03/10/2017 - 22:12

Biến tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện than thành vật liệu xây dựng 

Cả nước hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm, thải ra hơn 15 triệu tấn tro xỉ, thạch cao/năm. ĐBSCL hiện có Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải I, III đang vận hành, tổng công suất lắp đặt 1.445 MW, hằng năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn tro xỉ. Việc xử lý tro xỉ của các nhà máy đang là vấn đề đau đầu của các nhà máy nhiệt điện, các nhà quản lý.

Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải I.

Lượng tro xỉ, thạch cao tồn dư lớn

Sáng 3-10, tại TP Cần Thơ, Bộ Xây dựng và Bộ Công thương tổ chức Hội thảo khoa học “Sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”. Các nhà quản lý, nhà khoa học đã đánh giá lại thực trạng lượng tồn dư tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than (NĐT). Đồng thời, đưa ra các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển các dự án NĐT…

Hiện nay, cả nước có 21 nhà máy NĐT đang hoạt động, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm, thải ra hơn 15 triệu tấn tro xỉ, thạch cao/năm và tổng diện tích các bãi thải xỉ hơn 700 ha. Dự kiến tới năm 2020, có thêm 12 dự án NĐT đi vào hoạt động, với tổng công suất lắp đặt 24.370 MW, mỗi năm tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn than. Như vậy, tổng lượng tro bay, xỉ đáy lò phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện đến năm 2020 ước khoảng 22,6 triệu tấn/năm.

“Tính đến cuối năm 2017, lượng tro xỉ, thạch cao tồn dư (tồn chứa) trên cả nước khoảng 40 triệu tấn và thải ra khoảng trên 15 triệu tấn/năm. Nếu các nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo quy hoạch và lượng tro xỉ thải ra không được xử lý thì đến năm 2018 là 61 triệu tấn, đến năm 2020 là 109 triệu tấn, đến năm 2025 là 248 triệu tấn và đến năm 2030 sẽ là 422 triệu tấn”- ông Phạm Văn Bắc nói.

 

Riêng tại khu vực ĐBSCL, các nhà máy đang vận hành (nhiệt điện Duyên Hải I, III) với tổng công suất lắp đặt là 1.445 MW, hằng năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn tro, xỉ... Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, dự kiến đến năm 2020 có thêm các nhà máy nhiệt điện Long Phú I; Sông Hậu; Duyên Hải III mở rộng hoạt động, nâng tổng công suất phát điện lên 5.505 MW, mỗi năm tiêu thụ khoảng 16,52 triệu tấn than và thải ra khoảng 4,13 triệu tấn tro xỉ, thạch cao. Từ sau năm 2020 đến năm 2030 sẽ có thêm 9 nhà máy hoạt động, nâng tổng công suất phát điện lên 18.225 MW, mỗi năm tiêu thụ khoảng 54,68 triệu tấn than và thải ra khoảng 13,67 triệu tấn tro xỉ, thạch cao.

Ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, cho rằng: Trong những năm qua, do nhu cầu phát triển kinh tế xây dựng đất nước, đáp ứng nguồn điện phục vụ các ngành công nghiệp, ở nước ta đã xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện. Mặt tích cực là đã đáp ứng được nguồn cung điện để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các nhà máy nhiệt điện đốt than trong quá trình vận hành đã tạo ra một lượng tro xỉ rất lớn. Lượng tro xỉ sẽ tạo ra những thách thức bởi phải sử dụng diện tích đất khổng lồ để làm bãi chứa và nhiều áp lực môi trường khác. Nếu không có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy xử lý thì tổng lượng tích lũy tro xỉ, thạch cao trên các bãi chứa của các nhà máy nhiệt điện sẽ phát sinh rất lớn…

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, vấn đề tro xỉ, thạch cao của các nhà máy NĐT thời gian qua đang là thách thức đối với việc phát triển bền vững NĐT do thiếu các cơ chế, chính sách, các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp. Cần có giải pháp căn cơ để xử lý vấn đề tro xỉ, thạch cao từ các nhà máy NĐT tại khu vực ĐBSCL. Xúc tiến và thúc đẩy việc sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy NĐT làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng tại ĐBSCL; tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong đầu tư phát triển các dự án NĐT...

