02/09/2018 - 09:04

Bẫy nợ

Trung Quốc đang chuẩn bị đón các nhà lãnh đạo cấp cao châu Phi sang tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Bắc Kinh. Theo dự báo tại hội nghị này, phía Trung Quốc sẽ cam kết những khoản đầu tư và cho vay khổng lồ vào lục địa đen. Ở hội nghị lần trước cách đây 3 năm tại Nam Phi, Trung Quốc cam kết chi ra 60 tỉ USD đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho châu Phi.

Tuy nhiên, hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh dư luận quốc tế đang lo lắng về chính sách ngoại giao được gọi là “bẫy nợ” của Trung Quốc. Trong chính sách này, Bắc Kinh sẵn sàng cho các nước đang phát triển vay tiền để đầu kết cấu hạ tầng trọng yếu như cảng biển, sân bay, sau đó nếu bên vay không thể trả nợ thì phải trao quyền kiểm soát cảng biển hay sân bay đó cho Trung Quốc. Việc Sri Lanka phải trao cảng biển Hambantota cho phía Trung Quốc năm 2017 là một thí dụ điển hình.

Có lẽ thấm thía về bài học “bẫy nợ” của Trung Quốc mà Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã quyết định đình hoãn dự án đường sắt và đường ống khí đốt trị giá hơn 20 tỉ USD đã ký với Trung Quốc thời chính quyền tiền nhiệm Najib Razak. Ông Mahathir gọi các dự án này không mang lại lợi ích kinh tế tương xứng cho đất nước giữa lúc Malaysia đang đối diện với “núi nợ” hơn 250 tỉ USD. Phát biểu tại cuộc họp báo với sự có mặt của Thủ tướng nước chủ nhà Lý Khắc Cường, ông Mahathir thẳng thắn nói rằng ông không muốn Malaysia lâm vào tình cảnh có sự xuất hiện “một bản sao mới của chủ nghĩa đô hộ”. Ông Mahathir không nói rõ mình ám chỉ điều gì, nhưng dư luận báo chí phương Tây cho rằng vị chính khách lão luyện này nhắm thẳng vào Trung Quốc. 

Chính quyền Trung Quốc tất nhiên phủ nhận thủ đoạn “bẫy nợ” của mình và đang tiếp tục chiến lược  vung tiền vào các  nước đang cần vốn phát triển kết cấu hạ tầng. Trọng tâm trong chiến lược này là triển khai sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” của Chủ tịch Tập Cận Bình đưa năm 2013. Châu Phi được giới lãnh đạo Trung Quốc xác định đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch BRI vì giúp kết nối bằng đường biển và đường bộ giữa Trung Quốc với Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi.

Theo quỹ nghiên cứu Trung Quốc-châu Phi (CARI) thuộc Khoa nghiên cứu quốc tế chuyên sâu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), Trung Quốc đã cho châu Phi vay tổng cộng khoảng 125 tỉ USD giai đoạn 2000-2016. Điều này đã góp phần đáng kể nhất vào công nợ cao ngất hiện nay của CH Congo, Djibouti và Zambia, theo CARI. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì cho biết Cameroon, Ghana và một số nước châu Phi khác đang đối diện với nguy cơ vỡ nợ. Ethiopia và Zambia, hai con nợ lớn của Trung Quốc, đang phải tìm cách tái cơ cấu vốn vay, trong khi Angola và CH Congo có thể đã tái cơ cấu nợ xong. Tuy nợ ngập đầu, nhưng nhiều nước châu Phi vẫn tin rằng Trung Quốc cho vay tiền mạnh tay, dễ dàng và lãi suất ưu đãi so với các ngân hàng phương Tây. Trong khi đó, điều kiện vay của IMF, Ngân hàng Thế giới (WB), Mỹ hay châu Âu lại rất khó khăn.

Có vay ắt có trả. Có điều có thể trả cách này hay cách khác. Như Djibouti có thể giảm nợ nhờ cho Trung Quốc thuê một căn cứ quân sự. Hay tại Trung Á, Tajikistan giao cho Trung Quốc một mỏ vàng hồi tháng 4-2018 để đổi lại nhà máy điện trị giá 300 triệu USD. “Bẫy nợ” của Trung Quốc như muôn màu muôn vẻ!

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết