, được đảm bảo an toàn hệ thống, chống phá hoại và thảm họa phá hủy dữ liệu thông qua việc duy trì song song một trung tâm dự phòng và khắc phục thảm họa.

Việc triển khai dự án Tabmis sẽ tác động rất lớn đến tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực của các đơn vị tham gia hệ thống, đặc biệt là hệ thống KBNN, thể hiện trên một số phương diện sau: Dự án Tabmis yêu cầu một đội ngũ cán bộ chất lượng cao: có kiến thức quản lý tài chính công tiên tiến; có năng lực quản lý, điều hành ngân sách và hoạt động KBNN theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế; có khả năng sử dụng, vận hành hệ thống thông tin hiện đại,... Công nghệ quản lý mới đặt ra trách nhiệm của các cá nhân tham gia hệ thống phải được đề cao (từ thủ trưởng đơn vị đến kế toán trưởng, kế toán viên,...). Mặt khác, hệ thống xử lý tập trung đòi hỏi việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xử lý công việc cũng như các quy trình nghiệp vụ như việc đóng sổ, khóa sổ, khai báo các giá trị của tài khoản,... Các luồng công việc phân định rất rõ ràng và được tin học hóa cao. Tham gia vào Tabmis không chỉ có hệ thống KBNN mà còn có cơ quan Tài chính và có thể là cơ quan kế hoạch và đầu tư, các bộ, ngành chi tiêu NSNN khác, do đó, việc quản lý, khai thác rất khác với hệ thống KTKB hiện hành.

Từ các tác động trên, để triển khai dự án Tabmis một cách suôn sẻ và hiệu quả, hệ thống tài chính, KBNN phải có sự chuẩn bị tốt công tác tuyên truyền làm thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, văn hóa làm việc của đội ngũ cán bộ công chức, từ lãnh đạo đến chuyên viên. Sẵn sàng chấp nhận đổi mới, cải cách tư duy quản lý, thay đổi thói quen làm việc cũ, tích cực học hỏi và lôi cuốn các đối tượng liên quan cùng tham gia. Tuân thủ chính xác các thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy. Gắn liền với định hướng cải cách về thể chế, chính sách và công nghệ quản lý là cải cách về tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực. Cán bộ công chức trong ngành kho bạc, tài chính phải được đào tạo cán bộ một cách bài bản về các chế độ chính sách mới, kỹ năng thực hành trên máy tính; đào tạo nâng cao kiến thức về an ninh, an toàn dữ liệu, mạng..., sẵn sàng tiếp nhận hệ thống mới. Sắp xếp đội ngũ cán bộ cho hợp lý, cân đối, phân công công việc ổn định trong một thời gian để đào tạo và tác nghiệp thuần thục công việc.

Ông Phạm Văn Khôn, Giám đốc KBNN TP Cần Thơ cho biết thêm: “Chuẩn bị thực hiện dự án, TP Cần Thơ đã thành lập Ban chỉ đạo liên ngành và Tổ triển khai dự án Tabmis. KBNN, ngành tài chính đã tăng cường công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của cán bộ công chức trong ngành. Phối hợp với cơ quan hữu quan tổ chức tập huấn nghiệp vụ chế độ kế toán nhà nước áp dụng Tabmis cho 146 cán bộ trong ngành tài chính, kho bạc; mở 4 lớp đào tạo cho người sử dụng cuối Tabmis cho hơn 160 cán bộ. Bên cạnh đó, Tổ triển khai dự án còn chỉ đạo các phòng nghiệp vụ làm sạch dữ liệu thu nhập và chuyển đổi dữ liệu; triển khai diện rộng hiện đại hóa thu, nộp ngân sách nhà nước; đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, hạ tầng kỹ thuật”.

Xung quanh việc triển khai dự án này, đồng chí Nguyễn Hữu Lợi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ yêu cầu các ban, ngành có liên quan tiếp tục thực hiện dự án hiện đại hóa thu, nộp NSNN, tăng cường công tác đào tạo hoàn thiện về kỹ năng cũng như đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ công chức thực hiện dự án; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc,... thực hiện thành công dự án Tabmis.

VÂN LÂM - TT

Chia sẻ bài viết