09/11/2011 - 21:48

"Bát cơm" quốc gia và chiến lược cho ngành lúa gạo

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm 12,25% diện tích tự nhiên cả nước, nhưng diện tích trồng lúa chiếm đến 46,8% diện tích trồng lúa cả nước. Vừa đảm bảo nhu cầu an ninh lương thực quốc gia, vừa giữ vững vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Để giữ vững vai trò “bát cơm” quốc gia, ĐBSCL cần một tầm nhìn chiến lược cho ngành lúa gạo.

“Bát cơm” và chiến lược phát triển

 Cơ giới hóa khâu thu hoạch là một trong những giải pháp nâng cao chuỗi giá trị hạt gạo.

Năm 1989, vựa lúa ĐBSCL đã góp phần rất lớn trong việc giải quyết bài toán an ninh lương thực quốc gia và trở lại tham gia thị trường xuất khẩu gạo thế giới. Năm 1990, toàn vùng sản xuất được 9,48 triệu tấn lúa hàng hóa và lượng gạo xuất khẩu đạt 1,46 triệu tấn; đến năm 2000, lượng gạo xuất khẩu tăng lên mốc 3,39 triệu tấn, với sản lượng lúa hàng hóa đạt 17,6 triệu tấn. Đến năm 2010, sản lượng lúa ĐBSCL vượt lên mức 21,5 triệu tấn, đây là tiến bộ vượt bậc trong sản xuất lúa của vùng và cũng là “năm vàng” xuất khẩu gạo, với lượng gạo xuất khẩu đạt trên 6,89 triệu tấn, kim ngạch thu về 3,25 tỉ USD. Từ một quốc gia thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu gạo trong tốp đầu thế giới, trong đó có sự đóng góp rất lớn từ ĐBSCL- khu vực chiếm trên 53% sản lượng lúa cả nước và 90% lượng gạo xuất khẩu quốc gia.

Sang năm 2011, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã triển khai mở rộng diện tích lúa thu đông tại ĐBSCL để tăng thêm 1 triệu tấn lúa hàng hóa. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho biết: “Sản xuất lúa năm 2011 đã vượt kế hoạch đề ra, tuy còn nhiều khó khăn trong vụ thu đông. Năm 2012, diện tích lúa vẫn giữ ổn định, nhưng các địa phương cần rà soát lại và quy hoạch vùng trồng lúa vụ 3, đảm bảo ăn chắc”. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, sản lượng lúa toàn vùng ĐBSCL năm 2011 đạt trên 23 triệu tấn, tăng hơn 1,52 triệu tấn so với năm 2010.

Ngành lúa gạo Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng hơn 20 năm qua đã khẳng định vị trí và vị thế trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà khoa học, nhà quản lý, chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo đang phát triển thiếu bền vững. Ông Nguyễn Thế Dũng, Cán bộ cao cấp Chương trình phát triển nông thôn của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho biết: “Chuỗi giá trị lúa gạo hiện có tại ĐBSCL đã đáp ứng nhu cầu cơ bản của người sản xuất và tiêu dùng. Cái cần hiện nay là phải hiện đại hóa cả về vật chất và thể chế để đáp ứng nguyện vọng của người trồng lúa và người tiêu dùng. Ngành lúa gạo cần điều chỉnh chiến lược phát triển theo bề rộng, tăng thặng dư cho ngành lúa gạo ĐBSCL bằng cách tăng giá trị xuất khẩu”. Theo ông Dũng, chuỗi giá trị ngành gạo hiện qua quá nhiều tầng nấc, nên giá trị gia tăng không nhiều và người trồng lúa chịu thiệt thòi nhất trong phân bổ lợi nhuận từ đây. Cần xác định lại chiến lược để giúp tăng lợi ích lâu dài cho nông dân.

