13/07/2017 - 17:48

Bảo tồn và phát huy Đờn ca tài tử ở Bạc Liêu

Bạc Liêu được coi là cái nôi của vọng cổ, đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ. Đầu năm 2014, Bạc Liêu được chọn đăng cai Festival ĐCTT Việt Nam lần đầu tiên. Để chuẩn bị cho sự kiện này, nhiều năm qua Bạc Liêu đã làm tốt công tác bảo tồn và phát huy ĐCTT, tạo phong trào sinh hoạt văn hóa, văn hóa nghệ sâu rộng trong nhân dân để xứng danh "xứ sở đờn ca".

Chúng tôi có dịp tham dự lớp tập huấn cộng đồng "Hát bài "Dạ cổ hoài lang" (bản chuẩn) và ca vọng cổ" do Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu tổ chức. Lớp học truyền dạy lại phần lời ca, điệu thức của bài "Dạ cổ hoài lang" - tiền thân bài Vọng cổ sau này - đã được ngành văn hóa Bạc Liêu công nhận là bản chuẩn nhất, theo nguyên tác của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu cùng với cách ca 6 câu vọng cổ nhịp 32. Dù lớp học theo hình thức tự nguyện, cá nhân tham gia phải góp thêm chi phí nhưng thu hút đến khoảng 180 học viên. Họ là nông dân, người buôn bán nhưng cũng có rất đông công nhân viên chức, cán bộ hưu trí, người có địa vị trong xã hội; có người đã hơn 80 tuổi nhưng có người mới 14, 15 tuổi… cùng ngồi chung trong hội trường, nhịp theo tiếng song lang, hòa theo tiếng ca của giảng viên. Anh Võ Văn Cường, khăn gói từ huyện Hồng Dân, cách trung tâm tỉnh Bạc Liêu gần 70 km, để tham gia lớp học, cho biết: "Tôi mê ca vọng cổ từ nhỏ nhưng chỉ là học lóm các anh các chú, nghe người ta ca sao thì bắt chước ca vậy chứ đâu biết nhịp nhàng gì đâu. Lớp học này giúp tôi hiểu rõ về cách lấy hơi, giữ nhịp, ca cũng tự tin hơn".

Phong trào ĐCTT ở Bạc Liêu đang phát triển khá mạnh với 200 CLB. Ảnh: PHAN THANH CƯỜNG

Cùng với thành công của lớp này, Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu cũng đã tổ chức lớp tập huấn cộng đồng "Tập hát các bài bản trong ĐCTT" cho gần 150 học viên. Do thời gian chỉ 10 buổi, không thể truyền dạy hết "3 Nam, 6 Bắc, 7 Cò, 4 Oán" nên ban tổ chức đã chọn những bài bản thông dụng, quen thuộc.

Có thể nói, qua 2 lớp đã tổ chức, số học viên tham dự đông ngoài mong đợi của Trung tâm văn hóa tỉnh Bạc Liêu. Mỗi học viên chỉ phải đóng 120 ngàn đồng/khóa học, dùng để bồi dưỡng cho giảng viên, photo lại tài liệu và một đĩa CD có phần trình diễn chuẩn của những bài bản đã được học, tặng cho học viên để ôn luyện thường xuyên tại nhà. Dù số học viên khá đông nhưng khi học, ai cũng được hát cho mọi người nghe và cùng nhau nhận xét, rút kinh nghiệm. Ông Vưu Long Vĩ, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu, cho biết: "Các lớp học đã giúp các học viên có cái nhìn khác về ĐCTT, vọng cổ. Không phải cứ yêu thích, ca đại là được bởi sẽ làm sai lệch bản chất vốn có của các bài bản. Phải hiểu, nắm vững nhịp nhàng thì ca bài vọng cổ, bài bản tài tử mới hay được".

* * *

Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu - ông Vưu Long Vĩ cũng cho biết thêm, phong trào ĐCTT ở Bạc Liêu đang phát triển khá mạnh từ nông thôn đến thành thị, hầu như mỗi ấp, khóm đều có từ một đến vài ba CLB ĐCTT. Tính đến nay, toàn tỉnh có 227 CLB ĐCTT, có 55 CLB được Nhà nước hỗ trợ trang thiết bị, dụng cụ sinh hoạt, với tổng số 2.143 thành viên: 475 nghệ nhân đờn và 1.668 nghệ nhân ca. Trong đó, huyện Đông Hải chiếm số lượng nhiều nhất với 61 CLB, 476 thành viên, trong đó có 341 nghệ nhân ca và 135 nghệ nhân đờn. Các huyện khác như: Phước Long, Vĩnh Lợi, Giá Rai… cũng có số CLB khá đông, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân ở các địa phương, nhất là vùng nông thôn.

Nhằm đưa ĐCTT phát triển sâu rộng trong nhân dân, đều đặn hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu và các huyện, thành phố tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử giữa các câu lạc bộ trong tỉnh và duy trì giao lưu Đờn ca tài tử giữa 3 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau, với một số tỉnh trong khu vực Tây Nam bộ. Các ngành chức năng, đoàn thể còn tổ chức nhiều hội thi, cuộc thi tìm hiểu kiến thức về ĐCTT bên cạnh kỹ thuật ca diễn cho lực lượng học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên. Trong các cuộc thi, nhiều điểm sáng ấn tượng như: cả gia đình cùng mê ĐCTT, thí sinh mới 12, 13 tuổi hát bài bản tài tử khá tốt hay nhóm sinh viên của Trường Đại học Bạc Liêu lại trải lòng với ĐCTT bằng những tiết mục sâu lắng…

Mới đây, trong buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bà Lê Thị Ái Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: tỉnh đang triển khai nước rút xây dựng một số công trình trọng điểm để kịp phục vụ Festival như: Dự án mở rộng Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Dự án Quảng trường Hùng Vương tại khu hành chính của tỉnh gồm các hạng mục: cây đàn kìm - biểu tượng tỉnh Bạc Liêu, biểu tượng ba dân tộc anh em: Kinh - Hoa - Khmer…, cụm 3 công trình: Nhà thi đấu đa năng với sức chứa 2.500 chỗ ngồi - Dự án Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu với mô hình 3 chiếc nón lá sát nhau... Đây không chỉ là công trình phục vụ Festival ĐCTT lần đầu tiên của Việt Nam mà quan trọng hơn là sẽ tạo điều kiện phát triển phong trào ĐCTT ở Bạc Liêu trong thời gian tới.

* * *

Tỉnh ủy Bạc Liêu đã xác định quan điểm chỉ đạo đối với sự phát triển của tỉnh Bạc Liêu trong hiện tại và tương lai là "Bạc Liêu đi lên từ văn hóa". Việc giữ gìn và phát huy ĐCTT - loại hình âm nhạc dân tộc độc đáo của Nam bộ cũng là cách để Bạc Liêu tạo"thương hiệu" văn hóa đặc trưng, hòa cùng dòng chảy văn hóa nghệ thuật dân tộc trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

ĐĂNG HUỲNH

 

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Bạc Liêu