30/09/2011 - 15:34

Bổ sung dinh dưỡng khi trẻ bị tiêu chảy

Khi mắc bệnh tiêu chảy, trẻ cần được bổ sung dinh dưỡng hợp lý. Ảnh: HỒNG VÂN

Tiêu chảy là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng vì khi mắc bệnh, trẻ ăn ít và khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng giảm. Do đó, trẻ rất cần được bổ sung dinh dưỡng hợp lý để hồi phục lại sức khỏe. Để giúp các bà mẹ biết cách phòng ngừa và bổ sung dinh dưỡng đúng cách khi trẻ bị tiêu chảy, Bác sĩ Nguyễn Kim Phụng, phụ trách Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ khuyến cáo:

Tiêu chảy là bệnh lý thường gặp ở trẻ em, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng của trẻ. Khi bị tiêu chảy, trẻ sẽ bị mất nước, các chất điện giải và kém hấp thu các thành phần dinh dưỡng trong thức ăn. Trong trường hợp mất nước ở mức độ nặng sẽ có thể gây nguy hiểm, thậm chí tử vong. Vì vậy, bên cạnh việc bổ sung nước, các chất điện giải thì trẻ cần được bổ sung các chất dinh dưỡng để đề phòng trẻ bị sút cân và suy dinh dưỡng.

Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong đối phó và giảm nguy cơ tiêu chảy; đồng thời có tác dụng thúc đẩy sự phục hồi sớm niêm mạc ruột, tăng cường miễn dịch của cơ thể. Tùy theo lứa tuổi và chế độ ăn của trẻ trước khi bị tiêu chảy mà các bậc phụ huynh bổ sung dinh dưỡng cho trẻ bằng một khẩu phần ăn hợp lý. Đối với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi đang bú mẹ, cần cho trẻ tiếp tục bú bình thường và tăng số lần bú. Bởi sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất đối với trẻ, cung cấp các dưỡng chất dễ tiêu hóa và giàu kháng thể giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ mau khỏi bệnh. Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, ngoài sữa mẹ và các loại sữa thay thế, cần cho trẻ ăn thêm nhiều lần và mỗi lần một ít các thức ăn giàu dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa... Cho trẻ ăn thêm các loại quả chín hoặc nước quả để tăng lượng kali và các vitamin.

Trong thời gian trẻ bị tiêu chảy, tuyệt đối không nên cho trẻ uống các loại nước giải khát công nghiệp có ga và nhiều đường; các loại thực phẩm ít chất dinh dưỡng, có nhiều xơ và khó tiêu hóa như: măng, rau cần, tinh bột (các loại đậu, ngô,...) nguyên hạt khó tiêu hóa; không nên cho trẻ ăn các loại thức ăn có chứa nhiều đường như bánh, kẹo và các thức ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ như chả, xúc xích, patê,... vì những thức ăn này có thể làm cho bệnh tiêu chảy kéo dài. Khi trẻ đã bớt tiêu chảy và ăn ngon miệng trở lại, cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa ăn nữa trong 2 tuần liền. Với trẻ tiêu chảy kéo dài cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa ăn nữa và kéo dài tối thiểu một tháng giúp trẻ tăng cân bình thường và đề phòng suy dinh dưỡng. Các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến việc giữ vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân để giảm nguy cơ trẻ bị mắc bệnh tiêu chảy.

HỒNG VÂN (ghi)

Chia sẻ bài viết