23/09/2017 - 10:13

Bóng đá Việt lại thêm “nốt trầm” 

Sau thất bại của đội tuyển U22 Việt Nam tại SEA Games 29, bóng đá Việt rơi vào vòng xoáy những cuộc tranh luận về phương hướng phát triển. Nhưng dường như cũng giống như trước đây, những cuộc tranh cãi chỉ mang dáng vấp “đấu đá” khi Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) chuẩn bị diễn ra vào năm tới.

Dù đã từ chức, nhưng HLV Hữu Thắng vẫn gây tranh cãi vì thất bại của đội U22 Việt Nam tại SEA Games 29. Ảnh: NGUYỄN MINH

Những vấn đề cũ lại tiếp tục được đặt ra khi HLV Nguyễn Hữu Thắng từ chức sau thất bại tại SEA Games 29. Đó là việc VFF tìm người thay thế chiếc ghế mà Hữu Thắng để lại, với câu hỏi không có gì mới là HLV “nội” hay “ngoại”. Điều này cho thấy VFF vẫn đang loay hoay vì không có định hướng rõ ràng cho đội tuyển quốc gia và đội tuyển Olympic - “bộ mặt” của một nền bóng đá. Bởi cứ sau mỗi lần thất bại của đội tuyển tại SEA Games hoặc AFF Cup, HLV trưởng bị đem ra “xử trảm” và sau đó là lần lựa tìm người thay thế. Trước HLV Hữu Thắng là nhà cầm quân người Nhật Bản Toshiya Miura, trước Miura là các HLV: Hoàng Văn Phúc, Phan Thanh Hùng, Falko Goetz, Calisto, Riedl... đều đến và đi trong hoàn cảnh giống nhau: thất bại của người tiền nhiệm và sau những tranh luận “nội” hay “ngoại”.

Hiện tượng này hoàn toàn khác với những nền bóng đá tiến bộ, khi điều kiện tiên quyết để chọn HLV trưởng đội tuyển quốc gia phải là năng lực và đức độ. Nhiều ý kiến cho rằng do tài chính hạn hẹp, VFF không thể trả lương cho những HLV ngoại có trình độ cao, đủ sức giúp nâng tầm bóng đá Việt. Thế nhưng tiền chỉ là một phần, bởi HLV ngoại dù có giỏi đến đâu cũng khó giúp thay đổi trình độ các đội tuyển bóng đá Việt. Một số chuyên gia cho rằng, tầm cỡ Jose Mourinho cũng phải “bó tay” nếu cứ làm bóng đá theo kiểu “ăn xổi” như hiện nay: Giải vô địch quốc gia còn quá nhiều vấn đề, các CLB chưa thật sự chuyên nghiệp về đào tạo trẻ...

Hơn nữa, VFF không có định hướng rõ ràng về phong cách, lối chơi của đội tuyển mà chỉ đặt ra các yêu cầu ngắn hạn dành cho các HLV như vô địch hoặc vào chung kết ở một giải đấu cụ thể. Khi không đạt mục tiêu đề ra, HLV phải ra đi. Chỉ tính riêng từ năm 2010 tới nay, đội tuyển quốc gia được dẫn dắt bởi 6 HLV trưởng và 2 HLV tạm quyền, với phong cách và lối chơi mỗi thời kỳ mỗi khác.

Đáng lưu ý là từ khi bóng đá Việt Nam hội nhập quốc tế năm 1995 đến nay, có 8 HLV nước ngoài đến dẫn dắt đội tuyển quốc gia và U23 quốc gia (không kể thời gian tái nắm quyền). Khoản tiền thuê HLV ngoại mỗi năm tiêu tốn không ít, nhưng chỉ mỗi ông Calisto mang lại chiếc cúp vô địch AFF năm 2008. Không phủ nhận những thay đổi của bóng đá Việt do các HLV ngoại mang lại, nhưng VFF đã không tận dụng được những thành quả để kế thừa, phát huy khi chỉ quan tâm mục tiêu ngắn hạn. Thậm chí, những HLV ngoại tâm huyết như Calisto, Riedl có những ý kiến đóng góp quý báu giúp phát triển nền bóng đá Việt đã không được trọng thị. Còn những HLV nội hầu như không tạo được dấu ấn khi vướng vào những vấn đề cố hữu: “quân anh, quân tôi”, sai lầm chiến thuật, thể lực, kỷ luật... mỗi khi ngồi vào ghế nóng.

Bên cạnh chiếc ghế HLV, Hội đồng HLV quốc gia cũng đang trong “tâm bão” tranh cãi vì “sự hữu danh vô thực” trong VFF. Một vài vị trí chủ chốt của VFF bị đưa ra để tìm người thay thế... Nhưng tất cả điều đó sẽ không thể làm thay đổi nền bóng đá nếu không có cơ chế định hướng phát triển dài hạn cho bóng đá Việt từ ngành quản lý thể thao. 

NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết