01/05/2013 - 21:25

Bình Thủy: Tìm hướng đột phá phát triển kinh tế

Theo định hướng quy hoạch chung của TP Cần Thơ, Bình Thủy được xác định là quận công nghiệp-thương mại dịch vụ, nông nghiệp đô thị, đồng thời có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Tại Hội nghị "Tìm giải pháp đột phá để phát triển KT-XH quận Bình Thủy đến năm 2015, định hướng đến năm 2020", các sở, ngành thành phố cùng các phòng ban trực thuộc quận Bình Thủy cho rằng, để chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, Bình Thủy cần xây dựng tầm nhìn dài hạn, khai thác hiệu quả những lợi thế hiện có và đầu tư thỏa đáng cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển.

Lợi thế, song cũng nhiều thách thức

Bình Thủy có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phục vụ cho khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của DNTN Cơ khí Thế Dân, quận Bình Thủy. 

Quận Bình Thủy gồm 8 đơn vị hành chính với diện tích tự nhiên 7068,25ha. Trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm gần 55% tổng diện tích và tập trung ở 3 phường: Long Tuyền, Long Hòa và Thới An Đông. Với vị trí cửa ngõ đi vào TP Cần Thơ và nằm dọc theo sông Hậu, trong những năm qua, cơ sở hạ tầng của Bình Thủy luôn được Trung ương và thành phố quan tâm đầu tư. Trên địa bàn quận có Cảng Hàng không Cần Thơ, Khu công nghiệp Trà Nóc 1, Nhà máy Nhiệt điện Trà Nóc,… Về hạ tầng giao thông có quốc lộ 91 (đường Cách Mạng Tháng Tám-Lê Hồng Phong), quốc lộ 91B, đường Võ Văn Kiệt, tỉnh lộ 917, tỉnh lộ 918… là các trục giao thông xương sống, huyết mạch phục vụ lưu thông và phát triển kinh tế. Ngoài ra, trên địa bàn quận Bình Thủy có 8 di tích lịch sử cấp quốc gia rất có tiềm năng để khai thác phát triển du lịch.

Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển song Bình Thủy vẫn đối mặt với nhiều thách thức như mức xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, định hướng phát triển và nguồn lực đầu tư cho 3 xã chuyển lên phường (Long Tuyền, Long Hòa và Thới An Đông) còn hạn chế. Đánh giá thực trạng kinh tế- xã hội của quận Bình Thủy, ông Lê Tâm Niệm, Chủ tịch UBND quận, cho biết: "Mặc dù diện tích nông nghiệp chiếm đến 55% diện tích tự nhiên song sản xuất nông nghiệp của quận còn nhỏ lẻ, chưa ứng dụng đồng bộ được cơ giới hóa, chưa tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị cao. Ở lĩnh vực công nghiệp-xây dựng, mặc dù có điều kiện để phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp phục vụ cho khu công nghiệp, khu chế xuất, song đến nay quận vẫn chưa mời gọi được nhà đầu tư cho cụm công nghiệp đã được quy hoạch với diện tích 61,29ha tại phường Thới An Đông. Hoạt động thương mại dịch vụ khá phát triển song chủ yếu là các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Hệ thống chợ dù đã được quy hoạch nhưng khó mời gọi đầu tư, mạng lưới chợ hiện hữu chưa đáp ứng yêu cầu trao đổi hàng hóa ngày càng cao của người dân".

Nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, quận Bình Thủy xác định sẽ khai thác hiệu quả những lợi thế hiện có và khắc phục những hạn chế, yếu kém. Theo định hướng phát triển kinh tế đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, quận Bình Thủy tập trung phát triển theo cơ cấu "Công nghiệp-thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đô thị". Trong đó, quận sẽ chú trọng đầu tư hợp lý đối với từng lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là chọn phát triển cây ăn trái, rau an toàn, hoa kiểng gắn với phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch làm khâu đột phá. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015 quận tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị theo quy hoạch. Xác định vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đến siêu thị. Đến năm 2020 diện tích sản xuất nông nghiệp chất lượng cao ổn định, phát triển hoàn chỉnh các tuyến tua du lịch theo hướng du lịch sinh thái và du lịch truyền thống. Tập trung kêu gọi đầu tư hai bên tuyến đường Võ Văn Kiệt, hình thành các khu cao cấp đa chức năng theo quy hoạch của thành phố.

Tầm nhìn dài hạn

Hội nghị "Tìm giải pháp đột phá để phát triển KT-XH quận Bình Thủy đến năm 2015, định hướng đến năm 2020" là dịp để quận Bình Thủy xác định những nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện để chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng và tìm giải pháp để triển khai theo từng giai đoạn. Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, định hướng đột phá phải gắn với mục tiêu tăng mức thu nhập bình quân đầu người, nâng cao mức sống người dân. Trong đó, quá trình phát triển kinh tế-xã hội của quận phải phù hợp với định hướng chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển của thành phố trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời phải chú trọng đầu tư cho các ngành trọng điểm, các sản phẩm mũi nhọn, gắn với xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị.

Bình Thủy được thành phố quy hoạch là "vành đai xanh" thực hiện vai trò cung cấp các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao cho thành phố. Vì thế Bình Thủy có thể kết hợp chức năng "vành đai xanh" với phát triển du lịch sinh thái. Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, quận Bình Thủy có làng nghề hoa kiểng Phó Thọ-Bà Bộ đã được thành phố công nhận vào năm 2011. Thời gian qua hoạt động của làng nghề mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao, chủng loại hoa kiểng phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, một phần diện tích làng nghề hiện nằm trong Khu đất cây xanh thuộc "Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu các Trường đại học và Giáo dục chuyên nghiệp TP Cần Thơ". Vì vậy, quận cần có kiến nghị về thành phố điều chỉnh quy hoạch phù hợp để làng nghề phát triển ổn định. Song song đó, muốn phát triển du lịch sinh thái phải gắn với đầu tư phát triển vườn cây ăn trái, rau màu, hoa kiểng và cung cấp các dịch vụ đi kèm phục vụ du lịch để nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị kết hợp du lịch sinh thái, Bình Thủy còn có điều kiện để phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp phục vụ cho khu công nghiệp Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2. Theo ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, thành phố đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành thành phố công nghiệp, vì vậy Bình Thủy đẩy mạnh phát triển công nghiệp là phù hợp với yêu cầu và mục tiêu chung. Vấn đề còn lại là quận phải duy trì và phát triển các ngành công nghiệp đảm bảo yêu cầu về môi trường, các ngành có nguy cơ ô nhiễm cao cần quy hoạch vào cụm công nghiệp để quản lý.

Ông Lê Tâm Niệm, Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, cho biết: "Định hướng phát triển kinh tế-xã hội của Bình Thủy đã được xác định với những giải pháp cụ thể trên từng lĩnh vực. Vấn đề còn lại là quận cần có nguồn vốn đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho các mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh tập trung đầu tư vào chiều sâu bằng nguồn vốn từ ngân sách, quận đang chủ động xây dựng các chương trình dự án phát triển kinh tế cụ thể và có tính khả thi cao nhằm thu hút hiệu quả các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội một cách toàn diện.

Bài, ảnh: HOÀNG ĐỊNH

Chia sẻ bài viết