07/09/2017 - 06:48

Bức bách nhân lực cho ngành công nghệ thông tin 

Nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) của các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển các sản phẩm công nghệ phần mềm… là rất lớn. Đặc biệt, hội nhập quốc tế, áp lực thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đòi hỏi nhà quản lý, doanh nghiệp… phải đẩy nhanh ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp ngành CNTT dự báo, nhu cầu con người cho ngành này sẽ “khát” trong thời gian tới.

Cung chưa gặp cầu

Năm 2014, Trung tâm Phần mềm FPT Cần Thơ (Fsoft Cần Thơ) chính thức đi vào hoạt động tại TP Cần Thơ. Mục tiêu của Fsoft Cần Thơ là triển khai các dự án cho đối tác Nhật Bản, đồng thời sử dụng nguồn nhân lực trẻ của TP Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.

Ông Trần Minh Hùng, Giám đốc Fsoft Cần Thơ, cho biết: Hai năm đầu, thách thức lớn nhất của Trung tâm chính là nguồn nhân lực, nhất là những người có kinh nghiệm, có khả năng quản lý và sẵn sàng tiên phong thực hiện những dự án lớn…

Để khắc phục khó khăn này, Fsoft Cần Thơ liên kết và tổ chức tuyển dụng trực tiếp những sinh viên CNTT giỏi của Trường Đại học Cần Thơ. Nhờ đó và nhờ trợ lực từ nhiều phía, Fsoft Cần Thơ vẫn hoạt động có hiệu quả tại TP Cần Thơ.

“Tuy nhiên, Fsoft Cần Thơ khó mở rộng hoạt động tại TP Cần Thơ. Một trong những nguyên nhân chính vẫn là thiếu nguồn nhân lực, chủ yếu là đội ngũ CNTT có khả năng làm việc, giao tiếp bằng tiếng Anh, hoặc tiếng Nhật” - ông Trần Minh Hùng nói.

Sinh viên Trường Đại học Cần Thơ đang học tập, tìm tài liệu trên máy vi tính. Ảnh: Q. THÁI

Doanh nghiệp khó tuyển dụng nhân sự, nhưng việc đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực CNTT cũng còn nhiều bất cập.

Ông Ngô Văn Toàn, Phó Tổng Giám Đốc, Global CyberSoft Việt Nam, cho biết: “Sự sẵn sàng trong đào tạo ngành CNTT của Việt Nam là rất lớn. Bởi cả nước có đến 142 trường đại học và 112 trường cao đẳng có khoa CNTT; trong đó, khu vực ĐBSCL có trên 60 trường đại học và cao đẳng. Tuy nhiên, những năm gần đây, doanh nghiệp ngành CNTT vẫn luôn “than vãn” không có người để tuyển dụng và cũng chỉ có dưới 30% nhân lực đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp”.

Nhiều ý kiến cho rằng, trên thực tế, nhiều trường lại không tuyển đủ sinh viên học ngành CNTT. Trong khi đó, những trường thuộc hàng “tốp” có đào tạo ngành CNTT, như: Đại học Bách khoa, Đại học Cần Thơ, Khoa học tự nhiên… lại bị hạn chế số lượng đào tạo.

Thực tế này, ông Trần Cao Đệ, Trưởng khoa CNTT và Truyền thông Trường Đại học Cần Thơ, chia sẻ: Chỉ tiêu đào tạo ngành CNTT của trường khoảng 700-800 sinh viên/năm. Nhưng, có lúc trường tuyển vượt con số đó một chút để đáp ứng nhu cầu đào tạo cũng như đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

 Thêm vào đó, theo Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông” được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt vào ngày 22-9-2010 tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg, đến năm 2020, cả nước có khoảng 1 triệu nhân lực CNTT (gấp 3 hiện nay) và 80% đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Theo Quy hoạch Phát triển nhân lực CNTT của Việt Nam, đến 2020 đạt khoảng 758.000 người... Dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu hụt hơn 100.000 nhân lực CNTT mỗi năm. Đây là một vấn đề cần được quan tâm nhiều trong thời gian tới” - ông Ngô Văn Toàn chia sẻ.

Gắn kết, hình thành “kiềng 3 chân”

Theo ông Dương Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT (ICT-Index) của Cần Thơ đạt mức khá, chỉ số năng lực cạnh tranh đạt mức tốt. Đặc biệt, Cần Thơ đang đầu tư Dự án xây dựng khu CNTT tập trung TP Cần Thơ.

Ngày 11-4-2017, Thành ủy Cần Thơ ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016 – 2025.

Mục tiêu nhằm xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh thông qua sử dụng CNTT và truyền thông để thu thập, truyền, lưu trữ và xử lý dữ liệu hướng tới phục vụ người dân và quản lý đô thị thông minh hơn góp phần nâng cao chất lượng quản lý nhà nước hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, xây dựng môi trường sống, sản xuất kinh doanh ngày càng văn minh, hiện đại. Đồng thời, khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng, quản lý đô thị và giám sát khu vực hành chính công… 

“Là trung tâm của vùng ĐBSCL, việc xây dựng Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh gắn với lợi thế vùng ĐBSCL sẽ tạo môi trường thuận lợi phát triển công nghiệp CNTT của thành phố và cả vùng ĐBSCL. Vì thế, thành phố mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực CNTT quan tâm, đầu tư vào khu CNTT tập trung. Chính quyền thành phố sẽ tạo các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đến đầu tư và phát triển” – ông Dương Thế Dũng cho biết.

Để có thể đạt những mục tiêu kỳ vọng trên, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Liên minh VNITO, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung, cho rằng: TP Cần Thơ nên xác định điểm mạnh của thành phố và tập trung phát triển điểm mạnh đó để có thể thu hút được sự quan tâm và đầu tư của các doanh nghiệp trong vùng cũng như các doanh nghiệp lớn ở TP Hồ Chí Minh và cả nước.

Tháng 11-2015, Công ty TNHH DIGI – TEXX chuyên cung cấp các dịch vụ số hóa tài liệu, nhập liệu, xử lý dữ liệu, xử lý hình ảnh... chính thức hoạt động tại TP Cần Thơ.

Bà Trần Thị Diệu Thuần, Giám đốc Điều hành, Công ty TNHH DIGI – TEXX, cho biết: Có thể nói, DIGI – TEXX là một trong những doanh nghiệp CNTT đầu tiên có mặt tại Cần Thơ. Theo đó, DIGI – TEXX đã và sẽ tạo cơ hội việc làm cho hàng trăm lao động ngành CNTT ở TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Một trong những ưu điểm của các lao động đang làm việc tại DIGI – TEXX Cần Thơ là không “nhảy việc”, cần cù và khá gắn bó với các hoạt động đoàn thể của công ty…

Tuy nhiên, chưa có nhiều lao động có sự phát triển đột phá và khả năng ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu. Chính vì thế, ngoài trang bị kiến thức về lĩnh vực chuyên môn, sinh viên ngành CNTT cần trang bị khả năng giao tiếp, khả năng ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nhật…) để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhà tuyển dụng.

“Nguồn nhân lực cho CNTT nếu chỉ dừng lại ở việc đào tạo không là chưa đủ mà phải xem xét các yếu tố hình thành “kiềng 3 chân”. Đó là: Nền kinh tế phải thật sự đủ “mạnh”. Doanh nghiệp đông về số lượng và có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nguồn lực CNTT được đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng. 3 yếu tố này phải gắn kết một cách chặt chẽ với nhau thì mới có thể tạo nên thế vững chắc” - ông Ngô Văn Toàn, Phó Tổng Giám đốc, Global CyberSoft Việt Nam nói.

Bên cạnh đó, theo bà Trần Thị Diệu Thuần, chính quyền các địa phương, đặc biệt là TP Cần Thơ- trung tâm vùng ĐBSCL cần quy hoạch, xây dựng các khu vực dành riêng cho doanh nghiệp CNTT với hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng cho nhu cầu hoạt động, như: đường truyền Internet tốc độ cao, cung ứng điện ổn định và liên tục… Có như vậy mới có thể thu hút doanh nghiệp ngành CNTT quan tâm và quyết định đầu tư. Từ đó, thúc đẩy phát triển ngành CNTT của thành phố và cả vùng ĐBSCL trong bối cảnh hội nhập quốc tế nói chung và cuộc CMCN 4.0 nói riêng. 

HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết