17/12/2017 - 11:18

Bóng rổ Cần Thơ nhìn từ VBA 

Với những người làm thể thao Cần Thơ, sẽ khó mà quên được cảnh 1.600 khán giả mua vé và phủ kín Nhà thi đấu Đa năng thành phố trong trận chung kết thứ tư (vào cuối tháng 11) giữa Cantho Catfish và Thăng Long Warriors, Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam- VBA 2017. Điều đó cho thấy bóng rổ vẫn có sức hút với khán giả Cần Thơ và ĐBSCL. Vấn đề là địa phương sẽ làm gì để giữ lực hút đó ở lại.

Khung cảnh 1.600 khán giả phủ kín Nhà thi đấu Đa năng TP Cần Thơ trong trận Cantho Catfish gặp Thăng Long Warriors ngày 29-11. Ảnh: facebook canthocatfish

Nhiều người nói VBA là một hình thức đầu tư trong thể thao, khi giải được tổ chức bằng nguồn kinh phí từ xã hội; chủ các đội bóng xuất vốn mời ngoại binh, cầu thủ Việt kiều, tạo thành đội với các cầu thủ chuyên và không chuyên của các địa phương. Mỗi trận đấu là sự kết hợp giữa thi đấu đỉnh cao với tính giải trí. Đi kèm theo đó là hệ thống truyền thông xây dựng hình ảnh của từng cầu thủ, đội bóng; hệ thống bán vé với nhiều loại giá, đa dạng hình thức tiếp cận khán giả; kinh doanh các sản phẩm liên quan… Trước mắt, có thể những người tổ chức và chủ các đội bóng chưa có lời, thậm chí lỗ vốn; nhưng trong tương lai xa nhất là 10 năm, VBA sẽ đem lại lợi nhuận và trở thành giải thể thao quốc gia hấp dẫn, tương tự như lợi ích kinh tế và vị thế NBA đạt được trong hệ thống thể thao tại Mỹ.

Còn về chuyên môn, VBA qua hai mùa 2016 và 2017, đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển bộ môn bóng rổ. Đơn cử như ở Hà Nội, cùng với sự lớn mạnh của đội Hanoi Buffaloes, bóng rổ thủ đô phát triển mạnh mẽ, có đủ lực lượng để góp mặt vào đội bóng thứ hai của thành phố trong mùa giải VBA 2017 là Thăng Long Warriors. Tại thành phố thủ đô cũng liên tục diễn ra các giải phong trào như giải bóng rổ không chuyên, giải học sinh sinh viên…

Riêng với bóng rổ Cần Thơ, VBA đã tạo thêm cơ hội thi đấu cho các cầu thủ đội tuyển thành phố, bên cạnh giải vô địch quốc gia hằng năm. Mùa giải VBA 2017, 11 cầu thủ của tuyển bóng rổ Cần Thơ được chiêu mộ thi đấu cho các đội Danang Dragons, Thăng Long Warriors và Cantho Catfish. Đó là chưa kể các cầu thủ từ bóng rổ không chuyên có cơ hội thi đấu và tỏa sáng, tiêu biểu như Nguyễn Huỳnh Phú Vinh thi đấu cho Cantho Catfish và được chọn vào tuyển bóng rổ Việt Nam tham dự giải 3x3 Road to Asean tại Indonesia vào tháng 12-2017.

Thực tế cho thấy, bóng rổ ở Cần Thơ phát triển mạnh và đồng đều ở cấp chuyên nghiệp lẫn phong trào. Năm 2016, tuyển bóng rổ nam của Cần Thơ đoạt hạng Ba giải vô địch quốc gia (cả hai nội dung 5x5 và 3x3), năm 2017 vươn lên hạng Nhì (cũng ở cả hai nội dung), thường xuyên có từ 3-4 cầu thủ góp mặt trong đội tuyển quốc gia. Thành viên tuyển bóng rổ Cần Thơ cũng là những tên tuổi quan trọng khi tham gia VBA 2017: Tô Quang Trung, Nguyễn Văn Hùng (Thăng Long Warriors), Nguyễn Hoàng Tú, Nguyễn Vũ Bình Nguyên, Trương Trần Nhân Hậu, Lê Văn Đầy (Cantho Catfish), Lê Phước Thắng (Danang Dragons)... Về phong trào, hiện nay thành phố có khoảng 200 nhóm, đội bóng rổ hoạt động ở 9 quận, huyện. Về cơ sở vật chất, có Nhà thi đấu Đa năng, nhà tập và thi đấu bóng rổ thuộc Trung tâm Thể dục Thể thao thành phố, sân ở Trường Phổ thông năng khiếu Thể dục Thể thao và hệ thống sân, cột rổ ở rộng khắp các quận, huyện, trường học... Tuy nhiên, tại thành phố lại ít có các giải phong trào lẫn giải đấu chuyên nghiệp; khán giả vì vậy cũng gần như quên mất thói quen đến sân xem bóng rổ; cho đến khi có Cantho Catfish hình thành từ năm 2016 và chứng minh khán giả của bóng rổ vẫn đông đảo.

“Nhiều người kể với tôi rằng bóng rổ Cần Thơ hiện nay không còn mạnh như mười mấy hai mươi năm trước, nhưng tôi lại thấy Cần Thơ đang có lứa cầu thủ giỏi và sẽ tiến xa. Những cầu thủ lớn tuổi hơn như Quang Trung, Hoàng Tú là chỗ dựa để các cầu thủ đang trong tuổi đôi mươi như Bình Nguyên, Nhân Hậu, Văn Đầy, Phú Vinh… trưởng thành và thi đấu hiệu quả trong ít nhất 10 năm tới nữa”- huấn luyện viên người Mỹ Kevin Yurkus, người dẫn dắt Cantho Catfish mùa giải VBA 2017 nhận xét. Không chỉ là huấn luyện viên ở các giải chuyên nghiệp tại nhiều quốc gia, HLB Yurkus còn có nhiều kinh nghiệm trong công tác đào tạo cầu thủ trẻ, và ông thường có tầm nhìn cho nhiều năm: “Sau VBA, tôi mong các cầu thủ trẻ địa phương vẫn được tham gia các giải đấu, để giữ kỷ luật tập luyện, tích lũy kinh nghiệm và lan truyền tình yêu bóng rổ”.

Muốn có những giải đấu thường xuyên, hình thành phong trào vững mạnh và từng bước xây dựng khán giả cho riêng mình; bóng rổ Cần Thơ đang cần những thay đổi trong tư duy quản lý, phát triển chuyên môn, tháo gỡ những vướng mắc trong việc phát huy cơ sở vật chất, đa dạng hóa việc mở các lớp đào tạo bóng rổ năng khiếu ở hệ phong trào cũng như chuyên nghiệp. Thiết nghĩ, những người trực tiếp làm công tác chuyên môn và quản lý thể thao ở Cần Thơ đều biết những vướng mắc đang cản trở sự phát triển của bóng rổ Cần Thơ là gì và cần giải quyết ra sao. Vấn đề là phải mạnh dạn bỏ qua những bất đồng, từng bước phát triển bóng rổ cộng đồng, mở thêm các lớp đào tạo, các giải phong trào… để tìm lại khán giả.

Từ VBA, có thể thấy bóng rổ là môn thể thao dễ thu hút giới trẻ, bởi nhịp độ và không khí trận đấu nhanh, sôi động, phù hợp với nhịp sống hiện đại. Từ đó cũng dễ bán vé, tổ chức các hoạt động tạo nguồn thu. Cần Thơ tất nhiên chưa thể lập tức tổ chức được như VBA, nhưng với nguồn lực sẵn có, việc bắt đầu từ các giải địa phương là hoàn toàn có thể (như đã tổ chức thi đấu thành công môn bóng rổ tại Đại hội Thể dục thể thao thành phố lần thứ VIII, tháng 12-2017). Có những hoạt động khuấy động phong trào, tạo được khán giả, xây dựng các nguồn thu, biết đâu trong tương lai 10 năm tới, thành phố không cần phải dành ngân sách đầu tư phát triển đội tuyển, mà ngược lại bóng rổ sẽ đem lợi nhuận về cho địa phương.

TẤN LỘC

Chia sẻ bài viết