21/09/2018 - 09:49

Bế mạc Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 

Chiều 20-7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc Phiên họp thứ 27, kết thúc 9 ngày làm việc với nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị cho Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội Khóa XIV sẽ diễn ra vào tháng 10 tới.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, tại Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào 9 dự án luật, nhiều nội dung quan trọng và thông qua một số nghị quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp, tiếp tục hoàn chỉnh các báo cáo, dự án luật để tiến hành các bước tiếp theo hoặc gửi đến các vị đại biểu Quốc hội trước kỳ họp đúng thời hạn quy định; hoàn thiện dự thảo các nghị quyết để trình ký ban hành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, mặc dù dự kiến nội dung Phiên họp thứ 27 đã được thông báo từ rất sớm để các cơ quan chủ động trong công tác chuẩn bị. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung không đủ điều kiện nên phải rút khỏi chương trình. Các cơ quan, tổ chức hữu quan cần tiếp tục lưu ý, rút kinh nghiệm để thực hiện nghiêm túc quy định trong việc chuẩn bị và tiến hành các phiên họp sau”.

Nhấn mạnh Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (dự kiến từ ngày 15-17/10), là phiên họp cuối để chốt các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cơ quan gửi hồ sơ tài liệu đúng thời hạn để bảo đảm chất lượng, tiến độ các nội dung.

* Đầu giờ chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Các ý kiến phát biểu về cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi toàn diện luật này để hoàn thiện thể chế quản lý thuế, thực hiện cải cách hành chính tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế…

* Trước đó, sáng 20-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sửa đổi Luật nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, tuy nhiên không đồng ý về phạm vi sửa đổi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Chính phủ nên cân nhắc việc thay đổi tên và phạm vi sửa đổi của dự án Luật vì việc đánh giá sửa đổi toàn diện chưa đủ độ “chín”.

Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng bỏ quy định hiện hành về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, giao Chính phủ thẩm quyền này. Để bảo đảm tính thống nhất với các quy định của pháp luật hiện hành, trong đó có Luật Ngân sách Nhà nước, bảo đảm tính phù hợp với Nghị quyết 26 của Quốc hội và giữ ổn định như thực tiễn đang triển khai, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị giữ như quy định hiện hành về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Hoàng Thị Hoa (TTXVN)

Chia sẻ bài viết