10/08/2018 - 21:19

Bấp bênh tương lai quan hệ Nga-Mỹ

Gần một tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin “tay bắt mặt mừng” tại Helsinki, Phần Lan và có cuộc hội đàm kéo dài gần gấp đôi thời gian dự kiến, không ít hy vọng lớn dần lên về một tương lai hai bên sẽ có thể hòa cùng nhịp bước giải quyết nhiều vấn đề nhằm sưởi ấm mối quan hệ  đang rơi vào giai đoạn ảm đạm nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, thế giới lại đang được chứng kiến hai bên đe dọa và chỉ trích lẫn nhau sau khi Mỹ tuyên bố sẽ áp đặt các trừng phạt mới nhằm vào Nga với kết luận rằng Mát-xcơ-va đã sử dụng chất độc thần kinh để đầu độc một cựu điệp viên Nga cùng với con gái của ông này tại Anh.

Việc Washington vào thời điểm này trừng phạt Nga liên quan tới vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal cùng với con gái là Yulia, được xác định là bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok hồi tháng 3 ở Anh, được cho là khá bất ngờ. Bởi câu chuyện vụ đầu độc kể trên cho tới nay vẫn gây tranh cãi, dù cả hai cha con cựu điệp viên đều đã bình phục.

Lệnh trừng phạt trên ngay lập tức bị Nga chỉ trích, coi điều này trái với luật pháp quốc tế, và  “hoàn toàn không thân thiện”, đi ngược lại bầu không khí mang tính xây dựng trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo hồi tháng trước. Đại sứ quán Nga tại Mỹ cho rằng lý do Washington đưa ra để áp đặt trừng phạt là gượng ép đồng thời nhấn mạnh không có bất cứ bằng chứng nào chứng minh cáo buộc của Mỹ, trong khi phía Mỹ vẫn từ chối giải đáp các thắc mắc của Nga. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng cảnh bảo Mỹ rằng các biện pháp trừng phạt này sẽ được coi là “một tuyên bố chiến tranh kinh tế và Nga cũng sẽ đáp trả về mặt kinh tế, chính trị cũng như mọi cách thức cần thiết khác”.

Những động thái mới của Mỹ đang đẩy hai quốc gia này trở lại vạch xuất phát trước cuộc gặp thượng đỉnh tại Phần Lan mà sau đó hai nhà lãnh đạo đều tỏ ra rất hài lòng và mô tả với những mỹ từ như “mang tính xây dựng cao” hay “bước khởi đầu quan trọng” hướng tới cải thiện quan hệ song phương.

Xét cho cùng thì đây cũng là bước đi để Tổng thống Trump xoa dịu những dư luận phản đối từ nội bộ chính giới Mỹ rằng ông đã không thể hiện lập trường cứng rắn với Mát-xcơ-va. Từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã có những động thái “mềm mỏng” hơn với Nga. Tại hội nghị thượng đỉnh với người đồng cấp Nga tại Helsinki, ông cũng từ chối chỉ trích Mát-xcơ-va liên quan đến nghi vấn can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016. Khi đó, Tổng thống Trump một lần nữa chúc mừng ông Putin vì nước Nga đã tổ chức thành công ngày hội bóng đá thế giới.

Nhưng vấn đề chi phối nằm ở chỗ nghị sĩ hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã không hài lòng về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh này, vì cho rằng đây là “cơ hội bị bỏ lỡ” để quy trách nhiệm cho Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Vì vậy, các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga vào thời điểm này có thể coi là bước đi cần thiết để đảm bảo đảng Cộng hòa cầm quyền giữ vững thế chủ động trong quốc hội Mỹ sau tháng 11 tới. Bằng chứng là ngay sau thông báo này, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ Ed Royce, người từng cáo buộc Tổng thống Trump cố tình lờ đi các cuộc tấn công tình báo của Nga, đã hoan nghênh động thái mới là việc làm đúng đắn nhằm đề cao những biện pháp trừng phạt quốc tế với việc sử dụng vũ khí hóa học.

Bên cạnh thông báo về các biện pháp trừng phạt Nga liên quan tới vụ đầu độc điệp viên Skripal, báo giới Mỹ gần đây cũng liên tục đưa thông tin  Nhà Trắng đang soạn thảo một  sắc lệnh hành pháp cho phép Tổng thống Trump trừng phạt những người nước ngoài can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ. Những bước đi rõ ràng cho thấy chính quyền Trump đang muốn dập tắt những chỉ trích có thể ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử quan trọng sắp tới, đặc biệt trong mối quan hệ với Nga.

LÊ ÁNH (TTXVN)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
quan hệ Nga-Mỹ