15/05/2018 - 21:18

Bệnh loãng xương ở nam giới - đừng xem nhẹ! 

Mặc dù loãng xương thường được xem là bệnh của nữ giới, do tỷ lệ nữ mắc bệnh cao hơn; song nam giới cũng không nên chủ quan với căn bệnh này. Loãng xương ở “phái mạnh” phát sinh từ lối sống hằng ngày nhưng rất ít người nhận ra căn bệnh thầm lặng này trước khi họ bị gãy xương. Đó là lý do nam giới cần biết nguyên nhân gây loãng xương và các bài tập hỗ trợ.

Theo các chuyên gia sức khỏe, bệnh loãng xương ở nam giới có 2 dạng chính là loãng xương nguyên phát (do tuổi tác nếu trên 70 và do bộc phát nếu dưới 70) và loãng xương thứ phát - do lối sống kém lành mạnh (uống nhiều bia rượu, hút thuốc, ì vận động) và có bệnh đường tiêu hóa. Nhưng nhìn chung, có 6 nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ loãng xương ở nam giới:

+ Tuổi tác. Đây là nguyên nhân lớn nhất gây ra loãng xương ở nam giới, bởi sau tuổi 50, tốc độ suy giảm mật độ xương của đối tượng này là khoảng 0,5-1% mỗi năm. Đây là quá trình tự nhiên do cơ thể không thể tái tạo xương như trước. Nguyên nhân là khi có tuổi, cơ thể giảm lượng hoóc-môn sinh dục nam testosterone vốn góp phần củng cố mô xương và các mô liên kết, cũng như giảm sản xuất hoóc-môn estrogen cần thiết để giúp xương hấp thu canxi.

+ Thiếu canxi và vitamin D. Cả hai chất dinh dưỡng này đóng vai trò không thể thiếu trong việc xây dựng sức khỏe xương. Cụ thể, vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi (trong sữa, các chế phẩm từ sữa) và các dưỡng chất từ thực phẩm để bảo toàn sức khỏe xương và giảm nguy cơ nứt, gãy xương. Theo các chuyên gia, nam giới trên 50 tuổi cần tiêu thụ khoảng 1.000mg canxi/ngày để phòng ngừa loãng xương. 

+ Thiếu vận động có thể làm xương yếu đi và dễ gãy hơn. Do vậy, cánh mày râu cần vận động ít nhất 30 phút/ngày bằng bất kỳ hình thức thể dục nào. Dù đi bộ nhanh hay chạy bộ mỗi ngày cũng đủ duy trì sức khỏe cho xương.

+ Uống nhiều rượu bia không chỉ tác động tiêu cực tới sức khỏe lá gan mà còn đẩy nhanh tốc độ mất xương của cơ thể.

+ Hút thuốc lá có tác động trực tiếp tới tình trạng xốp xương. Hơn nữa, so với người không hút thuốc lá, những người có thói quen này được phát hiện ít vận động thể chất hơn nên sức khỏe xương cũng kém hơn.

+ Dùng dược phẩm. Một số loại thuốc trị chứng ợ nóng, trầm cảm, viêm khớp dạng thấp, ung thư và thuốc chứa steroid cũng có thể gây loãng xương.

Thực hiện các bài tập giữ thăng bằng (trái) hay đi bộ kiểu nối bằng gót và đầu ngón chân (phải) tốt cho bệnh nhân loãng xương. Ảnh: Harvard Heal
Thực hiện các bài tập giữ thăng bằng (trái) hay đi bộ kiểu nối bằng gót và đầu ngón chân (phải) tốt cho bệnh nhân loãng xương. Ảnh: Harvard Heal

Những bài tập dành cho bệnh nhân loãng xương

+ Tập giữ thăng bằng. Để thực hiện, người tập đứng trụ một chân, cánh tay ở bên chân còn lại vịn vào thành ghế để giữ thăng bằng. Giữ không quá 15 giây và lặp lại động tác với chân kia. Làm ít nhất 10 lần/ngày.

+ Đi nối gót và mũi chân. Cố gắng đi chậm, sao cho gót bàn chân trước chạm vào mũi bàn chân sau và đi khoảng 100m/ngày. Người tập có thể nhờ người khác hỗ trợ hoặc tập đi với một cây gậy để an toàn.

+ Nâng chân: Đứng trụ một chân và nhấc chân kia lên cao, gập gối vuông góc. Giữ tư thế này trong 10 giây và đổi chân. Lặp lại động tác này hằng ngày.

+ Giữ cột sống thẳng trong khi tập thể dục và cả trong lúc ngồi. Điều này giúp tăng sức mạnh cho xương.

* Lưu ý khi tập là không nên cử động quá nhanh và tránh các bài tập buộc cơ thể phải uốn cong về phía trước hoặc ngả ra sau, do điều này làm tăng nguy cơ gãy xương sống. Những người có tuổi không nâng tạ trên 5- 6kg cũng như tránh các bài tập hoặc hoạt động có nguy cơ dẫn tới té ngã và gãy xương như bước nhảy, đạp xe. Ngoài ra, người có bệnh loãng xương cũng không nên tập thể dục một mình mà cần tập chung với người khác và sử dụng một số công cụ hỗ trợ cần thiết để đề phòng bị té.

AN NHIÊN (Theo Boldsky)

Chia sẻ bài viết