12/11/2017 - 15:13

Bước đầu tìm hiểu sự tương đồng và khác biệt giữa đờn ca tài tử và cải lương Nam bộ 

Nhiều ý kiến cho rằng đờn ca tài tử và cải lương Nam bộ không nhiều khác biệt. Cũng có câu hỏi vì sao đờn ca tài tử mà không phải là cải lương được chọn là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo tôi, thử thách về thời gian, tính truyền thống và đại chúng ở hai loại hình nghệ thuật này là yếu tố quyết định. 

Các nghệ sĩ Đoàn nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang trong vở cải lương “Huyền sử Rạch Gầm”. Ảnh: DUY KHÔI

Những làn điệu và tính đại chúng của đờn ca tài tử

Đờn ca tài tử đã có ở Nam bộ từ giữa thế kỷ XIX xuất phát từ nhạc lễ cung đình được các nghệ sĩ dân gian sáng tạo thành những làn điệu gốc, gọi là 20 bài tổ gồm: ba Nam, sáu Bắc, bảy Bài Cò, tứ Oán.

 Ba Nam (xếp vào mùa Thu) là Nam Ai, Nam Xuân, Nam Đảo, dùng vào những đoạn bi ai, kể lể. Còn sáu Bắc (xếp vào mùa Xuân- nhạc điệu vui tươi) gồm: Lưu Trường Thủy, Phú Lục, Bình Bán Chấn, Cổ Bản, Xuân Tình, Tây Thi. Bảy Bài Cò (xếp vào mùa Hạ- giọng dồn dập, bực tức): Xàng Xê, Ngũ Đối Thượng, Ngũ Đối Hạ, Long Đăng, Long Ngâm,Vạn Giá, Tiểu Khúc. Đây là 7 giai điệu xuất phát từ nhạc lễ cung đình. Tứ Oán (xếp vào mùa Đông- giọng hiền hòa bình thản): Tứ Đại Oán, Phụng Hoàng, Giang Nam, Phụng Cầu. Mọi hỷ, nộ, ái, ố đều được biểu cảm trong từng nhóm của các bài Tổ nêu trên.

Khi nghệ thuật cải lương ra đời đầu thế kỷ XX, người ta ghi nhận thêm một số bài đờn ca tài tử trong nhóm dây quản (Khóc Hoàng Thiên, Xang Xừ Liếu, Sương Chiều, Tú Anh, Trung Thu…) để dành riêng cho những khúc tiết vui, hoan ca. Tất cả đều phải tuân thủ theo âm giai ngũ cung (5 nốt chính): Hò, xự, xang, xê, cống. Căn bản là vậy nhưng trong từng giai điệu, hoặc tùy vào nhạc cụ, nhạc sĩ còn sử dụng linh động thêm một số nốt như Ú, Líu, Á, Tồn… (đồng thanh) làm cho âm điệu phong phú hơn.

Các nghệ nhân dựa vào đó mà sáng tạo ra nhiều ca điệu trầm, bổng, nhặt, khoan, cốt để diễn tả nội dung bài hát cho sinh động sát hợp với thực tế cuộc sống lưu dân Nam bộ thời mở cõi. Đặc biệt, người cầm đờn phải biết nhấn, nhá, buông, thả, chụp, tuốt, tạo thành những âm thanh réo rắt, thanh thoát, du dương theo cung bậc của từng ca từ. Người ca cũng thế, phải ngân nga, bổng, trầm, sao cho ăn với chữ đờn. Tuy phong phú và linh hoạt trong giai điệu nhưng người ca hoặc sáng tác không thể tự ngẫu hứng mà buộc phải tuân theo nguyên tắc dùng các nốt chữ như trên. Kể cả vọng cổ cũng thế.

Bản chất của đờn ca tài tử là tính đại chúng và xã hội hóa. Phần lớn là hình thành theo nhóm, ở khắp mọi nơi vùng sông nước. Họ ca hát theo cảm hứng, theo điều kiện thích hợp ở từng địa điểm, được thực hiện từ thành thị đến nông thôn, không phân biệt người chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp, cũng không cần sân khấu và không cả hóa trang vào vai diễn… Nhạc cụ chủ yếu: đờn cò, đờn kìm, độc huyền cầm, đờn tranh, nhịp song loan… Nhạc cụ sau cùng khi có bài vọng cổ (sau 1918) thì có thêm đờn guitar phím lõm để sử dụng cho người ca vọng cổ, làm phong phú thêm cho nghệ thuật đờn ca tài tử ở Nam bộ.

Sự tiếp biến và cải cách của cải lương

Cải lương xuất hiện ở những năm đầu của thế kỷ XX. Về cấu trúc, lúc đầu cải lương là sự chuyển thể của nghệ thuật hát tuồng (hát bội xưa), hòa quyện cùng sự tiếp biến của đờn ca tài tử kết hợp với thể loại ca nhạc kịch nước ngoài… Từ đó hình thành một loại hình nghệ thuật mới có kịch bản ca diễn hoành tráng trên sân khấu. Theo thời gian, cải lương dần có sự tổng hợp nhạc dân tộc dân gian, kịch nói, hoạt kê hài hước, hồ quảng, kể cả tân nhạc… thành những vở tuồng có bố cục, lớp lang và rất công phu trong sáng tác, dàn dựng. Người nghệ sĩ phải được hóa trang và hóa thân vào vai diễn trên sân khấu. Có gánh hát, chủ gánh hát (ông bầu) và có doanh thu. Bản thân hai chữ cải lương đã nói lên bản chất của sự cải tiến, đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu công chúng. Vì vậy cải lương là loại hình nghệ thuật hoàng kim, cuốn hút người xem ở Nam bộ trọn thế kỷ XX. Ba nhân vật được coi là cùng thời và tạo nền tảng cho nghệ thuật sân khấu cải lương ra đời (xếp thứ tự người sinh trước):

Nghệ nhân ưu tú Ái Hằng và ban nhạc tài tử biểu diễn tại Lễ hội Việt- Nhật 2017. Ảnh: DUY KHÔI

 

  - Nhân sĩ Tống Hữu Định bút hiệu Trịnh Trai (1869 – 1932) người xứ Vĩnh Long. Ông thuộc dòng dõi một công thần nhà Nguyễn, nổi tiếng trong tổ chức các cuộc đờn ca tài tử, cải lương. Năm 1918 ông tổ chức một đêm hát cải lương tại nhà riêng với sự tham gia nhiều nghệ sĩ tên tuổi trong tỉnh và Sài Gòn với tư cách mạnh thường quân hay “ông bầu”. Nhờ vậy mà phong trào đờn ca tài tử ở Vĩnh Long phát triển mạnh mẽ vượt trội các tỉnh lân cận.

- Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền (1876 – 1953) là soạn giả cải lương nổi tiếng, người Cần Thơ. Ông khởi nghiệp bằng sáng tác thơ, văn và các thể loại dân ca với 78 tác phẩm được xuất bản chỉ trong vòng 15 năm (1901 – 1915). Từ năm 1916, ông bắt đầu viết tuồng (chuyển thể từ hát bội sang cải lương) dựa vào 20 giai điệu bài tổ trong nghệ thuật đờn ca tài tử (lúc đó chưa có bài vọng cổ) mà soạn thành ca kịch bản,  phục vụ cho sân khấu cải lương đầu tiên ở Nam bộ. Ông có trên 80 tác phẩm tuồng tích và tâm lý xã hội. Đặc biệt các tuồng “San Hậu”, “Phụng Nghi Đình”, “Giọt máu chung tình” đã được chọn làm tài liệu giảng dạy tại các trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Năm 2006 trong quyển “Cần Thơ thế và lực” Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, trang 68 viết: “Đối với sân khấu Nam Bộ, nếu Cao Văn Lầu Bạc Liêu là cha đẻ của bài Dạ Cổ Hoài Lang thì Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền là cây đại thụ của nghệ thuật sân khấu cải lương Nam bộ”.

- Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1890 – 1976) người tỉnh Bạc Liêu là tác giả của bản Dạ Cổ Hoài Lang sáng tác năm 1918 cũng áp dụng âm giai ngũ cung theo lối chơi đờn ca tài tử. Sau này khi nghệ thuật cải lương phát triển mạnh, bài Dạ Cổ Hoài Lang là gốc để phát triển vọng cổ và vọng cổ luôn trở thành bài hát chủ lực trong các cuộc đàn hát tân, cổ, đờn ca tài tử và trên sân khấu cải lương Nam bộ. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu khai sinh vọng cổ, góp phần làm thăng hoa cho nghệ thuật cải lương Nam Bộ.     

Điều khiến người ta dễ ngộ nhận giữa cải lương và đờn ca tài tử là: Cải lương cũng phải sử dụng âm giai ngũ cung khi áp dụng 20 bài tổ, bài vọng cổ và những bài trong nhóm dây quản cũng giống như đờn ca tài tử. Nhưng đó là sự giống nhau màu sắc nghệ thuật chứ không giống nhau về hình thái hay bản chất. Trong trường hợp chơi đờn ca tài tử, người ta có thói quen ca trích đoạn trong cải lương cốt để cho buổi sinh hoạt văn nghệ thêm hào hứng, mùi mẫn, nhưng như thế không thể gọi là buổi diễn cải lương được.

***

Đờn ca tài tử và cải lương tuy có một số điểm tương đồng về nghệ thuật nhưng lại khác nhau về quy mô, bản chất, quá trình hình thành và phát triển. Hiện nay nghệ thuật sân khấu cải lương dần qua thời hoàng kim, nhưng đờn ca tài tử vẫn tồn tại như cách loại hình này phát triển hàng trăm năm nay bởi tính đại chúng, bình dân rộng mở, giản dị trong giải trí, giao lưu nghệ thuật ở mọi nơi, trong mọi tầng lớp xã hội. l                                                                     

 

Đoàn Nô

Tài liệu tham khảo:

- Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền Cuộc đời và sự nghiệp. Sở VHTT Cần Thơ 2001
- Vương Hồng Sển, Hồi ký 50 năm mê hát (50 năm cải lương), NXB Trẻ năm 2007.

Chia sẻ bài viết