Tìm giải pháp xử lý

Theo Bộ Công thương, năm 2016, tổng sản lượng điện sản xuất và mua là 176,99 tỉ kWh; với cơ cấu nguồn điện tính theo công suất đặt thì thủy điện chiếm 42,1%, NĐT 34,13%, nhiệt điện dầu 2,9%, tuabin khí 17,41%, nhập khẩu 3,13%, còn lại 0,32% là các nguồn khác. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhu cầu tiêu thụ điện tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2030 bình quân khoảng 9-10%/năm. Tỷ lệ NĐT trong cơ cấu nguồn điện giai đoạn 2016-2030 sẽ tăng ở mức 30% (năm 2015) lên 53% (năm 2030); tương ứng công suất từ 13,2 GW vào năm 2015 lên 55 GW vào năm 2030.

Tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng, đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu điện ổn định phục vụ sản xuất và tiêu dùng với chi phí hợp lý là cần thiết. Để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên của đất nước và ổn định hoạt động sản xuất, đời sống của công nhân ngành than, thì các dự án điện với công nghệ than sạch vẫn cần được quan tâm phát triển.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết, Chính phủ đã giao nhiệm cho Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn sử dụng tro xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện, luyện kim, phân bón hóa chất làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng vào các công trình xây dựng; sử dụng tro xỉ sản xuất vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung.

Theo ông Phạm Văn Bắc (Bộ Xây dựng) để giải quyết những bức xúc gây ô nhiễm môi trường của các nhà máy nhiệt điện và phân bón, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg về một số giải pháp thực hiện xử lý tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Sau hai năm thực hiện quyết định này đã đạt được một số kết quả nhất định.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng (tại Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12-4-2017).

Theo Đề án này, tro xỉ, thạch cao phải được xử lý, sử dụng hiệu quả; làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng nhằm mục đích bảo vệ môi trường, tiết kiệm diện tích đất làm bãi chứa, giảm sử dụng tài nguyên khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng, góp phần phát triển bền vững. Các chủ cơ sở phát thải phải chịu trách nhiệm tổ chức xử lý, tiêu thụ tro xỉ, thạch cao phát sinh trong quá trình sản xuất. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia xử lý, sử dụng tro xỉ, thạch cao.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hiện tro xỉ của các nhà máy NĐT đã sử dụng vào các lĩnh vực sản xuất bê tông, xi măng, gạch không nung… Việc tiêu thụ tro xỉ của các nhà máy NĐT khu vực phía Bắc tương đối tốt. Các nhà máy khu vực phía Nam, nhà máy Duyên Hải I và  Duyên Hải III, các đối tác đã ký hợp đồng tiêu thụ khoảng 2,9 triệu tấn tro xỉ... Tập đoàn cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị có giải pháp tái sử dụng tro xỉ để sản xuất các sản phẩm dễ dàng tiếp cận nguồn nguyên liệu tro xỉ tại các nhà máy NĐT của tập đoàn; ưu tiên hợp tác với các đối tác có mục tiêu đầu tư sử dụng tro xỉ dài hạn với khối lượng lớn…

Theo đại diện Công ty TNHH Hoàn Sơn Fly Ash and Cement, công ty đang tiêu thụ tro bay cho các nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, nhiệt điện Hải Phòng, Đạm Nam Định; khối lượng tiêu thụ hằng năm khoảng 100.000 tấn. Các khách hàng tiêu thụ tro bay của công ty là các nhà máy xi măng, bê tông. Công ty đang đầu tư dây chuyền tuyển tro bay công suất 900.000 tấn tại Long An để phục vụ tro tuyển chất lượng cao cho các nhà máy xi măng và trạm trộn bê tông tại các tỉnh phía Nam.

Công ty kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành các bộ tiêu chuẩn tro bay áp dụng cho nhiều lĩnh vực để kích cầu, vì nếu chưa đưa vào cho xi măng bê tông và gạch không nung thì không thể tiêu thụ hết lượng tro bay hiện có của các nhà máy tại Việt Nam. Ngoài ra, Bộ Tài chính ban hành các chính sách hỗ trợ cho các đơn vị đầu tư nhà máy, dây chuyền tuyển tro bay, giúp các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn.

“Theo quy hoạch phát triển, ĐBSCL sẽ có đến 9 nhà máy NĐT, đây là thông tin vừa vui mừng và cũng hết lo lắng đến vấn đề về môi trường, xử lý tro xỉ. Đến năm 2020-2030, 9 nhà máy đi vào hoạt động, khi đó câu chuyện đặt ra liên quan đến vấn đề môi trường rất là lớn, làm sao xử lý lượng chất thải này, để dòng sông Hậu hiền hòa, không có những quả đồi, quả núi tro xỉ bên cạnh đó”- Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam băn khoăn. 

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết