15/04/2018 - 07:06

Biến rác thành tiền 

Sau khi rác thải nhựa gây ra những cơn lũ lụt chết người ở thành phố cảng Recife (Brazil), người dân Coqueiral, một khu phố nghèo tại đây, đã nỗ lực dọn dẹp rác. Đến nay, mọi người ở khu phố này, trong đó có Maria das Gracas, có thể kiếm sống bằng cách làm sạch dòng sông Tejipió.

Maria bắt đầu thu gom chai nhựa sau khi cô nhìn thấy thi thể người hàng xóm trôi qua nhà cô. “Lúc đấy, tôi và con trai bị kẹt trong nhà. Chúng tôi không thể làm được gì, nước dâng lên và chúng tôi không thể ra ngoài. Tôi nhìn ra ngoài và thấy một thi thể trôi qua. Đêm đó, chúng tôi suýt chết vì lũ. Kể từ đó, tôi bắt đầu thu gom chai nhựa, tôi muốn thử làm một cái gì đó để giảm rác thải trên sông” - Maria bộc bạch.

Một khúc sông Tejipió phủ đầy rác thải nhựa. Ảnh: Guardian
Một khúc sông Tejipió phủ đầy rác thải nhựa. Ảnh: Guardian

 

Maria lưu giữ số chai nhựa nhặt được trước cửa nhà. Đến khi gom được nhiều, cô mang chúng đến bán cho một vựa ve chai tại địa phương với giá 2 real (khoảng 13.400 đồng)/50 chai nhựa. Maria cho biết cô không nhặt chai nhựa để kiếm tiền mà là nhằm ngăn chặn tình trạng rác thải tràn ngập khu phố cô ở.

Mỗi ngày, Maria và những cư dân khác ở Coqueiral phải chứng kiến cảnh rác thải hòa vào dòng nước sông Tejipió chảy ra khu vực này một cách tự do. Cách đây 20 năm, người ta có thể bơi lội, đánh bắt cá trên dòng sông này nhưng ngày nay nó bị ứ đọng, tắc nghẽn do sự hiện diện dày đặc của rác thải nhựa, trong đó gồm chai Coca-Cola và Fanta, chai nước, các loại bao bì. Rác thải nhựa đang khiến cho tình trạng lũ lụt ở Recife ngày càng trầm trọng. Và những người sống quanh dòng sông Tejipió đã quá mệt mỏi vì chờ đợi hành động của chính phủ. Trước tình hình này, một dự án gọi là Instituto Solidare được triển khai, với sự hỗ trợ của tổ chức phi chính phủ Tearfund (Anh), nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng cũng như xây dựng một mạng lưới những người có thể kiếm sống bằng cách thu gom rác thải và biến nó thành các sản phẩm có thể bán được. Evandro Alves, trưởng dự án Instituto Solidare, nói rằng các cộng đồng nghèo nhất thế giới đang phải hứng chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng rác thải nhựa nhiều nhất. “Tình hình tại Recife ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Chúng tôi đang chứng kiến cảnh ngày càng nhiều đồ nhựa được sử dụng rồi bị vứt đi và chúng đã tập trung tại cộng đồng này. Do đó, chúng tôi đã đưa ra dự án Instituto Solidare” - ông Alves nói. Ông này tin rằng Instituto Solidare có thể được nhân rộng ra khắp thế giới.

Theo Guardian, tham gia dự án Instituto Solidare chủ yếu là những người trẻ tuổi tại Recife. Học sinh tại các trường nằm trên bờ sông Tejipió đã chung tay nhặt rác thải, một số trẻ nhỏ thậm chí tổ chức trình diễn thời trang từ quần áo được tạo ra từ túi và ly nhựa. Để tận dụng nguồn rác thải nhựa, một doanh nghiệp làm túi xách, đồ trang sức và đồ chơi từ rác thải được thành lập, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều người, chủ yếu là phụ nữ.

Hiện Instituto Solidare đang được một số cộng đồng nghèo trên khắp thế giới làm theo. Tại thành phố Jos (Nigeria) và Thủ đô Maputo (Mozambique), các dự án tương tự đã được triển khai, với sự tham gia chủ yếu của những người trẻ, có khả năng sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số để truyền bá cuộc chiến chống lãng phí trên toàn cầu.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết