06/09/2017 - 10:21

Bóng đá Hà Lan quay lại học hỏi Pháp? 

Bất cứ quốc gia nào chú trọng đào tạo cầu thủ trẻ một cách nghiêm túc và bài bản, họ sẽ gặt được quả ngọt. Ngược lại sẽ nếm trái đắng. Bóng đá Pháp và Hà Lan đang cho thấy hai hình ảnh trái ngược trên.

    Những “chú gà trống Gaulois” của Pháp hiện nay. Ảnh: Metro

Những năm gần đây, nhắc tới Hà Lan không nhiều người nghĩ đến biệt danh “cơn lốc màu da cam” từng khiến các đội bóng ngán ngại, mà dường như họ chỉ liên tưởng đến hình ảnh “cơn gió nhỏ”.

Đất nước của những chiếc cối xay gió một thời đào tạo và xuất khẩu cầu thủ trẻ chất lượng thành công như cách họ làm với hoa tulip.

Vào những thập niên 1990, lò đào tạo cầu thủ trẻ của Ajax Amsterdam nổi đình nổi đám khi liên tục cung ứng những tài năng lớn cho bóng đá nước nhà và các CLB lớn khác, kiểu như lò La Masia của CLB Barcelona ngày nay.

Đơn cử như tiền vệ Edgar David, tiền đạo Dennis Bergkamp, Patrick Kluivert hay thủ môn Van de Sar. Sau thế hệ này, bóng đá Hà Lan còn những Robben, Sneijder, Van Persie.

Nhưng rồi kể từ đó người ta chờ mãi không thấy tên tuổi lớn nào xuất hiện. Những cái tên được gọi vào đội tuyển hiện nay đều rất xa lạ với những ai thường xuyên theo dõi bóng đá châu Âu như Kenny Tete, Matthijs de Ligt, Tonny Vilhena hay Donny van de Beek.

Những cầu thủ U22, U23 của Hà Lan hiện chỉ thi đấu quanh quẩn cho các CLB trong nước hoặc tầm trung, như trường hợp của Vincent Janssen đầu quân cho Tottenham (Anh).

Có vẻ như giờ đây Ajax xuất khẩu cầu thủ thiên về lượng hơn là chất. Các lò của Ajax mọc lên ở khắp nơi trên thế giới, nhưng do họ đã chuyển hướng sang “thương mại hóa” công tác đào tạo, nên hệ quả là chất lượng không theo kịp số lượng.

Người Hà Lan chắc chắn tiếc nuối quá khứ vàng son của họ và có thể càng tiếc hơn khi ngó sang Pháp.

Phần lớn những cái tên gây ồn ào trên thị trường chuyển nhượng mùa hè năm nay là những cầu thủ đến từ quốc gia này như Mbappe, Lemar, Dembele. Rõ ràng, Pháp đang bội thu tài năng trẻ.

Lứa cầu thủ sinh năm 1991 như Griezmann, Kante vẫn còn sung mãn thì “sóng sau” sinh năm 1993 của Pogba, Umititi lại ập tới, bên cạnh đó là sự lăm le của những chàng trai sinh năm 1995, 1996 như Lemar, Kimpembe.

Thậm chí, thế hệ măng non gần nhất 1997, 1998 của Dembele, Mbappe cũng đang trở thành những cái tên hot trên thị trường chuyển nhượng. Số tiền gần 150 triệu euro mà gã khổng lồ Barcelona chấp nhận bỏ ra để có được chữ ký của Dembele đã nói lên giá trị của chàng trai 20 tuổi này.

Pháp có được thành công như ngày nay là nhờ cuộc cách mạng trong đào tạo cầu thủ trẻ, với quy mô và đồng bộ từ trên xuống dưới. Giữa những năm 2000, Liên đoàn Bóng đá Pháp (FFF) thống nhất quan điểm đào tạo mới, trong đó “tập trung vào tư duy chơi bóng và tinh thần chiến đấu”. 

Ở tuyến dưới, các lò đào tạo đưa ra tiêu chuẩn đầu vào khắt khe hơn, việc giáo dục đạo đức được chú trọng hơn. Riêng các CLB tại Ligue One nhận thức rằng họ gánh trách nhiệm cho cả nền bóng đá khi trao cơ hội ra sân cho cầu thủ trẻ nhiều hơn.

Tấm gương sáng trong chiến lược đào tạo này phải kể đến CLB Monaco của thần đồng Mbappe. Có lúc các tín đồ túc cầu giáo nói đùa rằng muốn tìm cầu thủ giỏi, hãy đến Monaco.

BÌNH DƯƠNG

Chia sẻ bài viết