09/04/2010 - 22:09

Bấp bênh căn cứ không quân Mỹ tại Kyrgyzstan

Binh sĩ Mỹ tại căn cứ không quân Manas.
Ảnh: AFP

Sau cuộc chính biến dẫn tới phe đối lập thành lập chính quyền lâm thời tại Kyrgyzstan hôm 8-4, một vấn đề đang làm đau đầu các quan chức ở Washington là tương lai căn cứ không quân Mỹ tại sân bay quốc tế Manas của Kyrgyzstan.

Các nhà lãnh đạo chính quyền lâm thời cho rằng họ không có kế hoạch đóng cửa ngay căn cứ có vị trí trọng yếu đối với Mỹ trong việc cung cấp hậu cần cho binh sĩ liên quân ở Afghanistan, nhưng cũng “bóng gió” về khả năng đàm phán lại. Roza Otunbayeva, lãnh đạo chính quyền lâm thời Kyrgyzstan, cho rằng sẽ tôn trọng việc cho Mỹ thuê căn cứ Manas, nhưng không cam kết gì sau khi hết hạn hợp đồng vào tháng 7 tới.

Quân đội Mỹ bắt đầu hoạt động tại căn cứ Manas tháng 12-2001, ngay sau khi tấn công Afghanistan. Cùng với chức năng chuyển quân đến và đi khỏi vùng chiến, căn cứ Manas còn là trung tâm tiếp nhiên liệu cho chiến đấu cơ Mỹ thực hiện nhiệm vụ trên bầu trời Afghanistan (phi đội máy bay tiếp dầu KC-135 của Mỹ đồn trú tại Manas). Căn cứ này càng trở nên quan trọng hơn khi Uzbekistan đóng cửa căn cứ Karshi-Khanabad của Mỹ ở nước này năm 2005, buộc NATO dồn các hoạt động ở đây tới căn cứ Bagram ở Afghanistan. Đóng cửa Manas sẽ gây căng thẳng thêm cho căn cứ Bagram hiện quá đông đúc vào thời điểm Mỹ tăng quân số tới Afghanistan. Bên cạnh đó, rất ít căn cứ không quân trong khu vực có thể đáp ứng máy bay lớn đường dài, mà căn cứ Manas hiện đang đảm đương.

Năm ngoái, Mỹ đã nhượng bộ chính quyền Tổng thống vừa bị lật đổ Kurmanbek Bakiyev để duy trì căn cứ Manas với giá thuê tăng gấp 3 lần lên 60 triệu USD/năm và 150 triệu USD nâng cấp cơ sở hạ tầng cho Kyrgyzstan. Giáo sư Alexander Cooley, chuyên nghiên cứu về quan hệ quân sự Mỹ ở Trung Á tại Đại học Columbia, cho rằng chính quyền lâm thời Kyrgyzstan dường như không yêu cầu quân đội Mỹ rời khỏi Manas vì nước này cần viện trợ tài chính và vì hiện diện của Mỹ là đối trọng hữu ích đối với ảnh hưởng của Nga ở khu vực. Tuy nhiên, Giáo sư Cooley cho rằng chính quyền Mỹ đã chăm bẵm bảo vệ căn cứ này đến nỗi nhắm mắt làm ngơ nạn tham nhũng của ông Bakiyev và các thân tín của ông. Kết quả là người dân Kyrgyzstan xem căn cứ Manas là “quả đắng” trong quan hệ với Washington.

Trong khi đó, một quan chức chủ chốt của Nga đang tham gia lễ ký kết Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân giai đoạn II (START II) giữa Nga và Mỹ tại Praha (CH Czech), cho rằng ông Bakiyev đã không giữ cam kết đóng cửa căn cứ Mỹ. Theo quan chức này, Kremlin sẽ giục các nhà lãnh đạo mới của Kyrgyzstan thực hiện điều đó và Kyrgyzstan sẽ chỉ có duy nhất căn cứ của Nga. Năm ngoái, Mát-xcơ-va đã thuyết phục ông Bakiyev đóng cửa căn cứ không quân Manas, với khoản viện trợ 2 tỉ USD cho Kyrgyzstan, nhưng ông Bakiyev đã thay đổi quan điểm sau khi Washington đồng ý tăng tiền thuê. Nga hiện có căn cứ không quân tại thành phố Kant, cách Manas hơn 64 km, hoạt động từ năm 2003.

Nếu căn cứ Manas đóng cửa, quân đội Mỹ còn có một vài tuyến đường bộ, chủ yếu thông qua Pakistan và Tajikistan, để cung cấp hậu cần tới Afghanistan. Đầu năm 2009, vào thời điểm ông Bakiyev dọa đóng cửa Manas, quân đội Mỹ đã tính đến phương án phát triển tuyến đường mới được gọi là “mạng lưới phân phối phía Bắc” (NDN). NDN gồm 3 tuyến: một là đi từ Thủ đô Riga của Latvia tới hải cảng ở biển Baltic rồi lên đường bộ qua Nga, Kazakhstan và Uzbekistan; hai là khởi đầu ở Gruzia qua Azerbaijan, vượt biển Caspie, rồi vòng qua Kazakhstan và Uzbekistan; ba là đi vòng qua Uzbekistan từ Riga tới Kazakhstan rồi thông qua Tajikistan và Kyrgyzstan. Tuy nhiên, thỏa thuận thông qua 3 hành lang này với các nước lại không cho phép Mỹ chuyển vũ khí và binh sĩ.

Có thể nói, sự bất ổn ở Kyrgyzstan đã gây thêm khó khăn cho kế hoạch tăng viện 30.000 quân tới Afghanistan của Tổng thống Barack Obama. Hồi tháng 3, 50.000 binh sĩ Mỹ và các lực lượng đồng minh đến và đi khỏi Afghanistan đã quá cảnh ở Manas, cao hơn 3 lần so với mức bình quân hàng tháng của năm ngoái.

N. MINH
(Theo Washingtonpost, Csmonitor, AFP)

Binh sĩ Mỹ tại căn cứ không quân Manas.Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết