06/11/2017 - 14:42

Bệnh viện quận chọn hướng đi riêng 

Thời gian qua, Bệnh viện (BV) Đa khoa quận Thốt Nốt đã chủ động tìm hướng đi riêng trong việc triển khai nhiều kỹ thuật mới, đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh địa phương, với chi phí hợp lý. Đồng thời, giảm tải cho BV tuyến trên.

Xuất phát từ thực tiễn

Sau chuyến du lịch biển, ông Ng. V. S. (60 tuổi, ở phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt), bị dị ứng do ăn nhiều hải sản. Vùng da mặt trong của cổ chân phải bị viêm, xuất hiện các mảng bỏng, ngứa, ông gãi, dẫn đến nhiễm trùng. Ông S. không đến BV điều trị, mà tự đắp thuốc tại nhà, tình trạng viêm thêm trầm trọng. Hơn 1 tháng sau, khi vùng da dị ứng bị hoại tử, ông S. mới nhập viện BV Đa khoa quận Thốt Nốt. Các bác sĩ chăm sóc vết thương, cắt lọc mô hoại tử vùng loét, khi các mô hạt đã mọc tốt, mới lấy mảnh da mỏng vùng đùi ghép lên vết thương. Sau 10 ngày điều trị, mảnh da ghép liền với mô xung quanh của vết thương, bệnh nhân xuất viện.

Bác sĩ thăm hỏi người bệnh sau điều trị tại Tổ chấn thương, BV Đa khoa quận Thốt Nốt. Ảnh: THU SƯƠNG

Một trường hợp khác, chú Lê Hoàng Việt (55 tuổi, phường Thuận An) bị ngã xe, chân vướng vào hàng rào kẽm gai, làm rách da. Bệnh nhân tự chăm sóc vết thương tại nhà không đúng cách, nên biến chứng vết thương bị viêm nhiễm ngày càng nặng, hai tuần sau chú phải nhập viện điều trị. Chú Việt chia sẻ: “Lúc đó, chân tôi sưng nề, chảy mủ, đau nhức. Vô viện, được bác sĩ chăm sóc tận tình, vết thương khô mặt, chân bớt sưng, tôi thấy khỏe hơn nhiều. BV lại gần nhà nên thuận tiện cho người thân chăm sóc tôi”.

Bác sĩ CKII Trần Phước Sang, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Đa khoa quận Thốt Nốt, khuyến cáo, khi người bệnh có các chấn thương về cơ xương khớp, nên đến cơ sở y tế để được chăm sóc vết thương đúng cách. Thực tế khám chữa bệnh, các bác sĩ nhận thấy, nhiều người bệnh bị viêm loét da, nếu tự ý chăm sóc, thay băng tại nhà không đúng cách, không đảm bảo nguyên tắc vô trùng, hoặc sử dụng dung dịch rửa vết thương không phù hợp, khiến tình trạng loét nhiễm trùng sâu hơn, rộng hơn. Đặc biệt, việc điều trị loét da ở bệnh nhân tiểu đường khó khăn hơn rất nhiều, đòi hỏi có sự phối hợp điều trị hỗ trợ của cả bác sĩ nội khoa và ngoại khoa.

Theo bác sĩ CKI Hà Trường Dũng, phụ trách Tổ ngoại chấn thương - trực thuộc Khoa Ngoại tổng hợp của BV Đa khoa quận Thốt Nốt, xuất phát từ nhu cầu lượng bệnh nhân bị chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt nhập viện ngày càng nhiều nên Tổ ngoại chấn thương được thành lập. Đây là cơ sở để xây dựng Khoa Chấn thương - Tạo hình theo định hướng phát triển BV, nhằm từng bước nâng cao chất lượng điều trị của đơn vị. Tổ thành lập vào đầu tháng 8-2017 với 16 giường, thực hiện các phẫu thuật kết hợp xương (xương bánh chè, xương đòn, cẳng tay, cẳng chân), phục hồi chức năng sau chấn thương, điều trị, chăm sóc bệnh lý loét da mãn tính, kết hợp ghép da.

