15/09/2017 - 21:54

Bão số 10 gây thiệt hại nặng các tỉnh miền Trung 

Thông tin từ Thông tấn xã Việt Nam, trong ngày 15-9 bão số 10 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung đã làm tốc mái hàng chục ngàn căn nhà dân, gây ngập lụt trên diện rộng, sạt lở đê biển,… ở  nhiều tỉnh. Các lực lượng công an, quân sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức các phương án chống bão nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và bảo vệ tài sản của nhân dân, giảm thiểu thiệt hại do cơn bão gây ra.

Cột phát sóng Đài Truyền hình - Truyền thanh thị xã Kỳ Anh  (tỉnh Hà Tĩnh) cao gần 100m bị bão quật đổ. Ảnh: TTXVN

Thống kê ban đầu tại Hà Tĩnh, bão số 10 đổ bộ với sức gió cấp 11, 12 giật trên cấp 12 kèm theo mưa lớn đã gây nhiều thiệt hại cho thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh - địa phương ở gần tâm bão. Tại huyện Kỳ Anh, hơn 23.000 nhà dân bị tốc mái, 9 thôn bị ngập. Còn tại thị xã Kỳ Anh, ông Phan Duy Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết: thống kê chưa đầy đủ nhưng tại đây đã có 80% nhà dân các xã ven biển và các trường học, trạm y tế các xã, phường đã bị tốc mái và hư hỏng... Hầu hết các địa phương trong tỉnh Hà Tĩnh đều bị mất điện lưới... Tỉnh Hà Tĩnh đã huy động 11.979 cán bộ chiến sĩ và 30 ô tô các loại, 3 ca nô của các lực lượng vũ trang giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, di dời dân.

Nước ngập sâu ở Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên).  Ảnh: Hà Tĩnh Online

Chiều 15-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã đi kiểm tra tình hình mưa bão, công tác ứng phó hoàn lưu sau bão và khắc phục hậu quả ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Trước mắt cần tập trung thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại và ưu tiên hỗ trợ thuốc men, lương thực để người dân ổn định cuộc sống, sớm khôi phục hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh và sản xuất. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tỉnh Hà Tĩnh chủ động theo dõi sát diễn biến hoàn lưu sau bão để tiếp tục sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, vùng nguy hiểm.

Tại Thừa Thiên - Huế, thống kê đến 16 giờ, toàn tỉnh có 1 nhà bị sập, 608 nhà bị tốc mái và hư hại do lốc xoáy cục bộ. Các lực lượng quân đội, công an, biên phòng đã khẩn trương phối hợp dân quân địa phương và các gia đình tập trung khắc phục bước đầu 12 ngôi nhà chính và 5 nhà phụ để dân có chỗ trú tránh mưa bão.

Trên tuyến bờ biển, tình hình sạt lở xảy ra nghiêm trọng do sóng biển và triều cường dâng cao. Tuyến đường cao tốc La Sơn - Túy Loan bị sạt lở ảnh hưởng đến nhà ở và vùi lấp vườn của 12 hộ dân ở thị trấn Khe Tre. Đến trưa 15-9 đã có 410 hộ với 1.424 khẩu ở vùng sạt lở phải di dời đến nơi an toàn.

Để sẵn sàng đón lũ sau hoàn lưu của bão số 10, các đơn vị quản lý các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang vận hành liên hồ chứa để xả lũ, tránh gây ngập lụt cho hạ lưu sông Hương. Các lực lượng chuẩn bị mọi phương tiện ứng trực 24/24 để phòng chống bão lũ.

Tính đến 15 giờ ngày 15-9, khi bão đổ bộ trên đất liền, ven biển Quảng Bình có gió mạnh cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12,  giật cấp 14 – 15. Toàn tỉnh đã di dời 11.110 hộ với 33.541 nhân khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đã có 1 người chết và 6 người bị thương; 13 căn nhà sập, 49.155 căn nhà bị tốc mái, 1.500 ngôi nhà bị ngập, hơn 1.000 ha cao su bị gãy đổ… Ước tính ban đầu thiệt hại do bão số 10 gây ra ở Quảng Bình gần 1.800 tỉ đồng.

Vào hồi 9 giờ, một thuyền viên trên tàu mang số hiệu KG - 9262TS là anh Chế Văn Giang (sinh năm 1995, ngụ tại tỉnh Kiên Giang) đang đứng bên mạn tàu tại khu vực tránh trú bão tại huyện Hải Hậu đã bị sóng to hất văng xuống biển mất tích. Đến 16 giờ các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm thấy nạn nhân. Việc tìm kiếm vẫn đang được thực hiện.

Tại tỉnh Thanh Hóa, theo dự báo, bão số 10 đi vào đất liền gây mưa lớn. Một số đầm nuôi tôm của người dân ven biển các xã Hoằng Thanh, Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa) đã bị mất trắng hoàn toàn do nước biển dâng cao đột ngột. Toàn tỉnh Thanh Hóa cũng tập trung lực lượng thu hoạch lúa mùa từ ngày 14 đến cuối ngày 15 đạt 40.000/128.000 ha lúa. Tỉnh đang tập trung đảm bảo an toàn cho người dân ở ven sông, ven biển, miền núi, vùng dễ bị sạt lở. Các địa phương sẵn sàng triển khai các phương án sơ tán dân ở khu vực nguy hiểm; dân sinh sống ở khu vực ven biển cách mép nước 200m khi có lệnh.

Tại Quảng Ninh, do sóng to, gió lớn, có 3 tàu bị chìm. Khoảng 9 giờ, tại khu vực cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh), một tàu xi măng lưới thép đang sửa chữa máy cho các phương tiện đã bị chìm trong khi neo đậu. Thời điểm xảy ra vụ việc, có 7 thuyền viên trên tàu, đều được lực lượng cứu hộ cứu nạn kịp thời đưa vào bờ an toàn. Chủ tàu cho biết, ước tính thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Khoảng 10 giờ cùng ngày, một tàu du lịch trên đường đến âu tàu Ba Lan (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) tránh trú, đi qua khu vực cảng Cái Lân đã bị chìm, thời điểm xảy ra vụ việc trên tàu có 3 thuyền viên đã được lực lượng cứu hộ, cứu nạn đưa vào bờ an toàn. Ngoài ra, một tàu câu mực bị chìm ở nơi neo đậu tại âu tàu số 2 ở xã Thanh Lân, huyện đảo Cô Tô, không có thiệt hại về người.

TTXVN

Chia sẻ bài viết