14/10/2008 - 22:04

Bước chuyển mới trong công tác dạy nghề cho thanh niên vùng đô thị hóa

Dạy nghề, giới thiệu việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp bộ Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (LHTNVN), nhằm hạ thấp tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở các khu dân cư, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Ở Cần Thơ, với sự nỗ lực của các cấp bộ Đoàn và Hội LHTNVN, thời gian qua công tác này đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Tuy nhiên, so với yêu cầu của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết.

Tín hiệu mới

Hiện nay, tại UBND xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, hằng ngày có hàng trăm bạn trẻ đến học nghề. UBND xã tận dụng 2 hội trường để mở 2 lớp dạy nghề nuôi trồng và chế biến thủy sản và đang tiếp tục phối hợp Trung tâm Dạy nghề huyện chuẩn bị khai giảng lớp Trung cấp Kế toán - Tin học kéo dài trong 30 tháng. Anh Võ Thanh Tâm, ở ấp 6, xã Thới Hưng, đang đăng ký học lớp Trung cấp Kế toán -Tin học, bộc bạch: “Sau khi tốt nghiệp cấp III, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi phải nghỉ học, xin vào làm công nhân cho một công ty thủy sản. Do trình độ thấp, không có chuyên môn, chưa được đào tạo tay nghề nên lương rất ít. Nay thấy xã mở lớp dạy nghề, tôi xin theo học, mong có cơ hội tìm việc làm, thu nhập ổn định hơn”.

Xã Thới Hưng được thuận lợi là có nhiều công ty, cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn, từ đó các lao động trẻ có nhiều cơ hội tìm việc làm tại địa phương. Anh Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Trong tiến trình đô thị hóa, yêu cầu về chuyển đổi việc làm đối với thanh niên trở thành vấn đề bức xúc, đòi hỏi địa phương, các ban, ngành, đoàn thể... phải quan tâm, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để tạo đào tạo nghề. Vì nếu trên địa bàn có nhiều công ty, xí nghiệp, nhưng trình độ, tay nghề của thanh niên không đáp ứng được yêu cầu thì khi xin việc làm sẽ gặp khó, hoặc lương rất thấp...”. Từ nhận thức đó, nhiều năm qua, Đảng ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo Đoàn thanh niên xã tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành, các đoàn thể, Trung tâm Dạy nghề mở nhiều lớp đào tạo nghề cho thanh niên, như: Nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi thú ý, sửa máy nổ, hớt tóc... Trong quá trình mở lớp dạy nghề, địa phương luôn chú trọng đến sở thích, nguyện vọng của ĐVTN cũng như nhu cầu thị trường lao động. Trước đây, xã tập trung mở các lớp đào tạo các nghề thủ công, như: đan đát, chằm nón... nhưng trên thực tế, các nghề này rất khó tìm nguyên liệu, sản phẩm khó tiêu thụ, thu nhập thấp. Gần đây, Xã Đoàn chuyển sang mở những lớp dạy nghề có triển vọng, dễ tìm việc làm, như: sửa điện thoại di động, xây dựng... Đặc biệt, từ năm 2008, Xã Đoàn phối hợp Trung tâm Dạy nghề huyện mở lớp Kế toán Tin học, đây là một nghề được nhiều bạn trẻ yêu thích.

Tại huyện Thốt Nốt, hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên cũng phát triển mạnh. Theo anh Trương Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội LHTNVN huyện Thốt Nốt, từ đầu năm đến nay, huyện đã mở được 5 lớp dạy nghề, thu hút trên 180 ĐVTN theo học.

Học viên lớp thợ xây do xã Trung Kiên phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Thốt Nốt và HTX Minh Quân tổ chức, đang thực hành xây dựng tại các công trình.

Dưới cái nắng rát da, 60 học viên của 2 lớp thợ xây vẫn chăm chú thực hiện từng động tác xây gạch, tô tường... theo sự hướng dẫn của giáo viên. Anh Phạm Phú Đức, Bí thư Xã Đoàn Trung Kiên, nói: “Nhằm tạo điều kiện cho thanh niên địa phương có việc làm, trong năm 2008, xã kết hợp cùng Trung tâm Dạy nghề huyện và Hợp tác xã (HTX) Minh Quân mở lớp đào tạo nghề thợ xây cho ĐVTN địa phương. Theo dự kiến ban đầu chỉ mở 1 lớp dành cho 30 học viên, nhưng số lượng đăng ký quá đông, nên xã phải mở thêm 1 lớp nữa mới đáp ứng yêu cầu ĐVTN”. Ông Trần Văn Thiện, Phó Chủ nhiệm HTX Minh Quân, cho biết thêm: “Học viên học lý thuyết chủ yếu vào buổi tối, còn ban ngày thì xuống công trình để thực hành. Tại các công trình đều có cán bộ phụ trách kỹ thuật xây dựng của HTX trực giám sát, hướng dẫn. Nhờ vậy, các học viên tiếp thu bài và nâng cao tay nghề rất nhanh. Sau khi hoàn thành khóa học, những học viên có tay nghề cao được HTX nhận vào làm việc. Những học viên học chưa đạt yêu cầu sẽ được HTX tổ chức đào tạo thêm”.

