20/06/2010 - 10:14

Bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn bế mạc kỳ họp. Ảnh: TRÍ DŨNG (TTXVN)

* Chưa thông qua chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh

Chiều 19-6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII đã bế mạc sau 25 ngày làm việc khẩn trương, với tinh thần thật sự dân chủ, đổi mới, trách nhiệm cao. “Đây là một trong những kỳ họp sôi động, hấp dẫn và có chất lượng cao, giải quyết được một khối lượng lớn công việc với nhiều nội dung quan trọng”- Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Phú Trọng khẳng định.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã tập trung đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009, việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2010; tiến hành công tác xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước.

Về việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008, chỉ ra những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác điều hành ngân sách; về Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh; cho ý kiến về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh là một dự án rất lớn, có mối quan hệ, tác động nhiều mặt, được cử tri và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Với tinh thần trách nhiệm cao, trên cơ sở các báo cáo và tờ trình của Chính phủ, lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân, Quốc hội đã thảo luận, xem xét, cân nhắc toàn diện các mặt một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng, thận trọng dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, giao Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể về giao thông trong cả nước cũng như từng vùng, hệ thống giao thông Bắc - Nam.

Chủ tịch QH nêu rõ: Việc lập Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết, nhưng cũng rất khó và hệ trọng. Với tình cảm và trách nhiệm đối với Thủ đô ngàn năm văn hiến, trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị -hành chính quốc gia, các đại biểu Quốc hội đã phân tích, gợi mở, cho ý kiến về nhiều nội dung của Đồ án, nhất là những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau về định hướng không gian đô thị, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, nhằm từng bước xây dựng Thủ đô xứng tầm với bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng, vị thế chính trị, kinh tế, văn hóa đối với cả nước và khu vực. Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh Đồ án.

Để phát huy những kết quả của Kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đề nghị: Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các ngành, các cấp, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, triển khai thực hiện nghiêm túc các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua; tăng cường công tác quản lý và chỉ đạo điều hành; đẩy mạnh tuyên truyền để thống nhất nhận thức, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trong việc khắc phục khó khăn, hoàn thành thắng lợi kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2010 và 5 năm 2006-2010. Các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát và đổi mới công tác tiếp xúc cử tri. Các đại biểu Quốc hội sớm báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri, đồng thời, thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cử tri, lắng nghe và phản ánh đầy đủ ý kiến của cử tri với Quốc hội; giám sát, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân ...

* Chưa thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội- Thành phố Hồ Chí Minh

Với tinh thần trách nhiệm cao, trên cơ sở các báo cáo và tờ trình của Chính phủ, lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân, Quốc hội đã thảo luận, xem xét, cân nhắc toàn diện các mặt một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng, thận trọng dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi nghe toàn văn dự thảo Nghị quyết, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết Điều 1 (được thiết kế theo 2 phương án) và Điều 2 của dự thảo Nghị quyết. Kết quả như sau: Điều 1: Phương án 1 chỉ có 42,39% số đại biểu có mặt tán thành, phương án 2 chỉ có 37,53% số đại biểu có mặt tán thành. Điều 2 có 31,85% số đại biểu có mặt tán thành. Với tỷ lệ ủng hộ không quá bán, hai điều cốt lõi của Nghị quyết không được Quốc hội thông qua, do vậy Nghị quyết này chưa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

Cũng trong chiều 19-6, Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết về: dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư (thay thế Nghị quyết số 66/2006/QH11 hiện hành); Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011; thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học.

* Quy định rõ tiêu chí các dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư

Nghị quyết về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư (thay thế Nghị quyết số 66/2006/QH11 hiện hành) đã xác định cụ thể các tiêu chí về quy mô vốn đầu tư, khả năng ảnh hưởng đến môi trường, trách nhiệm của chủ đầu tư và các thành viên Hội đồng thẩm định nhà nước,... đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn nhằm nâng cao thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội nói riêng, của các cơ quan quản lý nhà nước nói chung trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quản lý và sử dụng có hiệu quả các công trình, dự án có quy mô lớn, đầu tư tại Việt Nam và ra nước ngoài.

