03/12/2012 - 21:06

Bình Thủy tập trung phát triển mô hình nông nghiệp đô thị

Nhờ được quận đầu tư khép kín đê bao mà nông dân quận Bình Thủy yên tâm canh tác
rau màu. Ảnh: MINH HUYỀN

Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa, quận Bình Thủy xác định tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao nhằm giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và gia tăng thu nhập. Bình Thủy đã và đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân.

Diện tích canh tác nông nghiệp của Bình Thủy là 3.857 ha, tập trung chủ yếu tại 3 phường Long Hòa, Long Tuyền và Thới An Đông. Trong đó, đất trồng lúa 1.300ha, vườn cây ăn trái hơn 2.400 ha và đất canh tác rau màu gần 160ha. Hằng năm, quận Bình Thủy đều phân bổ vốn cho đầu tư hạ tầng nông nghiệp, hoàn thiện hệ thống đê bao khép kín cho vùng sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái để giúp nông dân yên tâm sản xuất. Năm 2012, quận Bình Thủy triển khai thi công 4 công trình thủy lợi; trong đó, Phòng Kinh tế quận làm chủ đầu tư 3 công trình nạo vét kênh mương thủy lợi, gia cố bờ bao cho các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, gồm: Công trình nạo vét rạch Khoán Châu – Ông Dựa phường Long Tuyền (đến nay đã thực hiện 37.297 m3/43.879 m3, đạt 85% khối lượng); Công trình nạo vét rạch Miễu Ông - Ba Cao – Đường Đào phường Long Tuyền đã thực hiện 18.701 m3/22.002 m3, đạt 85% khối lượng. Riêng công trình nạo vét Rạch Chổi phường Thới An Đông đã tổ chức nghiệm thu và bàn giao cho địa phương đưa vào sử dụng. Ngoài ra, Trạm Thủy lợi quận làm chủ đầu tư công trình củng cố đê bao khắc phục hậu quả lũ lụt đảm bảo sản xuất lúa tại khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền; công trình này đã thực hiện đạt 90% khối lượng thi công với chiều dài 1.472 m.

Theo Phòng Kinh tế quận Bình Thủy, các vùng sản xuất nông nghiệp được địa phương đầu tư hệ thống đê bao khép kín nên việc sản xuất lúa và rau màu của nông dân tương đối thuận lợi. Bà Trương Thị Muộn, ngụ khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, cho biết: "Gia đình tôi có 2 công đất trồng rau màu. Mùa mưa lũ năm 2011, mực nước lũ, triều cường dâng cao hơn mọi năm, hệ thống bờ vùng, bờ thửa xung quanh khu vực sản xuất không chắc chắn, nên gia đình tôi phải luôn túc trực để gia cố, bơm tát rất tốn kém. Năm nay, nhờ quận đầu tư gia cố hệ thống đê bao quanh vùng sản xuất nên tôi thấy an tâm vì phần đất trồng rau màu không lo ngập lũ". Mặt khác, để hỗ trợ nông dân sản xuất tốt vụ lúa đông xuân 2012-2013, trạm khuyến nông quận đã tổ chức 2 lớp tập huấn canh tác giống lúa chất lượng cao cho hơn 60 nông dân tại địa phương. Đến nay, bà con nông dân đã nhận 4.200kg lúa giống OM4218 do Trung tâm Khuyến nông TP Cần Thơ hỗ trợ để gieo sạ trong vụ đông xuân. Vụ đông xuân này, quận triển khai mô hình cánh đồng lúa chất lượng cao ở khu vực Thới Hưng (phường Thới An Đông), khu vực Bình Phó A (phường Long Tuyền) tổng diện tích trên 34,2ha với 78 hộ dân tham gia.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Phó Trưởng phòng Kinh tế kiêm Trưởng Trạm Khuyến nông quận Bình Thủy cho biết: "Sản xuất lúa không phải là thế mạnh của quận, song quận rất quan tâm đến vấn đề tăng thu nhập cho nông dân trên cùng một diện tích canh tác. Khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dần sang canh tác lúa chất lượng cao phù hợp yêu cầu thị trường. Ngoài ra, quận cũng khuyến khích phát triển các tổ hợp sản xuất lúa giống trên địa bàn để góp phần giúp nông dân tăng thêm thu nhập". Ngoài ra, trong những tháng cuối năm, ngành nông nghiệp quận cũng tăng cường khảo sát tình hình chuẩn bị sản xuất hoa kiểng Tết tại làng hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ. Quận đã hỗ trợ cho 29 hộ nông dân tại làng hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ 37.100 cây giống hoa cúc Đài Loan và 1.000 cây giống hoa đồng tiền để sản xuất hoa kiểng phục vụ Tết Nguyên đán năm nay.

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy cho biết: Định hướng lâu dài của quận Bình Thủy là phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, nông nghiệp đô thị. Vì vậy, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp quận còn tập trung chuyển giao khoa học cho nông dân, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác hoa kiểng, cây ăn trái, rau màu, lúa. Xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với yêu cầu thị trường. Trên cơ sở các mô hình nông nghiệp thí điểm, quận chỉ đạo Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông quận thường xuyên kiểm tra theo dõi để hỗ trợ trực tiếp và kịp thời về mặt kỹ thuật cho nông dân, từ đó hướng tới nhân rộng mô hình tại địa phương.

HOÀNG ĐỊNH

Chia sẻ bài viết