Anh Nguyễn Phước Lợi, học viên của lớp thợ xây, bộc bạch: “Trước đây, tôi từng đi làm hồ, nhưng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân. Vào lớp học này, tôi biết thêm nhiều điều hay, từ tỷ lệ pha trộn hồ, đổ cột, lợp mái nhà... Vui nhất là sau khi học xong, tôi được vào HTX làm việc, có thu nhập ổn định”.

Nguyễn Văn Bờ, con trai một gia đình nông dân nghèo ở ấp Qui Thạnh 2, xã Trung Kiên, vừa học nghề xong được hỗ trợ bộ đồ nghề, anh xin làm thí công ở nhiều tiệm sửa xe và nay mở được tiệm riêng. Ngoài Bờ, nhiều thanh niên khác trong xã, sau khi học nghề, được hỗ trợ đồ nghề cũng tìm được việc làm ổn định. Cùng với lớp dạy sửa xe gắn máy, Xã Đoàn Trung Kiên còn kết hợp với Hội phụ nữ mở lớp dạy may gia dụng cho nữ thanh niên. Sau khóa học, học viên được hỗ trợ máy may, một số người xin vào làm ở các xí nghiệp, một số nhận hàng may tại nhà.

Ngoài các lớp đào tạo nghề ở các địa phương, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên (trực thuộc Thành Đoàn Cần Thơ) đã đào tạo nghề kế toán, sửa chữa điện lạnh, sửa điện thoại di động cho 400 ĐVTN, tư vấn giới thiệu việc làm cho trên 24.000 lượt lao động, giới thiệu cho trên 5.000 ĐVTN có việc làm ổn định.

Vẫn còn nhiều khó khăn!

Tuy có chuyển biến bước đầu, nhưng hiện nay một số địa phương vẫn chưa thật sự quan tâm đến công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm cho lực lượng trẻ, hoặc dạy những nghề chưa phù hợp. Mặt khác, nhiều thanh niên nông thôn chưa quen tác phong lao động công nghiệp, nên không trụ được với công việc.

Như trường hợp N.V.Đ, trình độ học vấn lớp 9, nhà ở quận Ninh Kiều, sau nhiều lần xin việc mới được một công ty chấp nhận. Thế nhưng, chỉ một tháng, Đ. đã xin nghỉ việc vì không chịu được áp lực công việc căng thẳng bên cổ máy. Một nguyên nhân khác gây khó trong việc giải quyết việc làm thanh niên là do các bạn trẻ chưa thật sự bức xúc về việc làm, còn ỷ lại vào gia đình. L.N.H, ở xã Mỹ Khánh, 6 năm nay được gia đình đầu tư học nhiều nghề, từ sửa điện cơ, vẽ đến vi tính, nhưng khi giới thiệu làm ở đâu H. cũng chê công việc cực khổ, không phù hợp. Một số phụ huynh thì do cuộc sống khó khăn nên chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt, chưa có ý thức trang bị một nghề vững vàng cho con cái. Chị N.T.G, ở phường An Cư, quận Ninh Kiều, có đứa con trai nghỉ học từ năm học lớp 7, được người quen giới thiệu vào làm ở một cơ sở sản xuất giày tư nhân, vừa học vừa làm, mỗi tháng chủ trả lương 400.000 đồng, nhưng chỉ được một tháng thì chị không cho con tiếp tục học nghề. Chị nêu lý do: “Tôi cho nó đi bán vé số, mỗi ngày tiền lời kiếm trên 20.000 đồng, một tháng giá chót cũng được 600.000 đồng để phụ giúp gia đình”.

Trình độ học vấn thấp cũng là một trong những nguyên nhân làm hạn chế việc học nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên. Hiện nay, các nghề chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, may gia dụng... không còn phù hợp với tiến trình đô thị hóa, nhưng mở các lớp nghề điện, kế toán, tin học... thì trình độ học vấn của nhiều thanh niên không đáp ứng.

Đồng chí Bùi Hữu Phương, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, cho rằng: “Để thanh niên thích ứng được với ngành nghề kỹ thuật cao, xã tiếp tục đẩy mạnh việc vận động ĐVTN theo học các lớp bổ túc văn hóa, tin học, ngoại ngữ để nâng cao trình độ của mình”.

Theo ông Nguyễn Quốc Vững, Phó Chủ tịch Hội LHTNVN TP Cần Thơ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên, thì hiện nay, Thành Đoàn, Hội LHTNVN đã có kế hoạch để nâng cao chất lượng và cơ sở vật chất ở các cơ sở dạy nghề trực thuộc Trung tâm Dạy nghề và Dịch vụ việc làm Thanh niên, tăng cường đào tạo các ngành dài hạn, nhất là các ngành kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Nhưng theo anh Vững, các tổ chức đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên, Hội LHTNVN cần nắm được tâm tư nguyện vọng của thanh niên, tuyên truyền, vận động thanh niên học nghề, trang bị cho mình cái nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.

Rõ ràng, bên cạnh sự quan tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành, của tổ chức Đoàn, Hội, địa phương trong phối hợp giúp đỡ, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên, thì chính bản thân mỗi thanh niên phải tự nỗ lực phấn đấu, học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ mọi mặt để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

Bài, ảnh: SỸ KHANG

Chia sẻ bài viết