24/01/2018 - 21:24

Bước chuyển mới từ kinh tế hợp tác 

Những năm qua, quận Ô Môn tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ hơp tác (THT), hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, khoa học công nghệ,… để gia tăng hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh thị trường. Nhờ đó, Ô Môn đã hình thành nhiều mô hình THT, HTX làm ăn có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế hộ, tạo bước chuyển mới trong phát triển kinh tế hợp tác.

Bước chuyển mới

Để gia tăng năng suất và chất lượng đầu ra nông sản, quận Ô Môn đã và đang định hướng nhà nông sản xuất nhỏ lẻ cùng liên kết phát triển sản xuất theo mô hình THT, HTX, góp phần phát triển kinh tế hộ, tạo diện mạo mới cho các vùng ven đô. Trong đó, điển hình là mô hình THT cam xoàn Thới An ở phường Thới An, có 43 thành viên với tổng diện tích với 36ha chuyên trồng cam xoàn, mỗi năm mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho mỗi hộ thành viên. Anh Lê Văn Lợi, Tổ trưởng THT cam xoàn Thới An, quận Ô Môn, cho biết: Trước đây, phần lớn nông dân ở khu vực Thới Thạnh, Thới Trinh… chủ yếu canh tác lúa hoặc vườn tạp, giá cả đầu ra nông sản bấp bênh nên đời sống kinh tế hộ gặp khá nhiều khó khăn. Nhưng từ khi bà con cùng nhau hợp tác trồng cam xoàn, đời sống kinh tế có nhiều chuyển biến, khấm khá hơn so với trước. Ước tính, với 1ha trồng cam xoàn cho sản lượng bình quân đạt từ 30-50tấn, bán với giá từ 30.000 đồng/kg, trừ chi phí sản xuất, nông dân lãi khoảng 500 triệu đồng/ha. Thành quả này chính là nhờ sự tiếp sức của ngành chức năng quận Ô Môn trong việc triển khai các lớp tập huấn chuyên môn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cam xoàn; hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ chi phí lắp đặt hệ thống tưới tự động cho nhiều nhà vườn… Chú Nguyễn Thanh Bình, thành viên trong THT cam xoàn Thới An, cho biết: Khi vào THT, các thành viên không chỉ được ngành chức năng quận hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây cam xoàn mà còn học hỏi được kinh nghiệm xử lý cho trái ra đúng thời vụ mong muốn và nhất là cách chăm sóc trái đạt chất lượng và năng suất cao. Hiện gia đình chú Bình có gần 2ha đất trồng cam xoàn, trong đó có 1ha được ngành chức năng quận hỗ trợ phí lắp đặt hệ thống tự động gần 20 triệu đồng. Nhờ có hệ thống tưới tự động, chú Bình đỡ công tưới nước hay chăm sóc, năng suất và chất lượng trái cam xoàn đều màu và đẹp, bán được giá cao nên kinh tế gia đình chú Bình được nâng lên hơn so với trước.

Mô hình hợp tác trồng cam xoàn, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho nhiều nhà vườn ở phường Thới An, quận Ô Môn. Ảnh: M.HOA

Mô hình hợp tác trồng cam xoàn, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho nhiều nhà vườn ở phường Thới An, quận Ô Môn. Ảnh: M.HOA

Đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau màu để mang lại giá trị kinh tế cao cho nhà nông cũng được quận Ô Môn quan tâm. Ông Nguyễn Văn Bi, Giám đốc HTX rau an toàn Hòa Phát, phường Thới An, cho biết: Thời gian qua, ngành chức năng của quận Ô Môn thường xuyên triển khai các lớp tập huấn cho nông dân ứng dụng kỹ thuật sản xuất rau theo hướng an toàn. Mới đây, quận còn hỗ trợ 50% chi phí đầu tư hệ thống phun mưa cho bà con trồng rau muống trong phường Thới An với tổng diện tích trên 1,5ha. Nhờ số vốn hỗ trợ đó,  bà con đầu tư lắp đặt hệ thống phun mưa tự động cho vườn rau để tiết kiệm công lao động và phí sản xuất. Cái lợi của hệ thống tưới tự động, lượng nước tưới được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu sinh trưởng của rau muống để rau hấp thu dinh dưỡng, hạn chế các loại vi sinh vật hại gây bệnh trên lá. Nhờ đó, nông dân trồng rau muống giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng chất lượng và năng suất cũng tăng hơn 50kg/công so với trước. Theo ông Nguyễn Văn Bi, thông thường nông dân tưới rau muống bằng máy bơm phải tốn trên 2 lít xăng cho 2 lần tưới/ngày và mất công tưới hơn 2 giờ đồng hồ. Nhưng từ khi ứng dụng hệ thống phun mưa, nông dân trồng rau chỉ tốn vài ngàn đồng tiền điện và canh thời gian tưới rau chứ không cần phải tốn sức vác ống tưới nước cho rau hằng ngày như trước.

Trợ lực mô hình hợp tác

Nhờ những hỗ trợ của ngành chức năng quận Ô Môn các mô hình hợp tác làm ăn ngày càng có hiệu quả. Song muốn tạo sức bật, các mô hình THT, HTX rất cần sự tiếp sức của lãnh đạo quận và thành phố trong việc hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Anh Lê Văn Lợi, Tổ trưởng THT cam xoàn Thới An, cho biết: Điều kiện thổ nhưỡng của địa phương khá thích hợp cho việc canh tác cây cam xoàn đạt chất lượng ngon và ngọt nên cam xoàn của THT đang được thị trường rất ưa chuộng. Để nâng giá trị cho trái cam xoàn và thu nhập cho các thành viên, THT đã đăng ký thương hiệu và chờ cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, cam xoàn của HTX chủ yếu bán cho thương lái chưa thể đưa lên các quầy, kệ của chuỗi cửa hàng tiện ích hay siêu thị… Vì vậy, để thị trường tiêu thụ ổn định, THT mong muốn các ngành chức năng quận hỗ trợ nhà vườn thực hiện quy trình trồng cam xoàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Song song đó, giúp THT chuyển đổi sang mô hình HTX, mở rộng quy mô sản xuất, thu hút thêm nông dân tham gia vào THT. Đây sẽ là điều kiện cơ bản giúp THT nâng giá trị cho trái cam xoàn và thu nhập cho nhà vườn tham gia vào THT.

Ông Lê Việt Sĩ, Chủ tịch UBND quận Ô Môn, cho biết:  Ô Môn đã chỉ đạo các đơn vị có chuyên môn tích cực hỗ trợ nông dân THT cam xoàn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội. Đồng thời, hỗ trợ THT này xây dựng thương hiệu, chuyển đổi sản xuất theo quy trình VietGAP. Bởi đây là những điều kiện, tiêu chuẩn giúp THT tiếp cận và tìm kiếm đầu ra ổn định,… để gia tăng giá trị cho trái cam xoàn, tăng thu nhập của thành viên, góp phần phát triển kinh tế hộ. Song song đó, quận Ô Môn còn tập trung phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có tiềm năng; triển khai các chương trình dự án “Xây dựng mô hình chuỗi sản xuất rau sạch từ gieo trồng đến bảo quản” và dự án “Xây dựng mô hình cam xoàn theo tiêu chuẩn VietGAP”… Các chương trình này từng bước gia tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn quận.

Để các mô hình THT hay HTX trên địa bàn quận Ô Môn phát triển bền vững, đòi hỏi các ngành hữu quan thành phố tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ và định hướng nông dân thực hành sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thu nhập cho xã viên. Đồng thời, tạo điều kiện cho nông dân trong các THT, HTX tiếp cận các nguồn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, các ngân hàng để mở rộng quy mô sản xuất. Tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý, nâng cao năng lực quản trị, kỹ năng điều hành, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, cách thức tổ chức dịch vụ cung ứng đầu vào và đầu ra. Đồng thời, giúp các HTX nâng cao kỹ năng đàm phán và ký kết hợp đồng, tổ chức cho cán bộ HTX tham quan và học tập từ các mô hình điển hình từ các địa phương.

M.HOA

Chia sẻ bài viết