21/04/2013 - 21:21

Bảo vệ bền vững vùng đất ngập nước

Hệ động, thực vật ở Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (ảnh do Hội Văn học nghệ thuật Cà Mau cung cấp).  

Ban thư ký Công ước Ramsar thế giới vừa tổ chức trao bằng chứng nhận Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (VQGMCM) trở thành khu Ramsar thứ 2088 của thế giới. Đây cũng là khu Ramsar thứ 2 tại ĐBSCL và là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam…

VQGMCM thuộc địa phận huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, có tổng diện tích hơn 41.800ha. Hệ sinh thái nơi đây đa dạng, với 93 loài chim, 26 loài thú, 43 loài bò sát, 9 loài lưỡng cư, 233 loài thủy sản. Trong số đó, có nhiều loài quý hiếm, như: bồ nông chân xám, giang sen, cò trắng, rái cá, cầy giông đốm lớn, rùa hộp lưng đen, rùa răng, rùa ba gờ, rùa cổ bự,… Ý thức được tầm quan trọng của hệ sinh thái vùng đất ngập nước, thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ nhằm bảo vệ rừng, bảo tồn sự đa dạng sinh học ở VQGMCM. Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc VQGMCM, cho biết: "Khi VQGMCM trở thành khu Ramsar, ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là bảo vệ rừng, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng sống trong khu vực bảo tồn; tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà khoa học trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu, bảo đảm cho sự phát triển bền vững".

Theo Cục Bảo tồn và đa dạng sinh học Việt Nam, Ramsar là công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý ở các vùng đất ngập nước, với mục đích công nhận các chức năng sinh thái học nền tảng của các vùng đất ngập nước và các giá trị giải trí, khoa học, văn hóa và kinh tế. Khi đã trở thành khu Ramsar, VQGMCM sẽ là điểm đến của nhiều nhà khoa học cũng như khách du lịch trong và ngoài nước. Ông Trần Quốc Tuấn chia sẻ: "Diện tích VQGMCM quá rộng, đời sống dân cư trong khu vực còn nhiều khó khăn. Do vậy, để giữ đúng Công ước quốc tế về Ramsar, bảo vệ hệ sinh thái vùng đất không bị thay đổi hoặc bị tác động của con người làm đảo lộn, thì ưu tiên hàng đầu vẫn là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân đi kèm với bài toán an sinh xã hội".

Gần 4 năm về trước, VQGMCM được UNESCO chính thức công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Và trước khi đón bằng công nhận là khu Ramsar mới của thế giới, diễn đàn "Bảo tồn Thiên nhiên và Văn hóa vì sự Phát triển bền vững ở ĐBSCL" cũng được tổ chức tại tỉnh Cà Mau. Hàng trăm đại biểu trong nước và quốc tế đã cùng thảo luận về giá trị và tầm quan trọng của việc duy trì các hệ sinh thái tại ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Tại diễn đàn ấy, một số chuyên gia về môi trường cho rằng, việc phục hồi và duy trì các hệ sinh thái đòi hỏi phải có những chính sách đồng bộ của các địa phương, đặc biệt là những chính sách liên quan đến quản lý tài nguyên thiên nhiên nhằm đảm bảo sinh kế lâu dài cho những người sống phụ thuộc vào thiên nhiên. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng nhằm giảm thiểu những tác động phương hại đến "sức khỏe" của các hệ sinh thái; các cơ chế và công cụ phục vụ cho công tác chi trả cho dịch vụ hệ sinh thái nên được áp dụng đại trà.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - Lê Dũng, những người sống gần như phụ thuộc vào thiên nhiên khi chia sẻ lợi ích với cộng đồng nên được đối đãi tử tế hơn, được hưởng lợi nhiều hơn thông qua cơ chế chi trả cho dịch vụ hệ sinh thái. Nên coi đó là một nét văn hóa nhằm bảo tồn thiên nhiên bền vững về lâu về dài. "Một khi chúng ta nâng cao được chất lượng cuộc sống cho những người sống phụ thuộc vào thiên nhiên thì chúng ta sẽ khuyến khích được bà con tự nguyện tham gia các hoạt động bảo tồn thiên nhiên. Khi ấy, chính họ sẽ là người quản lý tài nguyên của mình một cách hiệu quả và bền vững nhất vì nó gắn liền với đời sống của họ" - ông Lê Dũng nói.

HỮU TÙNG

Chia sẻ bài viết