19/06/2008 - 08:18

Bảo tồn và phát triển dược liệu vùng Bảy Núi

Với diện tích rừng, núi rộng lớn, khu vực Bảy Núi, tỉnh An Giang từ lâu đã trở thành huyền thoại với các loài thảo dược cứu người. Nhưng theo thời gian, cách khai thác vô tội vạ của con người đã làm cho nguồn thuốc quý này ngày một cạn kiệt. Tỉnh An Giang đang thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy những giá trị từ nguồn cây dược liệu này.

* TIỀM NĂNG

Rừng ở khu vực Bảy Núi thuộc địa bàn 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang). Nơi đây có diện tích rừng khoảng 21.000 ha với khoảng 815 loài thực vật khác nhau được phân bổ rộng khắp. Trong số này, có 20 loài cây cho gỗ quý hiếm và rất nhiều trong số hàng trăm loài tiểu mộc, dây leo được xem là có vị thuốc được khai thác sử dụng làm dược liệu.

Theo Sở Khoa học – Công nghệ An Giang, hiện nay khu vực Bảy Núi có 680 loài cây có thể sử dụng khai thác làm dược liệu. Cây thuốc Bảy Núi từ lâu đã được phổ biến rộng rãi không chỉ tại An Giang mà còn lan ra các tỉnh lân cận và được bán sang Campuchia và Thái Lan. với nguồn thảo dược dồi dào cùng kinh nghiệm sử dụng phong phú, các lương y tại đây đã đúc kết được nhiều bài thuốc tâm đắc để trị bệnh cứu người. Tuy nhiên, áp lực về nhu cầu đời sống trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay đã và đang ảnh hưởng lớn đến nguồn tài nguyên này. Nhất là nhu cầu về cây thuốc chữa bệnh khiến cho những loài dược liệu quý bị đào bới, khai thác cạn kiệt. Nhiều loài có nguy cơ tiệt chủng nếu không có giải pháp quy hoạch, bảo tồn.

Thạc sĩ Trần Văn Mì, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tri Tôn, cho biết: “Cây dược liệu đã có lâu đời tại Bảy Núi và được sử dụng chữa bệnh, do đó phải nhanh chóng có các giải pháp bảo tồn. Nếu không, chỉ khoảng 1 – 2 thế hệ nữa nguồn dược liệu này mất đi sẽ là một điều đáng tiếc. Tuy nhiên, giải pháp bảo tồn phải như thế nào? Trước đây, chúng ta động viên bà con giữ rừng, trồng rừng nhưng phải mất hàng chục năm mới có thu hoạch. Vậy giai đoạn này người dân sống như thế nào? Do đó, đưa cây dược liệu xuống dưới tán rừng là hợp lý, góp phần bảo tồn dược liệu và giữ được rừng”.

* TRIỂN VỌNG BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN

Trước nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên này, nhiều người dân địa phương bắt đầu chú ý đến việc trồng, giữ gìn và cả việc làm kinh tế từ nguồn dược liệu quý của vùng Bảy Núi. Ông Nguyễn Hoàng Tư, ở thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, cho biết: “Tôi đã trồng xen dược liệu dưới vườn cây ăn trái 5 năm nay rất hiệu quả. Các loại cây dược liệu này phát triển tốt. Chỉ hơn 20 loài trên diện tích 8 công nhưng cho thu nhập hàng năm gần 60 triệu đồng”.

Nhưng nói về bảo tồn thảo dược Bảy Núi thời gian qua thì có lẽ khó ai qua được ông Nguyễn Thiện Chung, ở thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên. Những năm qua, ông Chung đã dày công sưu tầm, chăm bón để trong vườn thuốc hơn 3 ha của gia đình đã có hơn 100 loài thảo dược có nguồn gốc từ những khu rừng Bảy Núi. Trong đó, có nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng như: bí kỳ nam, ngải tượng, ngải móng trâu, cây tê... Ông Chung cho biết: “Hiện nay, khắp nơi người ta đổ về khai thác dược liệu vùng Bảy Núi. Những người này đã đến đào bới lung tung, tận diệt không tha bất cứ loài nào, khu vực nào. Việc tận thu, tận diệt thảo dược đã khiến nhiều loài có giá trị kinh tế, y học và nguồn gien quý hiếm có nguy cơ tiệt chủng. Chỉ vài năm trở lại đây đã có 15 loài sưu tầm nhưng không thấy bóng dáng tại các khu rừng Bảy Núi. Do đó bảo tồn phải đi đôi với lợi ích kinh tế. Với khu vườn này, hàng năm tôi thu về hơn 100 triệu đồng mà các giống dược thảo ngày một nhiều thêm chứ không mất đi”.

Các loại cây dược liệu trồng xen trong vườn cây ăn trái ở vùng Bảy Núi (An Giang) cho hiệu quả kinh tế cao. 

Việc nguồn thảo dược Bảy Núi bị khai thác theo kiểu tận diệt đã được nói từ lâu nhưng để có giải pháp thật sự mang lại hiệu quả thì vẫn còn nan giải. Trước đây, đã có nhiều ý kiến cho rằng chỉ cần giữ được rừng sẽ giữ được nguồn thảo dược. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn trái ngược. Những cánh rừng Bảy Núi với nguồn thảo dược phong phú đang mất dần. Đã đến lúc người ta phải tìm giải pháp dung hòa giữa bảo tồn và kinh tế. Trước thực trạng nguồn dược liệu quý ngày một mất dần, tỉnh An Giang đã đầu tư 2,7 tỉ đồng để hỗ trợ triển khai dự án sưu tầm, bảo vệ và sản xuất phát triển nguồn dược liệu quý tại vùng Bảy Núi, thuộc địa bàn 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Dự án nhằm hỗ trợ người dân sưu tầm và trồng các loại thảo dược quý trên các vùng đất triền núi và đất bỏ hoang, tăng thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào Khmer.

Một tín hiệu vui cho việc bảo tồn cây dược liệu vùng Bảy Núi là đã có nhiều doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm bắt đầu chú ý và đầu tư vào lĩnh vực này. Thạc sĩ Trần Văn Mì, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn, cho biết: “Công ty Domesco Đồng Tháp đã đề nghị địa phương hợp tác triển khai trồng 155 loài dược liệu có tại Bảy Núi. Trước mắt, địa phương chọn 11 loài phù hợp là gấc, nghệ, rừng, đinh hương, đinh lăng, hà thủ ô trắng, hà thủ ô đỏ, hương phụ,... Theo hợp đồng đã ký, Domesco sẽ đầu tư cây giống, mua sản phẩm. Bà con nơi đây rất phấn khởi nên đã có 220 hộ trong huyện đăng ký trồng cây dưới tán rừng, vườn cây ăn trái với diện tích 200 ha. Trước mắt, sẽ trồng 2 loài là hoắc hương và trúc. Sau đó sẽ nhân rộng ra và tương lai phát triển thành nghề - một nghề thực thụ tại khu vực này”.

Với tiềm năng hiện có và nhiều giải pháp được đưa ra, trong tương lai không xa nguồn dược liệu quý sẽ là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân nghèo tại vùng Bảy Núi. Và xa hơn nữa nguồn gien quý từ các cây dược liệu được bảo tồn, hứa hẹn những cánh rừng Bảy Núi sẽ được phủ mãi màu xanh.

Bài, ảnh: BÌNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết