08/12/2007 - 22:15

Tài chính giáo dục:

"Bí hiểm nhất của các bí hiểm?"

Nguyên Bộ trưởng Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Minh Hạc, khi trả lời phỏng vấn báo chí, đã thốt lên: “Tôi ở Quốc hội 2 khóa, Trung ương 3 khóa, ở cấp thứ trưởng rồi bộ trưởng, tổng cộng 21 năm cho đến lúc về hưu đã rút ra một điều là tài chính là một trong những bí hiểm nhất của các bí hiểm. Tiền Nhà nước cho bao nhiêu, ghi thế thôi chưa chắc chi đã đúng. Về đến địa phương thì bao nhiêu số đó thực chi cho giáo dục? Không ai biết”. Nhiều nguồn thu chưa được tính.

Theo số liệu trong báo cáo “Giáo dục Việt Nam - Đầu tư và Cơ cấu Tài chính” của Bộ GD-ĐT, chi từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đã tăng nhanh trong những năm qua, tăng đến trên 2,7 lần trong vòng 6 năm. Nếu như ngân sách nhà nước dành cho ngành giáo dục là 19.747 tỉ đồng năm 2001 thì con số này đến năm 2006 đã đạt mức 54.798 tỉ đồng. Trong chi ngân sách, có hai khoản gồm chi thường xuyên (trên dưới 82%) và chi đầu tư (trên dưới 18%). Cả hai khoản này đều tăng nhanh và tỷ trọng hầu như không thay đổi trong những năm qua. Ngược lại, số học sinh phổ thông cùng trong thời gian này đã giảm 1,5 triệu em, từ 17,8 triệu năm 2000 còn 16,3 triệu năm 2006. Còn tính hết tổng số từ mầm non cho đến nghiên cứu sinh, mức tăng không đáng kể, từ 22,3 triệu người năm 2000 lên 22,9 triệu người năm 2006. Điều đáng chú ý là trong khi tiền chi ra tăng trên 270% mà đối tượng nhận lợi ích từ ngân sách này không tăng bao nhiêu thì thật khó giải thích các khoản tiền tăng này đi về đâu. Chắc chắn mức thụ hưởng của học sinh ở góc cạnh tài chính ngân sách không thể tăng 270% .

Điểm cần bàn trong ngân sách giáo dục, theo báo cáo, là đến 95% được chi trực tiếp cho các địa phương hay bộ ngành khác; Bộ GD-ĐT chỉ nắm trong tay 5%. Đây chính vấn đề cần làm rõ để biết ngân sách được chi là dành cho ngành giáo dục được sử dụng như thế nào. Thường xuyên có chuyện tỉnh hay huyện cứ tạm sử dụng phần ngân sách giáo dục vào việc khác rồi trả lại sau - từ đó mới có chuyện nợ lương giáo viên, nợ tiền đầu tư xây dựng cơ bản cho trường lớp. Và mặc dù liên quan đến chi tiêu cho giáo dục, mỗi nơi báo cáo một kiểu.

Theo điều tra của Tổng cục Thống kê về chi tiêu thêm của người dân cho giáo dục, cho thấy chi tiêu cho giáo dục năm 2006 lên tới 90.000 tỉ, bằng 9,2% GDP. Còn nếu theo cách tính của Bộ GD-ĐT, chi tiêu cho giáo dục năm 2006 là 82.000 tỉ, bằng 8,4% GDP (cả tiền đóng góp của dân...) Còn theo các chuyên gia kinh tế, con số 9,2% GDP chi tiêu cho giáo dục dựa vào điều tra thống kê đáng tin cậy hơn. Nhưng dù 90.000 tỉ hay 82.000 tỉ, con số nào đi chăng nữa thì chi tiêu cho giáo dục ở Việt Nam xếp vào loại cao của thế giới. Chi tiêu trong giáo dục lớn như vậy, nhưng điều kỳ lạ là chất lượng giáo dục không được nâng lên ngang tầm; thậm chí có vấn đề. Và để nâng cao chất lượng GD- ĐT, một trong những biện pháp mà Bộ GD-ĐT đưa ra là tăng học phí. Phương pháp này khiến các nhà sư phạm, các chuyên gia kinh tế phản đối và có phần nghi ngờ. Và lòng dân rất không yên!

HỒ GƯƠM

Chia sẻ bài viết