13/08/2017 - 15:43

Bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết Khmer ở ĐBSCL
Bài cuối: Khởi sắc dạy và học chữ Pali 

Việc dạy và học chữ Pali có ý nghĩa rất quan trọng trong bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer ở ĐBSCL bởi kinh và giáo lý Phật giáo Khmer đều dùng chữ Pali. Nhiều năm nay, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở ĐBSCL thường xuyên mở các lớp dạy Pali sơ cấp, tạo nguồn cho việc đào tạo Pali trung cấp, cử nhân Phật học. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện chế độ chính sách đối với các trường trung cấp Pali cũng như việc đầu tư xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông là cơ sở để việc dạy và học chữ Pali ngày càng phát triển vững chắc, sâu rộng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Lê Văn Tâm cùng các vị Hòa thượng đặt viên đá xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer. Ảnh: THÀNH PHÚ

Nền tảng

TP Cần Thơ hiện có 12 chùa Phật giáo Nam tông Khmer ở các quận huyện với hơn 130 sư tu hành. Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước (ĐKSSYN) TP Cần Thơ rất quan tâm đến việc dạy và học chữ Pali cho các vị sư sãi. Đầu năm 2017, Hội tổ chức lớp sơ cấp Pali năm I, thời gian học tập là 9 tháng, tại  chùa Settodor, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ. Bước đầu, lớp chiêu sinh được 20 tăng sinh từ các quận, huyện có đông đồng bào dân tộc: Ô Môn, Thới Lai, Cờ Đỏ. Tăng sinh Thạch Phô, chùa Poothisomron, quận Ô Môn, vui mừng nói: “Do điều kiện cá nhân khó khăn nên sư không đến trường Pali ở các tỉnh khác học. Nay có lớp sơ cấp Pali mở ngay tại chỗ nên sư và nhiều sư trẻ khác rất thuận lợi để theo học. Tất cả nhu cầu ăn ở, sinh hoạt đều được chùa Settodor hỗ trợ, các sư rất an tâm học tập”. Chất lượng đội ngũ giảng sư là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy tiếng Pali. Hiện nay, đội ngũ giảng sư gồm 7 vị, đều là các vị có chuyên môn và nhiều năm kinh nghiệm. Sắp tới Hội ĐKSSYN TP Cần Thơ sẽ tổ chức các lớp sơ cấp Pali năm thứ II, thứ III qua đó khôi phục hoàn toàn việc dạy và học sơ cấp Pali trên địa bàn.

Theo Hòa thượng Tăng Nô, Phó Hội trưởng Hội ĐKSSYN tỉnh Sóc Trăng, việc mở lớp dạy Pali sơ cấp ở các chùa nhằm duy trì Phật pháp và bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc. Bình quân hằng năm, có khoảng 300 tăng sinh theo học Pali sơ cấp ở các chùa trong tỉnh và lớp học kéo dài 10 tháng/năm. Kết thúc năm học, Hội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức thi và cấp giấy chứng nhận cho tăng sinh. Từ nhiều năm nay, chùa Sê Rây Tà Mơn, xã Viên Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, tổ chức dạy Pali sơ cấp từ lớp 1 đến 3, thu hút nhiều tăng sinh đến học. Thượng tọa Trần Văn Tha, Trụ trì chùa Sê Rây Tà Mơn, cho biết, bình quân mỗi năm, chùa có từ 50 đến 80 tăng sinh ở các chùa khác trong và ngoài tỉnh đến học. Để tạo điều kiện cho sư tu học, chùa cũng đã vận động Phật tử xây dựng 3 phòng học và 32 phòng ký túc xá. Đặc biệt, tăng sinh đến chùa học không tốn học phí, được nhà chùa hỗ trợ ăn, nghỉ. Để tạo nguồn giảng viên, chùa đã đưa 6 vị sư đi du học. Ông Lý Minh Tâm đang dạy Pali tại chùa, cho biết: “Tôi đã học Pali sơ cấp ở chùa 3 năm. Tốt nghiệp Pali Roong, tôi được sư trụ trì đưa sang Thái Lan học Pali cao hơn. Sau 3 năm, tôi đã quay về dạy Pali cho các sư được 2 năm nay”.

Tại các tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, như: Trà Vinh, Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang… chuyện học chữ Pali sơ cấp được các chùa Phật giáo Nam tông Khmer tổ chức khá chu đáo. Sau khi có được kiến thức sơ cấp Pali cơ bản, các sư có thể tham gia học chữ Pali trình độ cao hơn tại các trường do Nhà nước đầu tư xây dựng.

