28/04/2016 - 09:29

Bế tắc hoàn bế tắc

Sáu tháng sau tổng tuyển cử, các chính đảng tại Tây Ban Nha đã năm lần bảy lượt đàm phán nhưng vẫn không thể thành lập được chính phủ liên hiệp, bao gồm cuộc họp quan trọng cuối cùng hôm 25 và 26-4, buộc Nhà vua Felipe VI phải quyết định giải tán quốc hội khóa mới và tiến hành bầu cử lại vào ngày 26-6.

Sự bế tắc trên được dự báo trước sau khi đảng Nhân dân (PP) cầm quyền của Thủ tướng Mariano Rajoy chỉ giành được 123 ghế trong quốc hội 350 thành viên, trong khi đảng Xã hội xếp thứ hai với 90 ghế nhất quyết từ chối hợp tác với đối thủ truyền kiếp PP để hình thành một "siêu liên minh" như nhiều quốc gia châu Âu khác, nhất là ở Đức.

Đây là hai chính đảng thay phiên nhau cầm quyền ở Tây Nha Nha kể từ khi nền dân chủ được tái thiết lập năm 1978. Tuy nhiên, PP đã đánh mất dần niềm tin của công chúng khi tình trạng thất nghiệp tăng cao và vấn nạn tham nhũng lan tràn. Đảng Xã hội thì không được lòng công chúng bởi chính sách cắt giảm mạnh hầu bao tài chính đối với chăm sóc y tế và giáo dục công.

Hệ quả tất yếu là trong cuộc bầu cử tháng 12 năm ngoái, đảng cực tả chống thắt lưng buộc bụng Podemos trở thành chính đảng lớn thứ ba với 69 ghế, trong khi đảng thân doanh nghiệp Ciudadanos chỉ giành được 40 ghế.

Trước tình thế tiến thoái lưỡng nan trên chính trường, chính phủ tạm quyền của Thủ tướng Rajoy buộc phải hạ chỉ tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách nhằm duy trì mức độ tăng trưởng kinh tế chấp nhận được, tức nước này không tuân thủ quy định an toàn về chi tiêu ngân sách và nợ công của Ủy ban châu Âu. Những cam kết cải cách nhằm đẩy lùi nguy cơ tiềm ẩn tái khủng hoảng tài chính phải tạm gác lại.

Quốc hội mới bị giải tán và chính trường Tây Ban Nha lại trông chờ vào cuộc tổng tuyển cử sau hai tháng nữa. Tuy nhiên, theo hãng tin Mỹ AP, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy việc bầu cử lại dường như vẫn không thể phá thế bế tắc bởi khó có chính đảng nào bất ngờ vượt lên giành được đa số ghế trong quốc hội để một mình thành lập chính phủ mà không phải liên kết với các đảng còn lại.

Xem ra, nguy cơ bế tắc hoàn bế tắc vẫn "đe dọa" chính trường Tây Ban Nha.

KIẾN HÒA (Theo AP, Reuters, FT)

Chia sẻ bài viết