Theo Nghị quyết 63/NQ-CP (ngày 23-12-2009) của Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 xác định đảm bảo nguồn cung lương thực, nhu cầu lương thực, xóa đói, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng; nâng cao thu nhập cho nông dân tăng 2,5 lần so với hiện nay. Kiên quyết bảo vệ quỹ đất trồng lúa 3,8 triệu héc-ta để có 41-43 triệu tấn lúa hàng hóa mỗi năm... Tuy nhiên, theo dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ nay đến năm 2020, đất trồng lúa tiếp tục giảm, chuyển đổi cho các nhu cầu khác khoảng 293.400ha; đồng thời diện tích lúa mất đi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng khoảng 5.720ha, chủ yếu ở ĐBSCL. Do vậy, vựa lúa ĐBSCL đang cần một chiến lược phát triển toàn diện hơn.

Điều chỉnh tầm nhìn

Theo dự báo của Trung tâm tin học Thống kê Bộ NN&PTNT, lượng gạo xuất khẩu năm 2011 có khả năng đạt mức 7,5 triệu tấn, giá trị xuất khẩu ước đạt 3,7 tỉ USD. Con số dự báo khá ấn tượng, nhưng ngành lúa gạo ĐBSCL đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp các tỉnh, thành ĐBSCL, giá thành sản xuất lúa năm 2011 tăng so với năm 2010; trong đó, vụ đông xuân giảm 40 đồng/kg (giá thành sản xuất 2.997 đồng/kg lúa), vụ hè thu tăng 200 đồng/kg (3.614 đồng/kg), vụ thu đông tăng 678 đồng/kg (4.021 đồng/kg lúa). Giá lúa đang ở mức cao, nhưng lợi nhuận của người trồng lúa không tăng, do chi phí sản xuất tăng. Trong khi đó, việc mời gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp (đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch ngành lúa gạo) chưa đủ sức nâng cao chuỗi giá trị hạt gạo Việt Nam. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong giai đoạn 2006- 2010, toàn vùng ĐBSCL chỉ thu hút 12 dự án đầu tư trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp- thủy sản với tổng vốn đầu tư chỉ 37,1 triệu USD.

Các chuyên gia cho rằng, Chính phủ đã điều chỉnh tầm nhìn chiến lược cho ngành lúa gạo Việt Nam, như: giữ diện tích đất lúa, đầu tư thủy lợi nội đồng, đê bao ngăn lũ, hỗ trợ nông dân trang bị máy móc, vật tư nông nghiệp, mời gọi đầu tư vào lĩnh vực bảo quản công nghệ sau thu hoạch, xây kho trữ lúa... Bộ NN&PTNT phát động các địa phương xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” trong vụ hè thu 2011, diện tích thực hiện mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đạt 7.803 ha/8.370 ha, đạt 93,22% so kế hoạch, với 6.400 hộ nông dân tham gia. Ngành nông nghiệp còn đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào canh tác lúa, nhằm hạ giá thành sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường và nâng cao thu nhập cho nông dân. Cùng các sáng kiến về liên kết “4 nhà”, giúp nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo của ĐBSCL và Việt Nam. Rõ ràng, chiến lược và tầm nhìn đã được hoạch định khá chi tiết, vấn đề còn lại là cụ thể hóa bằng hành động như thế nào để nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo Việt Nam, đồng thời, đảm bảo thu nhập cho nông dân, xuất khẩu trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Thời gian qua, phần lớn các địa phương trong vùng ĐBSCL đều chủ động xây dựng mô hình trồng lúa thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu (mô hình lúa- tôm, lúa- màu...); đồng thời ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy gặt đập, cơ giới khâu thu hoạch. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Liên Khoa cho biết: “Hậu Giang có lợi thế về nông nghiệp, giáp với TP Cần Thơ có cảng, sân bay là điều kiện để tỉnh mời gọi đầu tư vào nông nghiệp. Qua diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL năm 2011 vừa qua, tỉnh đã ký kết được 2 dự án đầu tư trên lĩnh vực chế biến lúa gạo. Tỉnh rất chú trọng mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để phát huy lợi thế của địa phương”. Diện tích lúa của tỉnh Hậu Giang trên 80.000ha, với sản lượng hàng năm trên 1 triệu tấn lúa hàng hóa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho vùng. Theo ông Khoa, việc mời gọi đầu tư vào nông nghiệp cũng không dễ dàng, do vậy, rất cần sự liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng để mời gọi đầu tư cho vựa lúa phát triển bền vững hơn.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết