06/06/2018 - 15:40

Bơi xuyên biển 9.000km 

Nhằm gia tăng nhận thức của công chúng về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa, ông Ben Lecomte (ảnh) - một công dân Pháp 51 tuổi - hôm 5-6 đã bắt đầu quãng đường bơi dài 9.000km qua Thái Bình Dương, từ Thủ đô Tokyo của Nhật Bản tới thành phố San Francisco của Mỹ.

Ảnh: Business Insider

Dự kiến để tới được bờ Tây nước Mỹ, “kình ngư” này sẽ phải bơi 8 tiếng mỗi ngày trong hơn 6 tháng, cũng như phải đối mặt với những mối nguy hiểm tiềm tàng như cá mập, giông bão, các đàn sứa và nhiệt độ cực thấp của đại dương lớn nhất hành tinh.

Hồi năm 1998, Lecomte từng bơi một mình vượt qua quãng đường dài 6.400km trên Đại Tây Dương trong 73 ngày. Còn ở hải trình lần này, ông sẽ bơi với sự đồng hành của tàu Discoverer, nơi ông sẽ ăn uống và ngủ nghỉ trước khi tiếp tục bơi trở lại vào sáng sớm hôm sau. Nhóm các nhà khoa học đi theo hỗ trợ sẽ thực hiện một loạt thử nghiệm - chẳng hạn như thu thập các mẫu nước biển để tìm hiểu về tình trạng tích tụ rác thải nhựa.

Trong khi đó, nhân Ngày Môi trường Thế giới (5-6), Liên Hiệp Quốc đã công bố một nghiên cứu cho thấy có chưa tới 1/10 số rác thải nhựa được tái chế, đồng thời kêu gọi các chính phủ nên cân nhắc cấm sử dụng hoặc đánh thuế sản phẩm nhựa dùng một lần để ngăn chặn ô nhiễm.

Theo nghiên cứu, có tới 5.000 tỉ túi nhựa được sử dụng trên toàn thế giới mỗi năm. Nếu trải ra, số rác này có thể bao phủ một khu vực rộng gấp đôi diện tích nước Pháp. Đáng lo ngại là chỉ có 9% trong số 9 tỉ tấn nhựa sản xuất ra trên toàn cầu được tái chế. Đa số được vứt tại các bãi chôn lấp, bãi rác hoặc vào trong môi trường.

Hiện Trung Quốc là nguồn tạo ra rác bao bì nhựa lớn nhất thế giới, kế đến là Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Nhưng nếu tính theo đầu người, Mỹ là nước thải nhiều rác thải nhựa nhất, tiếp theo là Nhật Bản và EU.

NG. CÁT (Theo AFP, BBC)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Bơi xuyên biển