16/07/2010 - 21:19

BÁC SĨ LẠI KIM ANH, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS TP CẦN THƠ:

Bệnh nhân nghiện ma túy cần có sự hợp tác và hiểu đúng về qui trình uống Methadone

Đề án “Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone (gọi tắt là Chương trình Methadone) bắt đầu điều trị cho bệnh nhân ở TP Cần Thơ gần 1 tháng nay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người chưa hiểu về chương trình này. Phóng viên báo Cần Thơ đã phỏng vấn bác sĩ Lại Kim Anh, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, về vấn đề này.

* Thưa bác sĩ! Bác sĩ có thể cho biết một số nét về chương trình Methadone?

-Trước hết, chúng tôi xin khẳng định Methadone là một chất dạng thuốc phiện. Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone là điều trị thay thế, tức là thay vì sử dụng ma túy, người nghiện dùng Methadone. Đây là chương trình điều trị thay thế chứ không phải cai nghiện như nhiều người nhầm tưởng. Tại sao lại chọn Methadone, bởi Methadone có nhiều ưu điểm như thời gian tác dụng kéo dài, nên mỗi ngày người nghiện chỉ uống 1 liều duy nhất. Không như những loại ma túy khác, khi sử dụng Methadone đến liều duy trì, ổn định thì liều sử dụng hàng ngày sẽ ổn định, không tăng liều. Sử dụng Methadone không gây kích động nên không gia tăng tình trạng vi phạm pháp luật do ma túy gây ra.

* Người nghiện ma túy muốn tham gia chương trình thì đăng ký như thế nào? Những bệnh nhân vừa nghiện ma túy vừa nhiễm HIV, viêm gan siêu vi, đang mang thai có được tham gia chương trình?

- Ở TP Cần Thơ, chương trình điều trị thí điểm Methadone mới triển khai ở hai quận Ninh Kiều và Cái Răng. Người nghiện đang cư trú trên địa bàn hai quận này muốn tham gia chương trình thì liên hệ với Trạm Y tế phường để làm đơn tự nguyện xin tham gia. Trạm Y tế sẽ giới thiệu bệnh nhân đến cơ sở điều trị Methadone. Khi đó cơ sở điều trị tư vấn và khám lâm sàng xem bệnh nhân có đủ tiêu chuân tham gia điều trị hay không? Nếu bệnh nhân đủ tiêu chuẩn, cơ sở điều trị sẽ thông báo cho bệnh nhân để bệnh nhân về xã, phường làm các thủ tục cần thiết.

Những người nghiện ma túy mà tái nghiện nhiều lần, nhiễm HIV, viêm gan siêu vi, mang thai, lao... vẫn được tham gia chương trình. Hiện nay, trong 12 bệnh nhân đang uống Methadone thì hầu hết các bệnh nhân nhiễm viêm gan C hoặc vừa bị cả viêm gan B và C.

* Thời gian tới, chương trình điều trị thay thế bằng Methadone có mở rộng hay không, thưa bác sĩ?

- Ban đầu khi mới triển khai, chúng tôi lo lắng sẽ không đủ 500 bệnh nhân tham gia. Nhưng bây giờ lại lo không đủ cơ sở vật chất, nhân lực để điều trị vì rất nhiều bệnh nhân muốn tham gia. Tuy nhiên, đây là một chương trình rất phức tạp. Vì thế, buổi ban đầu chúng tôi không chạy theo chỉ tiêu, mà tập trung điều trị ca nào chắc ca đó. Dự kiến đầu năm 2011 sẽ mở rộng thêm đối tượng điều trị là người nghiện ma túy ở quận Bình Thủy và huyện Phong Điền. Sau 1 năm triển khai, Ban chỉ đạo thực hiện chương trình điều trị Methadone TP Cần Thơ mới xem xét đánh giá hiệu quả, từ đó có hướng đề xuất thành phố thành lập thêm cơ sở điều trị mới nếu cần thiết.

* Để đạt hiệu quả điều trị, người bệnh và gia đình cần tuân thủ những điều gì?

- Đây là một chương trình điều trị kéo dài. Có thể nhiều năm, thậm chí uống Methadone đến suốt đời. Methadone là thuốc phiện, nếu 1 ngày ngưng uống thì bệnh nhân có thể có cảm giác thèm nhớ ma túy. Vì thế, người bệnh cần đến cơ sở điều trị uống thuốc hàng ngày vào đúng giờ quy định. Trong những ngày đầu uống Methadone, chưa có liều ổn định thì bệnh nhân có thể còn thèm nhớ ma túy. Nguyên nhân có thể do bạn bè, thói quen, thuốc Methadone chưa đủ liều... bệnh nhân cần cẩn thận trong giai đoạn đầu, cơ sở điều trị không thể đề nghị bệnh nhân ngưng sử dụng ma túy ngay mà khuyên bệnh nhân nếu có sử dụng nên sử dụng liều nhẹ để tránh tương tác thuốc, quá liều. Khi có sử dụng thêm ma túy, bệnh nhân phải thành thật khai báo với bác sĩ liều lượng sử dụng để bác sĩ biết những triệu chứng do ma túy hay do Methadone gây ra mà kịp thời điều chỉnh.

Ngoài việc nghiện ma túy, bệnh nhân thường có nguy cơ mắc các bệnh khác như lao, viêm gan... nên chương trình điều trị thay thế bằng Methadone muốn thành công cần phối hợp điều trị toàn diện. Chẳng hạn, bệnh nhân uống Methadone nhiễm viêm gan thì cần được phối hợp với bệnh viện xét nghiệm chức năng gan, điều trị viêm gan...; bệnh nhân có tiền sử chích ma túy sẽ được giới thiệu đến phòng xét nghiệm tự nguyện để xem có nhiễm HIV không? Nếu bệnh nhân nhiễm HIV sẽ được theo dõi và xem xét tham gia điều trị ARV. Vì thế, việc chuyển tiếp điều trị cần được quan tâm. Tại TP Cần Thơ hiện nay đã điều phối mạng lưới chuyển tuyến điều trị hoạt động rất hiệu quả.

Về phía gia đình nên thường xuyên nhắc nhở người nghiện đến cơ sở uống thuốc hàng ngày, theo dõi phản ứng tâm lý cũng như việc sử dụng ma túy của bệnh nhân để cung cấp thông tin cho nhân viên tư vấn và các bác sĩ tại cơ sở điều trị Methadone. Sau thời gian điều trị Methadone ổn định, gia đình nên tìm việc làm phù hợp với sở thích, sức khỏe của bệnh nhân.

* Thưa bác sĩ! Nếu gia đình và bệnh nhân không thể tìm việc làm, chương trình có hỗ trợ bệnh nhân tìm việc làm không?

- Giải quyết việc làm thuộc lĩnh vực của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các ban, ngành, đoàn thể. Tuy nhiên, về phía ngành y tế, đầu tháng 7-2010 vừa qua, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Cần Thơ đã hợp tác tổ chức phi chính phủ trong nước (COHED) triển khai Dự án Phát triển sinh kế cho người nhiễm HIV/AIDS và bị ảnh hưởng. Dự án này sẽ giúp cho người nhiễm tự nhìn nhận được tiềm lực của bản thân, hướng dẫn xây dựng đề án kinh doanh. Dự án sẽ hỗ trợ vốn và kỹ thuật. Cuối tháng 7-2010, dự án sẽ khảo sát nhu cầu của người nhiễm, đào tạo kỹ năng và hỗ trợ các nhóm người nhiễm hình thành các đề án phát triển sinh kế. Tổng số vốn dự án khoảng 500 triệu đồng. Với mục tiêu hình thành ít nhất 2 mô hình cho người nhiễm và người bị ảnh hưởng. Dự kiến ít nhất có 30-40 người tham gia 2 mô hình này. Chúng tôi liên kết những bệnh nhân uống Methadone vào 2 nhóm này.

* Sau một thời gian triển khai, đề án đã có những tiến triển thế nào? Sắp tới có những điều chỉnh gì hay không, thưa bác sĩ?

- Bước đầu có một số bệnh nhân đã ngưng sử dụng ma túy, lên cân, chấp hành nội quy cơ sở điều trị tốt. Một số bệnh nhân, sau thời gian điều trị đã giới thiệu cho bạn bè đến tham gia. Gia đình rất phấn khởi và cảm ơn Nhà nước đã quan tâm triển khai chương trình này.

TP Cần Thơ triển khai thí điểm đề án điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Nhưng đây không phải là thí điểm về thuốc Methadone mà là thí điểm về công tác quản lý và vận hành quy trình điều trị. TP Cần Thơ triển khai sau TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội nên sau khi đi học tập kinh nghiệm về, chúng tôi cũng có một số điều chỉnh. Ví dụ như điều chỉnh về quy trình xét chọn. Theo quy trình trước đây, bệnh nhân đến đăng ký và làm các thủ tục cần thiết tại xã, phường rồi mới đưa lên cơ sở điều trị; khi không đủ điều kiện tham gia thì bệnh nhân đã mất rất nhiều thời gian cho thủ tục. Ở TP Cần Thơ, bệnh nhân sẽ đăng ký tại Trạm Y tế, sau khi được tư vấn và khám lâm sàng, đủ tiêu chuẩn mới trở về tuyến xã, phường làm hồ sơ. Sắp tới, các cơ sở điều trị sẽ làm hồ sơ tinh thần cho bệnh nhân, đây là những trang viết ghi lại cảm nghĩ của bệnh nhân từ những ngày đầu tham gia điều trị. Trước cửa các cơ sở điều trị cũng có lắp đặt các hộp thư góp ý để thu thập những ý kiến của bệnh nhân, thân nhân, người dân ở khu vực lân cận cơ sở điều trị.

* Như vậy sẽ có một số bệnh nhân chưa đủ điều kiện để tham gia?

- Tất nhiên là có một số bệnh nhân chưa đủ điều kiện để tham gia chương trình này. Một số bệnh nhân chỉ mới nghiện ma túy hoặc bệnh nhân đang vi phạm pháp luật thì không tham gia được; có bệnh nhân chưa hiểu về chương trình này, khi đến tư vấn, họ mới biết là cần tham gia lâu dài, thường xuyên, đến cơ sở uống thuốc mỗi ngày thì họ không chấp nhận. Vì thế, họ từ chối tham gia.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

HUỆ HOA (thực hiện)

Chia sẻ bài viết