22/02/2011 - 21:47

Bùng phát nạn găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới

Tình trạng bán xăng dầu với số lượng có hạn hoặc “bỗng dưng… nghỉ bán” của các đại lý xăng dầu ở hai tỉnh biên giới An Giang và Kiên Giang đã gây ra khó khăn cho người tiêu dùng! Muốn đổ đầy bình xăng xe gắn máy, khách phải “săn” hàng ở 3-4 cây xăng. Không những thế, bán nhỏ giọt xăng dầu đang làm tăng thêm khó khăn cho người nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu nông nghiệp…

Mua “mót” xăng dầu

Hàng loạt cây xăng bỗng dưng đóng cửa nghỉ bán với bảng treo ở hàng rào “hết xăng”, “cúp điện”... những ngày qua làm người tiêu dùng phải khốn đốn. Vùng U Minh Thượng ở Kiên Giang đang vào vụ tôm, nhu cầu nhiên liệu để bơm nước vào vuông tăng lên nhưng để mua được nhiên liệu là vấn đề vô cùng khó khăn. Ông Nguyễn Văn Vẹn, ngụ xã Đông Thái (huyện An Biên, Kiên Giang), phải tìm đến cây xăng thứ ba mới mua được dầu về chạy máy tát vuông tôm. Anh Vẹn thắc mắc: “Không hiểu sao tự dưng hôm nay hết dầu, chủ trạm xăng dầu nói không biết đến khi nào mới có hàng?!”.

Một cây xăng ở Kiên Giang bỗng dưng... đóng cửa. (Ảnh chụp ngày 17-2-2011). Ảnh: THÀNH NHÂN 

Hàng loạt cây xăng ở thị trấn Thứ Mười Một (huyện An Minh) và dọc tỉnh lộ Xẻo Rô - Cán Gáo tuyến huyện An Biên và An Minh đồng loạt nghỉ bán hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Theo khảo sát, dọc tuyến đường từ huyện An Biên đi đến chợ huyện U Minh Thượng có 6 cây xăng vẫn mở cửa hoạt động, nhưng 2 cây xăng không bán dầu, 2 cây bán “nhỏ giọt” 10.000-20.000 đồng/người/lần. Một nhân viên cây xăng ở xã Đông Thái (huyện An Biên) cho biết: “Mua in ít thì bán, chứ mua nhiều không bán được vì trên công ty không chở hàng, chỉ bán cầm chừng thôi”. Và đó là lý giải của nhiều chủ cây xăng, nhưng thực hư chỉ có nước “bắc thang lên hỏi trời”. Tại An Giang, nông dân cũng khó mua được dầu để tưới tiêu, vận chuyển phương tiện ra đồng. Ông Nguyễn Văn Thành ở huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) than: “Tui chở máy ra đồng thu hoạch lúa nhưng phải đi “mót” 4-5 cây xăng mới mua được dầu chạy máy, nhưng cũng chỉ hoạt động được một buổi rồi hết. Kiểu này, không biết bao giờ mới thu hoạch xong mấy héc-ta lúa? Nhà nước phải sớm can thiệp, chứ không thì nông dân lãnh đủ...”.

Trên tuyến QL80, QL61, QL63 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và QL91, các tỉnh lộ 941, 942, 943, 948 (tỉnh An Giang), rất nhiều đại lý xăng dầu hoạt động cầm chừng hoặc nghỉ bán. Thậm chí, chủ đại lý còn dùng bọc ni-lông bịt kín cột bơm xăng dầu vì sợ... rầy nâu chui vào. Anh Nguyễn Thành Nhân, ở thị trấn Thứ 11 (huyện An Minh, Kiên Giang), cho biết: “Để đổ đầy bình xăng, tôi phải đi mua ở 4 cây xăng cả thảy. Mỗi nơi chỉ bán vỏn vẹn 10.000 đồng. Không hiểu sao mua nhiều thì không bán, trong khi bình thường muốn mua bao nhiêu cũng có...”. Tại xã Tân Hòa (huyện Tân Hiệp, Kiên Giang), cây xăng T.Đ dùng bao ni-lông bọc kín trụ bơm, ngưng hoạt động. Khách thắc mắc thì được nhân viên trả lời: “Hổm rày cắt lúa, rầy nâu dữ quá. Chủ sợ rầy nâu chui vào làm hư cột bơm nên cho nghỉ bán vài bữa để bảo quản cho an toàn...”. Tại An Giang, tình trạng khan hiếm tương tự cũng đã xảy ra. Rất nhiều cây xăng đóng cửa im ỉm. Không ít trường hợp người điều khiển xe gắn máy phải dắt bộ qua nhiều cây xăng, đổ xăng lẻ.

Nhiều trường hợp được hỏi, nhân viên không ngần ngại cho biết: “Giá xăng rục rịch tăng nên chủ ngưng bán để trữ hàng lại. Chờ tăng giá, xăng dầu mới được bán ra, kiếm lời...”. Không ít trường hợp, nhân viên được nghỉ xả hơi không trừ lương cho đến khi cây xăng hoạt động lại. Việc găm hàng chờ giá đã thấy rõ động cơ của các chủ cây xăng. Trong khi thiệt hại lớn nhất vẫn là người tiêu dùng. Nếu không giải quyết kịp thời, hậu quả sẽ khó lường, nhất là đối với người sản xuất nông nghiệp, thủy sản...

Xăng, dầu “tràn” qua biên giới

Trong khi người tiêu dùng phải “mót” từng chút một thì xăng, dầu ở khu vực biên giới vẫn “tràn” qua Campuchia. Tại huyện biên giới Giang Thành (Kiên Giang), hoạt động buôn lậu xăng dầu qua biên giới rất nhộn nhịp. Trước phản ánh của người dân về một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện có tình trạng đầu cơ, đóng cửa hoặc hạn chế thời gian bán hàng, Đội quản lý thị trường phối hợp Phòng Công thương Giang Thành tiến hành kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Qua đó, đã lập biên bản xử lý hành chính doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu H.TH (ở ấp Cả Ngay, xã Phú Lợi) bán 939 lít xăng A92 thu tiền cao hơn giá xăng dầu quy định (giá quy định 16.728 đồng, thì bán cho người dân giá 19.000 đồng). Tại xã Tân Khánh Hòa (huyện Giang Thành), lực lượng chức năng đã kiểm tra vỏ máy chở xăng dầu của ông Nguyễn Văn Được và thu giữ 11 can dầu, 6 can xăng, mỗi can 30 lít. Theo điều tra ban đầu, các đối tượng khai nhận mua bán, vận chuyển trái phép qua biên giới. Một nguồn tin khác từ Công an huyện Giang Thành, lực lượng chức năng vừa xử lý chủ cây xăng ND, ở ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Hòa, vì vận chuyển trái phép 56 lít xăng, 728 lít dầu qua xã Ton Hon (huyện Kampong Trach, tỉnh Kampot, Campuchia).

Theo ông Lữ Minh Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Kiên Giang: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất lậu xăng dầu hiện nay tại địa bàn huyện Giang Thành là do giá bán lẻ xăng dầu trong nước thấp hơn so với giá bán lẻ xăng dầu tại Campuchia từ 2.700 đồng/lít đối với dầu DO và 4.000 đồng/lít đối với xăng A92... Với mức chênh lệch này, đối tượng sẽ có lãi từ 40.000 - 45.000 đồng/can đối với dầu DO và từ 60.000 - 70.000 đồng/can đối với xăng. Chính việc thu lãi khá cao này khiến cho nhiều người dân mặc dù biết phạm luật nhưng vẫn làm.

Để xử lý tình trạng găm hàng, chờ giá, buôn bán xăng dầu trái phép qua biên giới, các lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang đang phối hợp kiểm tra và xử lý. Trong khi đó, một doanh nghiệp cung cấp xăng dầu ở An Giang cam kết cung đủ nguồn hàng cho các đại lý trong hệ thống nhưng vẫn lo ngại việc hoạt động không đồng bộ sẽ gây tình trạng khách hàng đổ dồn mua hàng ở những điểm đang hoạt động bình thường, gây sốt hàng. Theo Sở Công thương tỉnh An Giang, Công ty xăng dầu tỉnh này cam kết cung cấp đầy đủ số lượng xăng dầu cho 31 cửa hàng trực thuộc và 120 đại lý bán lẻ nằm rải rác trên toàn tỉnh. Doanh nghiệp này cung cấp nguồn hàng chiếm 30% thị phần toàn tỉnh An Giang. Trước tình trạng khan hiếm ảo, doanh nghiệp đã chủ động tăng thêm nguồn hàng so với cùng kỳ năm trước khoảng 39% trong tháng 1 và 22% trong tháng 2-2011.

NHÓM PV KINH TẾ VÀ CTV

Chia sẻ bài viết