Tạo đà cho sự phát triển

Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ được thành lập từ năm 1993, đặt tại tỉnh Sóc Trăng. Trường được Bộ GD-ĐT đầu tư xây mới vào năm 2004,  với tổng kinh phí trên 28 tỉ đồng. Tất cả tăng sinh đến học trong trường đều được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước. Thầy giáo Thạch Rích, Phó Hiệu trưởng Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ, cho biết: “Đến nay, trường đã đào tạo được 24 khóa, tiếp nhận hơn 1.000 học viên, từ lớp 6 đến 12. Hằng năm, trường thông báo tuyển sinh đầu vào là 70 học viên (lớp 6 và 10). Riêng năm nay, tỉnh cho 71 chỉ tiêu, với tiêu chuẩn là phải tốt nghiệp Pali sơ cấp. Các học viên khi được xét tuyển vào học trong trường đều được hưởng chế độ theo chính sách của Đảng, Nhà nước như học sinh dân tộc nội trú. Khi học viên tốt nghiệp được cấp các văn bằng lớp 12, trung cấp Pali, giấy chứng nhận lớp 12 tiếng Khmer…”.

Tăng sinh Danh Tài đến từ tỉnh Kiên Giang, học lớp 12 của Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ, chia sẻ: “Sư đã theo học từ năm 2012 đến nay, đều được hưởng đầy đủ chế độ chính sách của Nhà nước, như: học bổng hằng tháng, nghỉ ở ký túc xá, ăn cơm ở nhà ăn tập thể do trường lo và còn được hỗ trợ dụng cụ học tập, học giỏi có học bổng... Ngôi trường này giúp sư tiếp tục thực hiện ước mơ đến trường dở dang vì lúc nhỏ gia đình khó khăn”.

Lớp dạy sơ cấp Pali tại Sóc Trăng. Ảnh: LÝ THEN

Trường Trung cấp Pali- Khmer tỉnh Trà Vinh được thành lập và tổ chức khai giảng khóa học đầu tiên vào tháng 8-2014. Trường được đặt tại chùa Bodhisalaraja (chùa Kompong), phường 1, thành phố Trà Vinh. Trường dạy và học những môn văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT và chương trình tiếng Pali, Ngữ văn Khmer do Bộ GD-ĐT ban hành. Theo ông Lâm Sa Ron, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Pali- Khmer, trường không chỉ là nơi để tăng sinh, học sinh Khmer học tập, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn là nơi tạo nguồn cán bộ Khmer chất lượng sau này.

Vừa qua, tại Trường Bổ túc Văn hóa Trung cấp Pali Nam Bộ, Ban Biên soạn chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Pali của tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức thẩm định chương trình khung đào tạo dạy tiếng Pali gồm các môn: phương pháp dịch Pali, từ và câu trong Pali, phân tích cú pháp Pali, ngữ pháp Pali, dịch kinh 38 điều hạnh phúc, văn học dân gian, ngữ pháp Khmer… Đồng thời, Hội đồng cũng đã tiến hành thẩm định khung chương trình đào tạo Pali sơ cấp để thống nhất chương trình đào tạo Pali sơ cấp tại các chùa Khmer trong tỉnh. Chương trình gồm các môn học: Chính tả Khmer 1, 2, 3; Ngữ pháp Khmer 1, 2, 3; Lịch sử Đức Phật 1, 2, 3; Giáo lý 1, 2, 3; Ngữ pháp Pali 1, 2, 3 và Kinh pháp cú 1, 2, 3.  Chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Pali giai đoạn 2016-2018 đã được UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt với tổng kinh phí đào tạo trên 988 triệu đồng.

Học viện Phật giáo Nam tông Khmer thành lập từ năm 2006, đến năm 2017 đã đào tạo 5 khóa tăng sinh, qua đó cung cấp cho cả vùng đội ngũ sư sãi trí thức có trình độ cao, được đào tạo bài bản, chính quy. Tháng 3-2017, UBND TP Cần Thơ đã tiến hành bàn giao 1,808m2 đất tại khu vực 12, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn cho Học viện sử dụng với mục đích đất cơ sở tôn giáo, thời hạn sử dụng đất lâu dài. Khi khởi công xây dựng 5 hạng mục đầu tiên, Học viện đã quyên được hơn 17 tỉ đồng tiền mặt và nhiều hiện vật như bàn ghế, vật liệu xây dựng. Ban Tôn giáo Chính phủ, các cơ quan Trung ương và địa phương đã hỗ trợ hơn 10 tỉ đồng. Ông Lê Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, Trưởng Ban Hỗ trợ xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Học viện Phật giáo Nam tông Khmer là trường đầu tiên đào tạo bậc cử nhân Phật học hệ phái Nam tông Khmer, đã đáp ứng nguyện vọng tha thiết của sư sãi và đồng bào Khmer. Đây cũng là sự nỗ lực của Hội đồng điều hành học viện trong 10 năm qua. Đồng thời, hy vọng cơ sở vật chất Học viện sớm hoàn thành để tạo điều kiện thuận lợi cho tăng sinh Phật giáo Nam tông Khmer có nơi tu học theo truyền thống; sớm đưa học viện trở thành môi trường giáo dục Phật học mang tầm khu vực và quốc tế”.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Chia sẻ bài viết