11/10/2017 - 13:53

Béo phì sẽ “ngốn” hàng nghìn tỉ USD mỗi năm 

Ước tính của Liên đoàn Béo phì Thế giới (WOF) cho thấy, chi phí điều trị các bệnh liên quan đến béo phì toàn cầu có thể lên tới 1,2 nghìn tỉ USD/năm từ năm 2025 trừ phi các phương pháp hữu hiệu được đưa ra để kiểm soát căn bệnh này.

Theo WOF, Mỹ là quốc gia phải chi nhiều nhất với mức tăng từ  325 tỉ USD  năm 2014 lên 555 tỉ USD năm 2025. WOF cho biết, Mỹ trong 8 năm tới sẽ chi 4,2 nghìn tỉ USD để điều trị các bệnh liên quan đến béo phì, trong khi Đức chi 390 tỉ USD, Brazil  251 tỉ USD và Anh 237 tỉ USD.

“Chi phí y tế hàng năm để điều trị hậu quả của chứng béo phì như bệnh tiểu đường và bệnh tim thực sự đáng báo động. Chương trình giám sát liên tục của WOF cho thấy tỷ lệ béo phì tăng lên đáng kể trong 10 năm qua, với khoảng 177 triệu người trưởng thành bị béo phì nặng vào năm 2025. Do đó, chính phủ các nước cần hành động ngay từ bây giờ để giảm bớt gánh nặng cho nền kinh tế quốc gia của họ” - Giáo sư Ian Caterson, chủ tịch WOF, nhấn mạnh.

Theo thống kê mới nhất của WOF, đến năm 2025 thế giới sẽ có 2,7 tỉ người trưởng thành (1/3 dân số toàn cầu) thừa cân và béo phì. Ước tính của WOF cho thấy chứng béo phì ở người lớn tiếp tục gia tăng một cách đáng lo ngại. Hồi năm 2014, 34% nam giới và phụ nữ Mỹ bị béo phì nhưng con số này ước tính sẽ lên tới 41% vào năm 2025. Còn tại Anh, tỷ lệ này trong giai đoạn đó sẽ tăng từ 27% lên 34%, Ai Cập từ 31% lên 37%, Úc và Mexico từ 28% lên 34%.

Béo phì và hút thuốc lá được xem là hai nguyên nhân chính không chỉ gây ra các ca ung thư, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tiểu đường ngày càng gia tăng trên thế giới mà còn tạo ra nhiều tổn hại khác, như tổn thương khớp vốn có thể dẫn đến thay khớp gối cũng như đau lưng.

“Đó là lý do vì sao số tiền chữa trị các bệnh liên quan đến béo phì tăng cao một cách đáng kinh ngạc. Một số nước nghèo đang phải gồng mình chi trả” - Tim Lobstein, Giám đốc chính sách của WOF, lo ngại.

Theo ông Lobstein, béo phì sẽ tạo ra tác động rất lớn đối với các quốc gia có thu nhập trung bình ở Trung Đông và Mỹ Latinh, nơi dịch vụ y tế kém phát triển trong khi béo phì ở trẻ em và người lớn tăng mạnh trong những năm gần đây.

TRÍ VĂN (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết