18/09/2009 - 20:52

Bấp bênh nghề đánh bắt cá mùa lũ

Người dân đang giăng lưới trên sông ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Gần 1 tháng nay, nhiều hộ dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản ở Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh, hai huyện đầu nguồn của TP Cần Thơ, bắt đầu gấp rút chuẩn bị cho một mùa cá mới. Tuy nhiên, theo dự đoán của đa số người dân gắn bó lâu đời với nghề đánh bắt thủy sản ở đây, mùa lũ năm nay sẽ không mang lại nhiều nguồn lợi cho họ...

Phần lớn các hộ dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản ở Vĩnh Thạnh và Cờ Đỏ đang tập trung vào mùa (chủ yếu từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10 âm lịch). Những gia đình mưu sinh bằng nghề này sống dọc theo các con sông, rạch và phần nhiều trong họ đều có cuộc sống tương đối khó khăn. Những ngày cuối tháng 7 âm lịch, chúng tôi tìm đến những gia đình chuyên làm nghề đánh bắt cá mùa lũ, hầu hết những người đàn ông, thanh niên trong nhà đều đã ra sông, ra ruộng đón cá đầu mùa.

Gia đình anh Tô Văn Bé và chị Nguyễn Thị Út ngụ ấp Đông Lợi, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, gắn bó với nghề này được trên 5 năm. Hằng ngày, cứ vào 4 giờ sáng, anh Bé thức dậy đi giăng lưới ở mé sông, rạch cách nhà khoảng 1km, có khi đi xa hơn nữa. Đến 6 giờ sáng, anh Út gom lưới rồi đem về nhà cho chị Út gỡ cá để đem ra chợ bán. Mùa đánh bắt của gia đình anh Út thường kéo dài đến qua khỏi mùa lũ (từ đầu tháng 6 đến cuối tháng chạp âm lịch). Mỗi ngày, anh Út giăng khoảng 3 đợt lưới, đặt 2 lượt lọp, lờ. Tuy vậy, thu nhập của gia đình anh hiện nay chỉ khoảng 30.000 đến 40.000 đồng/ngày; chi xài tiết kiệm thì vừa đủ chi phí sinh hoạt hằng ngày cho cả gia đình 5 miệng ăn.

Nói đến mùa cá năm nay, chị Út nhận xét: “Làm nghề này ngày càng khó khăn, khoảng 4-5 năm trước, mỗi ngày giăng lưới được khoảng 20 đến 30kg cá các loại, còn bây giờ mỗi ngày nhiều lắm là 5 đến 6 kg...”. Những năm trước, vào mùa lũ, đánh bắt cá là nghề đem lại thu nhập đủ sống cho gia đình anh chị. Nhưng đầu mùa lũ năm nay đã báo hiệu nguồn thu nhập này kém hơn, nên ngoài giờ học, các con của anh Bé chị Út phải phụ cha m? làm thuê nhiều việc để kiếm sống.

Những ngày qua, làng đan lưới Thơm Rơm (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) đã sôi động kẻ mua người bán. Ông Trần Thiện An, chủ cửa hàng đan lưới Tư An, có 30 năm trong nghề, cho biết: “Tôi không thể dự đoán được sức mua lưới, câu của khách hàng trong mùa lũ năm nay. Những năm trước, thường sau mùa lúa, nhiều người dân mua lưới chờ nước lên giăng. Tiệm của tôi thường bán rộ vào khoảng rằm tháng 7 đến rằm tháng 9”. Với số vốn dao động khoảng vài trăm ngàn đồng đến 1 triệu đồng để mua mới hoặc sửa chữa xuồng, ghe và mua lưới, câu, một số người dân phải tìm cách vay mượn của bà con xung quanh hoặc từ các tổ chức, đoàn thể cho vay ưu đãi ở xã như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân,... sau vụ mùa mới trả lại. Tuy nhiên, trong quá trình mưu sinh mùa lũ, người nông dân cũng gặp không ít rủi ro. Năm nào nước kém lại về muộn thường mang theo lượng cá ít ỏi, không đủ để chia đều cho hàng nghìn hộ dân mưu sinh dọc theo các con sông ở đầu nguồn ĐBSCL. Và đây cũng đang là nỗi lo của những hộ dân sống dựa vào nghề đánh bắt thủy sản mùa lũ ở Cờ Đỏ.

Gần 15 năm nay, năm nào ông Nguyễn Văn Bê, ngụ ấp Thới Phong, xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, cũng canh con nước lớn vào cuối tháng 6 âm lịch để bắt đầu mùa giăng lưới. Nhưng mùa lũ năm nay, ông Bê không còn tất bật với nghề này vì lượng cá ngày càng ít, có khi bỏ cả ngày công cũng không đủ sống. Bây giờ, hằng ngày, ông đi làm thuê, còn vợ ông tranh thủ những lúc rảnh rỗi đi bắt ốc trên ruộng để bán cho những người nuôi cá. Bên cạnh sản lượng cá ngày càng thấp, thời gian gần đây, có những hộ dân còn không may bị trộm lấy mất phương tiện đánh bắt cá, đứng trước nguy cơ không hoàn trả được số vốn đã vay mượn trước đó. Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Tự, ngụ ấp Thới Xuân, xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ. Ông Tự bộc bạch: “Gia đình tôi vừa vay mượn được 500.000 đồng để mua xuồng và lưới. Mới giăng được một ngày, thu nhập chưa được bao nhiêu nhưng đã bị kẻ trộm lấy mất chiếc xuồng. Vợ chồng tôi đành phải bỏ qua cơ hội đánh bắt cá trong mùa nước này, trong khi chưa biết làm thế nào để trả nợ”.

Nắm bắt nhu cầu mưu sinh của người dân, ngay từ đầu mùa lũ, chính quyền một số địa phương ở Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh đã có kế hoạch hỗ trợ phần nào cho người dân mưu sinh mùa lũ được thuận lợi hơn. Ông Nguyễn Văn Chưởng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Trên địa bàn xã hiện nay có khoảng 40% nông dân đánh bắt cá mùa lũ. Trong đó, có khoảng 30% hộ dân hoàn cảnh còn nhiều khó khăn. Từ đầu mùa lũ đến nay, xã đã phối hợp với nhiều tổ chức, cá nhân, hỗ trợ cho nhân dân ấp Thới Hòa được 3 chiếc xuồng cùng 500m lưới, trị giá 1.450.000 đồng. Sắp tới, xã còn hỗ trợ cho một số hộ dân khác ở các ấp còn lại”.

Ở huyện Vĩnh Thạnh, vài năm trở lại đây, nguồn cá tự nhiên ngày càng giảm sút nên nhiều hộ dân vốn gắn bó với nghề đánh bắt cá mùa lũ vừa đánh bắt cá vừa làm thuê mới có thể đủ sống. Cô Nguyễn Thị Bông, ngụ ấp Tân Hưng, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Những năm gần đây nguồn cá tự nhiên ít dần. Mấy ngày qua, tôi giăng 3 tay lưới, 2 lượt, từ 4 giờ sáng đến 11 giờ trưa được khoảng 6 đến 7 kg cá, nhưng hầu hết là cá non, cá này tôi đem cân cho những gia đình nuôi cá lóc, mỗi kg được khoảng 5.000 đồng. Làm nghề này rất cực, mặc dù tôi đã theo đuổi nó từ nhỏ đến lớn nhưng nếu có nhiều vốn, có lẽ tôi sẽ đổi nghề”.

Đánh bắt cá mùa lũ từ lâu đã được xem như một nghề truyền thống ở ĐBSCL, vừa góp phần cải thiện thu nhập vừa giải quyết việc làm cho không ít lao động nhàn rỗi vào mùa nước nổi. Tuy nhiên, nguồn cá tự nhiên ngày càng cạn kiệt, nghề đánh bắt cá mùa lũ ở một số địa phương không còn là nghề đem lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình. Vì vậy, các cấp, ngành chức năng cần có kế hoạch giải quyết việc làm hiệu quả hơn, tạo thu nhập ổn định cho bà con nông dân và hạn chế tình trạng đánh bắt thủy sản bừa bãi làm cạn kiệt nguồn tài nguyên mà thiên nhiên ưu đãi.

Bài, ảnh: ANH SƠN

Chia sẻ bài viết