23/06/2015 - 21:31

Bảo tàng TP Cần Thơ tạo sức sống cho di sản

Là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong công tác sưu tầm và bảo tồn các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể; cũng như bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn TP Cần Thơ; trong 5 năm qua Bảo tàng thành phố đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo để các giá trị văn hóa truyền thống phát huy sức sống mạnh mẽ trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân. Nhiều sự kiện, hoạt động của Bảo tàng đã trở thành điểm nhấn trong việc tạo vị thế trung tâm về văn hóa khu vực ĐBSCL cho TP Cần Thơ.

 Phố ông đồ tại chương trình “Sắc xuân miệt vườn 2015” do Bảo tàng TP Cần Thơ tổ chức.

Sau thời gian phát huy các hoạt động tại chỗ nhờ được đầu tư xây dựng nhà Bảo tàng hoàn chỉnh tại địa chỉ số 1 Hòa Bình, Ban Giám đốc Bảo tàng TP Cần Thơ nghĩ đến việc chủ động tạo "đôi chân" cho di sản. Và điểm đến quan trọng nhất được xác định là các trường học với mục tiêu tạo tình yêu di sản trong giới trẻ. Năm 2007, những buổi sinh hoạt về di sản đầu tiên được Bảo tàng TP Cần thơ phối hợp với một số trường học trên địa bàn quận Ninh Kiều tổ chức. Tuy nhiên, lúc đó chỉ mới là những bài thuyết minh ngắn về các nhân vật hoặc di tích lịch sử được đọc trong những buổi sinh hoạt dưới cờ của các trường học.

"Dần dần chúng tôi xác định thêm một công tác quan trọng của Bảo tàng là giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường, nên không ngừng phát triển nội dung, hình thức các buổi sinh hoạt về di sản, cũng như thuyết phục và mở rộng các trường học tham gia công tác này", bà Huỳnh Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Bảo tàng TP Cần Thơ, cho biết. Trong giai đoạn 2010-2014, chương trình này đã được tổ chức 515 lần ở các trường học, với 581.388 lượt giáo viên và học sinh tham gia. Từ ban đầu chỉ có hơn 10 trường tham gia mỗi năm, chủ yếu thuộc quận Ninh Kiều và Bình Thủy; đến nay con số này lên đến hơn 30 trường, ở hầu hết các quận huyện của TP Cần Thơ. Nội dung sinh hoạt cũng không còn là cung cấp thông tin một chiều từ phía các thuyết minh viên, mà chú trọng tạo không gian cho học sinh chủ động tìm hiểu về di sản qua các chương trình đố vui, lồng ghép trong các tiết học lịch sử hoặc giáo dục công dân, tổ chức cho học sinh tham quan các di tích lịch sử văn hóa, các làng nghề truyền thống… Bảo tàng thành phố đã xây dựng và định hình được các khung chương trình với nội dung phong phú để các trường tham gia chọn lựa cho phù hợp với điều kiện riêng: "Vui hè học sử", "Vui học sử Việt", "Tuổi trẻ học đường hướng về biển đảo", "Học cùng nghệ nhân", "Hành trình về nguồn", "Em học em vui"… Các chương trình này cũng gắn liền với các sự kiện thời sự và những vấn đề trọng đại của đất nước, tiêu biểu như các chương trình hướng về biển Đông bắt đầu từ năm 2013, với các triển lãm ảnh, trưng bày tư liệu khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, từ đó tạo phong trào góp đá xây dựng biển đảo quê hương sôi nổi trong học sinh thành phố Cần Thơ.

Một sáng kiến quan trọng khác của Bảo tàng TP Cần Thơ là tập hợp và tổ chức những buổi trình diễn nghệ thuật, nghề và ẩm thực truyền thống "Sắc xuân miệt vườn", bắt đầu từ năm 2009 và đến nay đã trở thành một trong những sự kiện văn hóa mang đậm dấu ấn văn minh sông nước, miệt vườn, thu hút đông đảo du khách gần xa đến với Cần Thơ dịp Tết mỗi năm. Ý tưởng tổ chức "Sắc xuân miệt vườn" nảy sinh trong quá trình xây dựng không gian Tết tại gian trưng bày văn hóa Việt bên trong bảo tàng nhằm tái hiện một góc Tết quê xưa. Đến nay, đã trở thành sự kiện kéo dài nhiều ngày, tại không gian phía trước Bảo tàng thành phố, với sự tham gia của hơn 40 nghệ nhân ẩm thực, nghề truyền thống và văn nghệ dân gian của các dân tộc Kinh - Hoa - Khmer - Chăm đến từ khắp ĐBSCL. Giai đoạn 2010-2014, "Sắc xuân miệt vườn" có thêm "Phố ông đồ" mở cửa từ khoảng 20 tháng Chạp đến cận Tết với hàng chục gian hàng của các nghệ nhân thư pháp, tranh dân gian... "Sắc xuân miệt vườn" trở thành một sự kiện quan trọng trong đời sống tinh thần của người Cần Thơ, giúp các nghệ nhân bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại không gian sống ở địa phương, còn du khách được trải nghiệm không gian miệt vườn đầm ấm trù phú. Cũng từ ý tưởng tôn vinh văn hóa truyền thống và thành công trong việc tập hợp, tôn vinh các nghệ nhân dân gian của "Sắc xuân miệt vườn", mà sau đó TP Cần Thơ có thêm nhiều sự kiện theo định hướng này, tiêu biểu như Ngày hội bánh dân gian Nam bộ.

Bên cạnh những sáng tạo đưa di sản tiếp cận đời sống hiện đại, Bảo tàng Cần Thơ là đơn vị năng động trong công tác thường xuyên. 5 năm qua đơn vị đã phối hợp với các Bảo tàng bạn và các nhà sưu tập tư nhân tổ chức 22 chuyên đề, triển lãm 24 bộ ảnh về văn hóa lịch sử đất nước con người Cần Thơ và cả nước. Các chuyên đề này không chỉ được tổ chức tại chỗ mà còn luân chuyển đến các quận huyện, trường học. Để không ngừng bổ sung, làm phong phú cho sưu tầm tại chỗ, bảo tàng đã tổ chức nghiên cứu, khảo sát và sưu tầm 1.477 hiện vật mới, thực hiện thêm 3 dự án bảo tồn văn hóa phi vật thể là "Lẩu mắm Cần Thơ", "Nhạc lễ Triều Châu ở Thiên Hòa Miếu", "Lễ tống phong của người Việt TP Cần Thơ", đặc biệt có đề tài khoa học cấp thành phố "Nghiên cứu thăm dò khai quật di chỉ khảo cổ học Nhơn Thành", thực hiện hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng cho 2 di tích cấp quốc gia và 6 di tích cấp thành phố...

Những thành quả trên đến từ lao động nghiêm túc, nhiệt tình và không ngừng sáng tạo của tập thể cán bộ nhân viên Bảo tàng TP Cần Thơ. Trong giai đoạn 2010-2014, đơn vị được tặng thưởng Cờ thi đua, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của UBND thành phố.

Bài, ảnh: Xuân Viên

Chia sẻ bài viết