21/11/2017 - 08:49

Bấp bênh nhiệm kỳ 4 của Thủ tướng Đức 

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang đối mặt với viễn cảnh lập chính phủ thiểu số hoặc phải tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới sau khi tiến trình đàm phán thành lập chính phủ liên minh bị đổ vỡ trước sự ra đi bất ngờ của đảng Dân chủ Tự do (FDP).

   Thủ tướng Merkel họp báo sau thất bại trong việc thành lập chính phủ liên minh. Ảnh: Sky News

Trong cuộc bầu cử hồi tháng 9, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel cùng đảng “chị em” tại bang Bavaria là Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) giành chiến thắng với 33,5% số phiếu. Tuy là nhóm lớn nhất, nhưng  CDU/CSU chỉ chiếm 246 trong tổng số 709 ghế tại Quốc hội. Điều này buộc họ phải chọn lựa giữa việc thành lập chính phủ thiểu số hoặc tìm đối tác để lập chính phủ đa số dẫn dắt nước Đức.

Vốn nằm trong liên minh cầm quyền tại Đức suốt 8 năm qua, nhưng đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) sau cuộc bầu cử đã từ chối tham gia chính phủ trong khi không đảng nào sẵn lòng hợp tác với phe cực hữu Sự lựa chọn thay thế vì nước Đức (AfD). Do vậy, CDU chỉ còn cách tìm kiếm thành lập “liên minh Jamaica” bằng thỏa thuận với đảng Xanh và FDP - đối tác của Thủ tướng Merkel trong nhiệm kỳ hai (2009-2013). Nhưng sau hơn một tháng thương thảo căng thẳng, lãnh đạo FDP Christian Lindner vào cuối ngày 19-11 đột ngột tuyên bố rút lui do các bên chưa thể giải quyết được mâu thuẫn trong những vấn đề cốt lõi như tài chính, kiểm soát nhập cư và môi trường. “Cuộc thảo luận giữa 4 bên không đạt được quan điểm chung bảo đảm quá trình hiện đại hóa đất nước cũng như không tìm thấy sự tin cậy cần thiết. Tốt nhất là không lãnh đạo còn hơn lãnh đạo sai lầm” – trích lời Chủ tịch Lindner.

Trong bài phát biểu sau đó, Thủ tướng Merkel dù lấy làm tiếc, nhưng cho biết vẫn tôn trọng quyết định của FDP. Thủ tướng Đức cũng nói thêm là sẽ thảo luận với Tổng thống Frank Walter Steinmeier về tiến trình đàm phán và kế hoạch tiếp theo với cam đoan làm hết khả năng để dẫn dắt đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn sắp tới.

Theo các nhà quan sát, phe bảo thủ trong tình thế hiện nay nếu không thuyết phục được FDP quay trở lại bàn đàm phán thì chỉ còn khả năng thảo luận với đối tác cũ là SPD để thành lập chính phủ đa số. Nhưng cuối tuần rồi, lãnh đạo SPD Martin Schulz tái khẳng định không bắt tay với CDU/CSU. Nếu vậy, Thủ tướng Merkel phải xem xét lựa chọn không mong muốn nhất là thành lập chính phủ thiểu số hoặc với FDP hoặc đảng Xanh. Bằng không, Tổng thống Steinmeier sẽ giải thể Quốc hội và kêu gọi tiến hành cuộc bầu cử mới.

Các nhà phân tích cho rằng, bất kỳ giải pháp nào cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín vốn đã suy giảm của bà Merkel trên chính trường. Thay vì mâu thuẫn trong chính sách giữa các đảng, nhiều người dự đoán chủ đề tranh luận sắp tới trên chính trường Đức sẽ sớm chuyển sang vai trò của Thủ tướng với câu hỏi liệu nữ chính trị gia 63 tuổi có đủ quyền lực để duy trì chính phủ mạnh mẽ hay không. Theo kết quả thăm dò dư luận gần đây, có tới 61,4% cử tri tin rằng việc thất bại trong thành lập chính phủ liên minh sẽ chấm dứt nhiệm kỳ thủ tướng thứ 4 của bà Merkel.

Không chỉ đẩy tương lai chính trị của Thủ tướng Đức vào thế bấp bênh, việc nền kinh tế lớn nhất châu Âu không thể lập chính phủ mới còn tác động đến nhiều vấn đề khác của khu vực, từ cải cách Khu vực đồng tiền chung euro đến chính sách của Liên minh châu Âu đối với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Trước mắt, Reuters cho biết đồng euro đã rơi xuống mức thấp nhất trong 2 tháng qua so với đồng yen Nhật và giảm 0,5% so với đô la Mỹ sau thông tin bất ổn trên chính trường Đức.

MAI QUYÊN (Theo Guardian, AFP)

Chia sẻ bài viết