Thời gian qua, BV nhận được sự hỗ trợ tích cực của BV Đa khoa TP Cần Thơ, cả về chuyên môn lẫn trang thiết bị theo đề án 1816. Theo đó, BV Đa khoa quận Thốt Nốt tiếp nhận các trường hợp chấn thương, với những bệnh khó, sẽ nhờ các bác sĩ tuyến trên hỗ trợ phẫu thuật. Nhờ đó, BV dần tạo được sự tin cậy cho người bệnh địa phương, vừa góp phần hạn chế tình trạng vượt quỹ bảo hiểm y tế (BHYT).

Nhiều rào cản

Bác sĩ Nguyễn Thành Lập, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, so với các BV quận, huyện của thành phố, BV Đa khoa quận Thốt Nốt là điển hình nổi bật với thành công trong các lĩnh vực ngoại khoa, phẫu thuật nội soi, sản khoa,... đem lại lợi ích to lớn cho người bệnh, nhất là người bệnh BHYT, góp phần đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân.

Trung bình hiện nay, BV Đa khoa quận Thốt Nốt tiếp nhận khoảng 1.500 lượt bệnh/ngày. Với những kỹ thuật cao, kỹ thuật mới được chuyển giao từ tuyến trên, BV đẩy mạnh áp dụng, giúp người bệnh địa phương được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao. Đây cũng là BV đa khoa quận đầu tiên của thành phố triển khai lọc thận nhiều năm nay. Bác sĩ Mai Trần Đông, Phó Giám đốc BV Đa khoa quận Thốt Nốt chia sẻ, BV định hướng phát triển từng khoa theo các lĩnh vực chuyên sâu. Từng bước đào tạo nhân lực, mua sắm trang thiết bị cũng như tranh thủ sự hỗ trợ của các đơn vị tuyến trên. Khó khăn hiện nay là nguồn nhân lực. Thời gian qua, BV luôn quá tải, lại có biến động nhân sự, trong khi lượng bệnh ngày càng tăng từ khi thông tuyến BHYT. Cán bộ y tế của BV phải choàng gánh công việc cho nhau, để luân phiên cử người lên tuyến trên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nhằm đảm bảo đủ điều kiện được cấp trên phê duyệt danh mục kỹ thuật để được BHYT thanh toán, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh BHYT.

BV Đa khoa quận Thốt Nốt luôn mong muốn triển khai nhiều kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng điều trị, phục vụ người bệnh địa phương. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp nhiều vướng mắc. Bác sĩ CKII Trần Phước Sang nêu ví dụ: BV triển khai kỹ thuật ghép da điều trị các vết loét do chấn thương hay do tì đè (ở bệnh nhân bị tai biến), hay vết loét do bỏng, vết loét do tiểu đường gặp rất nhiều khó khăn. Kỹ thuật này có trong danh mục được phê duyệt của BV nhưng chưa được đầu tư trang thiết bị. Các bác sĩ muốn điều trị bằng kỹ thuật này cho bệnh nhân, phải tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo BV về đầu tư thiết bị, tạo điều kiện cho các bác sĩ tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn về chuyên khoa Bỏng - Tạo hình ở BV tuyến trên để cập nhật kiến thức mới.

Còn theo các bác sĩ ngoại khoa khác của BV, việc triển khai phẫu thuật kết hợp xương chỉ mới giải quyết được “phần ngọn” của chấn thương, bởi sau phẫu thuật, di chứng của chấn thương còn kéo dài, buộc bệnh nhân phải tiếp tục được hỗ trợ luyện tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Hiện nay, sau khi bệnh nhân điều trị phẫu thuật sau chấn thương tại BV Đa khoa quận Thốt Nốt, muốn tiếp tục điều trị phục hồi chức năng, phải đến các BV khác ở trung tâm TP Cần Thơ hoặc sang các đơn vị lân cận như: thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang; huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Do vậy, BV cần sự hỗ trợ để gỡ vướng, giúp BV phát triển.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết