24/02/2011 - 21:42

Phó Giáo sư, tiến sĩ Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Cần Thơ:

Bệnh viện Trường Đại học Cần Thơ sẽ góp phần phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn

Bộ Y tế vừa có Quyết định số 270/QĐ-BYT về việc thành lập Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Sự ra đời của bệnh viện có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, có thêm một nơi khám, điều trị bệnh cho người dân ở ĐBSCL. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ về công tác chuẩn bị, triển khai thực hiện Quyết định này, Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, cho biết:

Hiện nay, hoạt động giảng dạy, thực hành và nghiên cứu khoa học của cán bộ, sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ vẫn duy trì tại các cơ sở y tế TP Cần Thơ. Song, nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy lâm sàng, nghiên cứu khoa học và thực hành của cán bộ, sinh viên tốt hơn, lãnh đạo trường đã có tờ trình Bộ Y tế về việc thành lập bệnh viện trực thuộc trường. Cuối tháng 1-2011, Bộ Y tế đã có quyết định thành lập bệnh viện. Sự ra đời của bệnh viện nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về khám, chữa bệnh của nhân dân vùng ĐBSCL, góp phần giải quyết tình trạng quá tải của các bệnh viện ở TP Cần Thơ. Mặc dù là trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội và thương mại lớn nhất vùng ĐBSCL nhưng hiện nay trên địa bàn TP Cần Thơ chỉ mới có 2 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng; 17 bệnh viện tuyến thành phố, quận, huyện do Sở Y tế TP Cần Thơ quản lý. Công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện trong thành phố đang ở mức độ cao từ 113%-120% nên đều quá tải... Theo Quyết định 153 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2011-2020 sẽ xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ, một số bệnh viện tại TP Cần Thơ sẽ tiếp nhận các bệnh trong vùng đến khám chữa bệnh với kỹ thuật cao. Như vậy, việc đầu tư xây dựng Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ là cần thiết.

Hiện nay, chúng tôi đang xúc tiến nhanh các thủ tục còn lại để bệnh viện sớm đi vào hoạt động trong quí I-2011. Bệnh viện sẽ nằm trong khuôn viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ (phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ).

* Việc chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ y, bác sĩ cho bệnh viện được tiến hành đến đâu, thưa phó giáo sư?

Bác sĩ phòng Khám Răng hàm mặt, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ khám, điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: B.NG 

- Theo đề án trình Bộ Y tế, bệnh viện sẽ có quy mô 250 giường, tổng diện tích sử dụng khoảng 20.000m2. Tổng mức đầu tư khoảng 200 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước. Việc xây dựng bệnh viện chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ năm 2011 đến 2013), bệnh viện có qui mô 30 giường bệnh, với 160 cán bộ phục vụ cho khám đa khoa, chuyên khoa, điều trị nội, ngoại trú, kỹ thuật ngoại khoa, sản phụ khoa... Giai đoạn 2 (từ năm 2014), qui mô bệnh viện lớn hơn (250 giường), với 400 cán bộ. Ngoài việc duy trì, phát triển chuyên môn ở giai đoạn 1, bệnh viện sẽ điều trị nội trú. Hiện nay, bệnh viện sử dụng các phòng, khoa của trường, như: Răng-Hàm - mặt, khám, chẩn đoán hình ảnh, điện tim, phòng xét nghiệm sinh hóa... Bên cạnh những trang thiết bị khám, chữa bệnh của phòng khám đa khoa sẵn có, từ nguồn ngân sách nhà nước, trường đã đầu tư mua sắm thêm các trang thiết bị, máy móc hiện đại như: máy đo loãng xương, X-quang, xét nghiệm sinh hóa,...

Trường Đại học Y Dược Cần Thơ hiện có 407 cán bộ, trong đó có 4 phó giáo sư, 16 tiến sĩ, 38 chuyên khoa cấp II, 96 thạc sĩ. Bác sĩ phục vụ cho bệnh viện sẽ huy động toàn lực cán bộ của trường; điều dưỡng, hộ lý thì trường sẽ tuyển thêm... Với đội ngũ nhân sự hiện có đủ đáp ứng yêu cầu phục vụ cho hoạt động của bệnh viện trong giai đoạn đầu.

* Trước mắt, bệnh viện sẽ mở những khoa điều trị nào? Đối tượng phục vụ ra sao?

- Như trên đã nói, giai đoạn 1, do qui mô hoạt động nhỏ nên bệnh viện chỉ điều trị cho bệnh nhân trong ngày. Bệnh viện sẽ thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như: xét nghiệm (huyết học, sinh hóa, vi sinh, miễn dịch giải phẫu bệnh); chẩn đoán hình ảnh (X-quang thường quy và chuyên sâu, siêu âm màu, nội soi...), điều trị sỏi thận bằng kỹ thuật tán sỏi ngoài cơ thể. Các bác sĩ sẽ khám, điều trị các bệnh hệ nội: thần kinh, tim mạch, thận, hô hấp, tiêu hóa, nhi,...; khám, điều trị các bệnh hệ ngoại: tổng quát, thần kinh, lồng ngực- mạch máu, tiết niệu; sản phụ khoa, chấn thương chỉnh hình, tai-mũi-họng, mắt-răng-hàm mặt, sản phụ khoa. Đặc biệt, bệnh viện sẽ tập trung vào giải phẫu bệnh, vì việc phát hiện những khối u lành tính hay ác tính là vấn đề rất quan trọng để điều trị đạt hiệu quả. Kế đến là tập trung điều trị nhi, vì ở TP Cần Thơ có duy nhất Bệnh viện Nhi đồng tiếp nhận điều trị bệnh nhi cho cả vùng ĐBSCL nên thường bị quá tải...

Khi bệnh viện đi vào hoạt động sẽ phục vụ cho tất cả mọi đối tượng; tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân tự vào viện hoặc các nơi khác chuyển đến để cấp cứu; tổ chức khám sức khỏe và chứng nhận sức khỏe theo qui định.

* Bệnh viện hoạt động theo cơ chế tự thu- tự chi, trong khi có khá nhiều bệnh viện đa khoa, chuyên khoa lân cận. Bệnh viện chuẩn bị gì để thích ứng với xu thế cạnh tranh đó, thưa phó giáo sư?

- Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ là đơn vị công lập nhưng hoạt động theo cơ chế tự thu, tự chi và Nhà nước hỗ trợ một phần. Chúng tôi phải có kế hoạch hoạt động cụ thể, chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả. Vị trí bệnh viện khá gần với một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố nhưng không vì thế mà chúng tôi băn khoăn, lo lắng. Bởi lẽ, cũng giống như trường đại học, nếu có nhiều trường thì người học có quyền lựa chọn nơi học có chất lượng cao. Bệnh viện cũng thế, người bệnh luôn cân nhắc, chọn lựa nơi điều trị, chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Như vậy, trong cơ chế thị trường hiện nay, việc có thêm bệnh viện sẽ tạo sự cạnh tranh công bằng về mặt chất lượng, giá thành. Song song đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ sẽ tiếp tục hợp tác với các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa ở TP Cần Thơ trong khám, điều trị bệnh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đồng thời, bệnh viện còn xúc tiến hợp tác với các bệnh viện, chuyên gia nước ngoài để nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh cho người dân.

* Xin cảm ơn phó giáo sư!

B.NGỌC (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết