19/07/2018 - 21:46

Blockchain và bài toán nguồn gốc nông sản 

Ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp được xem là đem lại những hiệu quả thiết thực và ngày càng thể hiện được ưu thế vượt trội. Blockchain là giải pháp ứng dụng mới trong giới công nghệ không chỉ tại Việt Nam mà cả trên toàn thế giới giúp doanh nghiệp chuẩn hóa quy trình sản xuất, giải bài toán truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và cạnh tranh nông sản ĐBSCL trên toàn cầu. Nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp đang là vấn đề được người tiêu dùng quan tâm, thì mới đây giải pháp ứng dụng Blockchain trong nông nghiệp đã được đưa ra với mục tiêu giải quyết vấn đề minh bạch của sản phẩm.

Hiện nay, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL chỉ mới dừng lại sản xuất nông sản sạch, chưa có công nghệ chứng minh với người tiêu dùng đó là nông sản sạch. (Trong ảnh: Lãnh đạo Trung ương, địa phương tham quan mô hình trồng rau thủy canh tại TP Cần Thơ).

Cần giải pháp công nghệ

Hiện nay, các địa phương trong khu vực ĐBSCL quan tâm mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh để ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, việc đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ ở ĐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Song, vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội chưa được như mong muốn. Phát triển khoa học và công nghệ ở thời điểm hiện tại vẫn chưa thực sự được coi là động lực then chốt để tạo ra sự đột phá về mặt phát triển. Các công nghệ thông minh, tiên tiến góp phần làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng tính cạnh tranh hàng hóa… vẫn chưa được áp dụng rộng rãi, phương thức sản xuất từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại chậm chuyển đổi cũng được xem là rào cản.

Bà Trần Đặng Cẩm Vân, Tổng Thư ký Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang tại TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: Trước vấn nạn thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, khi chưa có cách để giải quyết sẽ vô hình trung đánh đồng người kinh doanh chân chính và những người kinh doanh không đàng hoàng. Blockchain có 2 tiêu chí là minh bạch và bất biến, đây sẽ là cơ hội sàng lọc, phân loại rõ ràng giữa người làm đúng và không đúng. Bởi với doanh nghiệp làm đúng, họ sẵn sàng đưa ra các thông tin trong quá trình sản xuất đến người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách Phòng Công nghiệp và Thương Mại Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ, ứng dụng khoa học công nghệ của vùng ĐBSCL chỉ mới dừng lại ở khâu cơ giới hóa, nhiều nhất là lĩnh vực trồng trọt như ngành lúa gạo với tỷ lệ từ 56-96% tùy công đoạn, các lĩnh vực khác còn thấp. Ngành nông nghiệp hiện chưa nhiều sản phẩm có chất lượng cao, phần lớn vẫn là sản xuất thô, cung ứng đại trà ở phân khúc trung bình. Một số doanh nghiệp đã tiếp cận ở phân khúc giá trị gia tăng cao, xây dựng thương hiệu riêng… nhưng vẫn là con số rất ít.

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng ngày một tăng cao, hội nhập kinh tế thế giới đang buộc các mặt hàng nông sản phải cạnh tranh cao hơn về chất lượng tại các thị trường lớn, khó tính đang đặt ra những yêu cầu mới trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp và quản lý đối với các cơ quan nhà nước. Ông Nguyễn Phương Lam cho rằng: Trước nhu cầu phát triển và ứng dụng công nghệ trong sản xuất, các doanh nghiệp đều phải quan tâm đầu tư và sử dụng công nghệ như là một lợi thế cạnh tranh nếu không muốn bị loại khỏi quá trình giao thương toàn cầu hay kể cả thị trường trong nước. Khi hội nhập sâu hơn, sự cạnh tranh giữa các quốc gia và rào cản kỹ thuật từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe hơn. Trong các hiệp định thương mại, các điều khoản bắt buộc về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm… bên cạnh các tiêu chuẩn vốn đã khắt khe khi vào các thị trường có quy mô và giá trị cao. Và xu hướng này ngày một gia tăng, đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải đồng bộ, tiêu chuẩn an toàn cao hơn. Người tiêu dùng đang đặt ra nhu cầu ngày một cao hơn và nhất là họ phải biết được sản phẩm tiêu dùng được các doanh nghiệp sản xuất như thế nào, quy trình ra sao và chất lượng có được đảm bảo? Và như thế công nghệ kỹ thuật sẽ có những giải pháp thích ứng để giúp doanh nghiệp chứng minh được sản phẩm của mình.

Hướng đi mới

Mới đây, tại TP Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ phối hợp Công ty cổ phần Lina Network tổ chức hội thảo giới thiệu đến các doanh nghiệp, nhà quản lý khu vực ĐBSCL công nghệ Blockchain trong sản xuất nông nghiệp. Bằng việc sử dụng Blockchain các công ty nông nghiệp có thể tạo ra một hệ thống ghi lại tất cả quá trình sản xuất của toàn bộ các sản phẩm nông nghiệp. Công nghệ Blockchain được biết đến là một sổ cái số chung, trong đó, dữ liệu sẽ được lưu vào một cách tuần tự trong các khối. Để được ghi dữ liệu vào Blockchain cần phải được sự đồng thuận của đa số các nút tham gia hệ thống. Sự đồng thuận đó được quy định một cách rất chặt chẽ bởi các logic được định sẵn, ví dụ như ai có quyền gì. Dữ liệu khi đã được đưa vào Blockchain sẽ không thể bị thay đổi sai lệch với chuẩn định trước.

Với việc truy xuất nguồn gốc thông tin sản phẩm, người tiêu dùng sẽ hoàn toàn an tâm khi sử dụng.

Ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Lina Network, cho biết: Công nghệ Blockchain trong nông nghiệp của Lina Network đã được ứng dụng tại các tập đoàn lớn ở Thái Lan như: Tập đoàn ChokChai chuyên về chăn nuôi bò sữa, Tập đoàn S.A.P Siam Food International Co. Ltd, Tập đoàn AIM THAI ứng dụng trong việc theo dõi sản phẩm chế biến từ trái cây… để giúp cho người dùng biết rõ được nguồn gốc các sản phẩm mà họ mua được. Nguồn gốc sản phẩm được hiển thị một cách minh bạch, công nghệ này còn tối ưu hóa quy trình sản xuất và truy xuất nguồn gốc gần như  tức thời. Bên cạnh đó, tổ chức trong chuỗi cung ứng có thể "dự đoán" được khi nào sản phẩm đến nơi, sẽ có trạng thái như thế nào... qua đó tối ưu hóa  được toàn bộ quy trình. Với việc dữ liệu trong Blockchain là hoàn toàn minh bạch với tất cả mọi người và được cập nhật gần như tức thời, nên khi cần có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm gần như mọi lúc ở mọi thời điểm và ở bất cứ đâu. Và việc ứng dụng công nghệ Blockchain này còn nâng cao chất lượng hàng hóa để cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.

Theo ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, trước vấn nạn thực phẩm bẩn cần phải thực hiện việc minh bạch hóa chuỗi cung ứng giải quyết bài toán nguồn gốc thực phẩm sạch đến với người dân, tạo sự an tâm cho cả thương hiệu, điều cốt lõi để tăng uy tín và doanh thu trên thị trường. Việc ứng dụng Blockchain vào nông nghiệp là điều cấp thiết. Cụ thể, đối với doanh nghiệp, Blockchain là cầu nối uy tín, hỗ trợ quản lý điều hành, tăng cường hiệu quả truyền thông và bán hàng, có cơ hội xuất khẩu hàng hóa tới thị trường khó tính. Đối với người tiêu dùng, Blockchain giúp tiếp cận thông tin minh bạch, tránh mua hàng gian, hàng nhái, bảo vệ lợi ích cộng đồng. Còn đối với nhà quản lý, sử dụng Blockchain giúp kiểm tra, giám sát và quản lý nguồn gốc sản phẩm, dễ dàng phát hiện xử lý hàng giả, hàng nhái, quản lý tốt thị trường…

Ông Vũ Trường Ca, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Lina Network, cho biết: Các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, sẽ không phải đầu tư tài chính cho ứng dụng công nghệ Blockchain, tức là đầu tư ứng dụng công nghệ với giá 0 đồng. Doanh nghiệp chỉ phải chia lại một phần nhỏ doanh thu vượt trội cho Lina Network sau khi bán được hàng hóa từ công nghệ này.

Bài, ảnh: T. Trinh

Chia sẻ bài viết