06/08/2018 - 21:25

Biến giấy vụn thành quà tặng, đồ dùng trang trí 

Từ giấy đã bị bỏ đi, 4 “nhà khoa học nhí” Nguyễn Ngọc Gia Bảo, Trần Thị Kim Nghi, Mai Ngọc Bảo Trân và Nguyễn Ngọc Thi (Trường THCS Lê Bình, quận Cái Răng) đã làm nên những vật dụng hữu ích trong sinh hoạt, học tập, làm quà lưu niệm… Sáng tạo của các em xuất phát từ mong muốn góp phần bảo vệ môi trường.

Người khởi xướng đề tài “Bộ sản phẩm quà tặng - trang trí - tiêu dùng từ giấy” là em Nguyễn Ngọc Gia Bảo. Em quan sát và thấy băn khoăn khi lượng giấy vụn từ sinh hoạt hằng ngày, trong học tập rất nhiều. Một lần đi tham quan làng nghề, Gia Bảo thấy những giỏ, túi xách được đan bằng mây, nhựa và nảy ra ý tưởng dùng giấy làm những sản phẩm này. Tháng 3-2017, Gia Bảo cùng Kim Nghi, Bảo Trân và Ngọc Thi thành lập một nhóm cùng hiện thực hóa ý tưởng đó. 

Gia Bảo (bên trái) và Ngọc Thi tạo phần đế của sản phẩm bằng bìa carton và que giấy.

Sản phẩm của nhóm chủ yếu sử dụng nguyên liệu là các loại giấy phế liệu như giấy A4, các trang quảng cáo, tờ rơi siêu thị, thùng carton, lõi các cuộn giấy… Nhóm thu gom, phân loại giấy, rồi họp lại với nhau định hình sản phẩm và bắt đầu công đoạn tái sử dụng. Các em cắt tờ giấy thành nhiều phần theo chiều dài, được các mảnh giấy dạng hình thanh; rồi dùng que, kim đan hoặc đũa đường kính dưới 0,5cm cuộn các mảnh giấy thành que nhỏ dạng ống hoặc  thanh dẹp. Lấy carton để làm phần đáy sản phẩm, sau đó dùng que giấy đã làm trước đó đan phần thân… Gia Bảo cho biết: “Có ba công đoạn chính: tạo que giấy, dán đế sản phẩm và đan. Trong đó, đan phần thân khó nhất, nếu không tỉ mỉ và khéo tay thì sản phẩm sẽ bị thu hẹp hoặc giãn rộng. Nên khi đan được 2 hàng là em điều chỉnh hình dạng sản phẩm sao cho cân đối”. Sau 2 tháng miệt mài, nhóm đã hoàn thành bộ sản phẩm dụng cụ phục vụ học tập, quà tặng, trang trí: hộp bút, lọ hoa, ví, giỏ… từ giấy đã qua sử dụng.

Các em tìm hiểu thông tin rằng mỗi năm trung bình một người sử dụng và bỏ đi một lượng giấy tương đương 7 cây gỗ. Theo số liệu thống kê, giấy tái chế sẽ tiết kiệm được 64% năng lượng và 58% nước so với việc đốn cây để sản xuất ra giấy mới. Song, Gia Bảo phân tích: Quá trình tái chế giấy thải ra môi trường nhiều chất độc hại, nên nếu giấy được tái sử dụng nhiều lần, sẽ giảm thiểu tác động đến môi trường.

Đề tài của nhóm Gia Bảo được đánh giá tạo ra sản phẩm tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường và chỉ cần không đến một ngàn đồng (phí keo dán) cộng với sự kiên nhẫn, sáng tạo sẽ có một sản phẩm đẹp, dùng trong sinh hoạt, quà tặng hoặc trang trí; được Ban Giám khảo cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng thành phố Cần Thơ năm học 2017-2018, trao giải Nhất và được chọn dự thi vòng quốc gia.

Từ đề tài của nhóm, Liên Đội Trường THCS Lê Bình đã phát động trong toàn thể học sinh của trường sử dụng giấy tiết kiệm và tham gia làm các sản phẩm từ giấy vụn. Gia Bảo và các bạn có kế hoạch trao đổi sản phẩm làm được với phế phẩm giấy để tiếp tục tạo ra nhiều sản phẩm khác, hướng dẫn để các bạn cùng tham gia.

Thầy Đặng Tiểu Bình, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Lê Bình, giáo viên hướng dẫn làm đề tài, nhận xét: Gia Bảo, Kim Nghi, Ngọc Thi và Bảo Trân không những học giỏi mà còn là những đội viên năng nổ, gương mẫu trong các hoạt động phong trào. Những sản phẩm sáng tạo của các em rất hữu ích, qua đó, góp phần giúp học sinh nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. 

Bài, ảnh: MINH HOÀNG

Chia sẻ bài viết