Theo Nghị quyết, Dự án, công trình đầu tư tại Việt Nam có một trong các tiêu chí sau đây là dự án, công trình quan trọng quốc gia: Tổng vốn đầu tư từ ba mươi lăm nghìn (35.000) tỉ đồng Việt Nam trở lên, trong đó có vốn nhà nước từ mười một nghìn (11.000) tỉ đồng Việt Nam trở lên; Dự án, công trình có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; Các dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ năm trăm héc-ta (500 ha) trở lên; Dự án, công trình phải di dân tái định cư từ hai mươi nghìn (20.000) người trở lên ở miền núi, từ năm mươi nghìn (50.000) người trở lên ở các vùng khác; Dự án, công trình đầu tư tại địa bàn có di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa; danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia.; Dự án, công trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh; Dự án, công trình đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

Dự án, công trình đầu tư ra nước ngoài có một trong các tiêu chí sau đây là dự án, công trình quan trọng quốc gia: Tổng vốn đầu tư ra nước ngoài từ hai mươi nghìn (20.000) tỉ đồng Việt Nam trở lên, trong đó vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài từ bảy nghìn (7.000) tỉ đồng Việt Nam trở lên; Dự án, công trình đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

* Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011

Theo Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011) các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật công an nhân dân (sửa đổi).

Điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 như sau: Chuyển dự án Luật Thủ đô từ Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 7 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8; Chuyển dự án Luật biển Việt Nam ra khỏi Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 7; Chuyển các dự án Bộ luật lao động (sửa đổi), Luật công đoàn (sửa đổi), Luật tiếp cận thông tin, Luật đầu tư công ra khỏi Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7; Chuyển dự án Luật chứng khoán (sửa đổi) từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán để thông qua tại kỳ họp thứ 8; chuyển dự án Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm để thông qua tại kỳ họp thứ 8; Bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân vào Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 8; Chuyển dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ra khỏi Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8.

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 như sau: Chương trình chính thức, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII sẽ thông qua 05 dự án Luật; Kỳ họp thứ 01, Quốc hội khóa XIII sẽ thông qua 01 dự án Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012; cho ý kiến 02 dự án; Kỳ họp thứ 02, Quốc hội khóa XIII sẽ thông qua 08 dự án. Quốc hội cho ý kiến 09 dự án. Chương trình chuẩn bị gồm14 dự án.

* Trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Giáo dục đại học trong năm 2011

Theo Nghị quyết về thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học, Quốc hội tán thành nội dung Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học từ năm 1998 đến năm 2009.

Để đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục đại học và nâng cao chất lượng đào tạo, Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Giáo dục đại học trong năm 2011; sớm sửa đổi, bổ sung các luật liên quan để điều chỉnh toàn diện, đồng bộ và thống nhất các vấn đề về thành lập trường đầu tư, bảo đảm chất lượng và các vấn đề khác đối với giáo dục đại học. Điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới và ban hành Điều lệ các cơ sở giáo dục đại học theo Luật Giáo dục (sửa đổi, bổ sung năm 2009) để chỉ tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2010-2020 và các tiêu chí, điều kiện thành lập trường phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao. Ban hành các tiêu chí xác định cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động theo nguyên tắc “không vì lợi nhuận” và “vì lợi nhuận hợp lý” để áp dụng chính sách, chế độ ưu tiên phù hợp đối với từng loại trường này và có biện pháp ngăn chặn những hiểu hiện thương mại hóa giáo dục. Thực hiện chính sách đầu tư ngân sách nhà nước có trọng điểm theo kế hoạch trung và dài hạn để hình thành một số trường đại học có chất lượng cao, phát triển nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng; Đổi mới cơ chế phân bổ kinh phí đào tạo và xác định lộ trình thực hiện chế độ thu và sử dụng học phí mới đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra để bảo đảm chất lượng trong hoạt động liên kết đào tạo, đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Đẩy mạnh công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính và cơ chế quản lý đối với hoạt động khoa học và công nghệ ở các cơ sở giáo dục đại học. Đổi mới căn bản và toàn diện công tác quản lý giáo dục đại học... Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thiện quy hoạch, xây dựng kế hoạch và cơ chế giao đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các cơ sở giáo dục đại học tại các địa phương, tạo điều kiện cho các trường xây dựng cơ sở vật chất...

HƯƠNG THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết