09/05/2018 - 10:35

Bầu cử Lebanon, Hezbollah thắng lớn 

Theo kết quả bầu cử công bố hôm 7-5, phong trào Hồi giáo Hezbollah do Iran hậu thuẫn cùng các đồng minh đã giành thêm ghế trong Quốc hội Lebanon, qua đó tăng sức ảnh hưởng chính trị của họ tại nước này.

Những người ủng hộ Hezbollah mừng chiến thắng. Ảnh: NY Times

Bộ trưởng Nội vụ Nouhad Machnouk cho biết liên minh do Hezbollah dẫn đầu đã giành hơn 1/3 số ghế trong quốc hội 128 ghế, qua đó trở thành lực lượng chi phối tại cơ quan lập pháp. Trong khi đó, Phong trào Tương lai được lãnh đạo bởi Thủ tướng Saad Hariri thân phương Tây nhận lấy thất bại đau đớn khi chỉ giành được 21 ghế, ít hơn 12 ghế so với cuộc bầu cử  lần gần nhất vào năm 2009. Theo hệ thống chính trị phức tạp dựa trên sắc tộc ở Lebanon, thủ tướng phải là người Hồi giáo dòng Sunni, chủ tịch quốc hội là người dòng Shiite trong khi tổng thống là tín đồ Công giáo. Dù thất bại, chính khách 48 tuổi  này nhiều khả năng vẫn giữ được ghế thủ tướng. Tỷ lệ cử tri đi bầu hôm 6-5 chỉ đạt 49%, giảm so với 54% trong cuộc bầu cử lần trước.

Trong cuộc họp báo tại Thủ đô Beirut, Thủ tướng Hariri bày tỏ sự hài lòng về kết quả bầu cử, đồng thời đưa ra dấu hiệu cho thấy ông sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh của Hezbollah để thành lập chính phủ như đã từng thực hiện đối với nội các sắp mãn nhiệm. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng chính trị ngày càng lớn của Hezbollah có thể làm phức tạp các mối quan hệ giữa Lebanon với phương Tây ở thời điểm nước này đang tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế để vực dậy nền kinh tế trì trệ và giải quyết chuyện một triệu người tị nạn chiến tranh đến từ Syria.

Tại cuộc bầu cử vừa qua, thắng lợi của Hezbollah và các đồng minh đã tăng thêm cơ hội cho phong trào Hồi giáo theo dòng Shiite này nắm giữ vai trò chủ chốt trong chính phủ liên minh. Kết quả bầu cử là hồi chuông cảnh báo đối với Mỹ, Israel, các quốc gia Vùng Vịnh như Saudi Arabia.

Lâu nay, chính trường Lebanon bị chia thành 2 phe, giữa một bên bắt tay với Iran và bên còn lại ngã sang Saudi Arabia và Mỹ. Trong đó, Hezbollah, đảng chính trị và là nhóm vũ trang duy trì lực lượng quân sự hùng mạnh nhất ở Lebanon, nhận được sự hậu thuẫn từ Tehran nhưng bị Washington xem là “tổ chức khủng bố”. Phong trào vũ trang này cũng là một trong những đồng minh quan trọng của chính quyền Bashar al-Assad ở Syria, khi cử hàng ngàn chiến binh sang quốc gia láng giềng để giúp chống lại các tay súng nổi dậy.

Phát biểu trên truyền hình sau đó, thủ lĩnh phong trào Hezbollah Hassan Nasrallah đã gọi kết quả bầu cử trên là “lá chắn” cho cái mà những người ủng hộ ông gọi là “phong trào kháng chiến”, ám chỉ liên minh trong khu vực chống lại ảnh hưởng của Mỹ và Israel.

THANH BÌNH (Theo NY Times, Washington Post)

Chia sẻ bài viết