31/03/2010 - 21:37

Bạo lực học đường từ ảo đến thực

Phoebe Prince - nạn nhân của bạo lực học đường ở Mỹ. Ảnh: Nydailynews

Viện công tố khu vực Tây Bắc thuộc bang Massachusetts (Mỹ) ngày 29-3 đã tổ chức một cuộc họp báo công bố kết quả điều tra trường hợp tự vẫn của một nữ sinh trung học cách đây 2 tháng. Theo người đứng đầu cơ quan điều tra, bà Elizabeth Scheibel, cái chết thương tâm của cô nữ sinh 15 tuổi tên là Phoebe Prince (dân nhập cư Ireland) ngày 14-1-2010 vì bị các bạn học chung trường bắt nạt một cách tàn nhẫn trong một thời gian dài, từ những lời nhục mạ gửi qua thư điện tử và các trang mạng xã hội đến những kiểu hành hạ trực tiếp trên thân thể. Vụ này một lần nữa đánh động dư luận Mỹ và thế giới về vấn nạn bạo lực học đường.

Hãng tin Mỹ CNN ngày 30-3 cho biết với kết quả điều tra trên, 9 học sinh Trường Trung học South Hardley (thị trấn South Hadley, bang Massachussetts) đã bị khởi tố về tội bắt nạt tàn nhẫn Phoebe Prince. Theo các nhà điều tra, cô bé Phoebe Prince, người chỉ mới sang Mỹ học trong năm 2009, đã thắt cổ tự vẫn trên cầu thang ở nhà riêng tại thành phố South Adley và được người chị gái phát hiện khi đi học về. Em đã hai lần bị cưỡng hiếp ngay trong buổi trưa hôm đó tại thư viện và ở một hành lang của Trường Trung học South Adley. Sau khi bị cưỡng hiếp, em đã cố chạy trốn nhưng vẫn bị một số bạn nữ ném nhiều vật thể vào người sỉ nhục. Cũng theo các nhà điều tra, trước ngày xảy ra bi kịch học đường trên, mẹ của cô gái đã hai lần nhờ nhà trường can thiệp xung quanh những câu chuyện thô bạo và thù hằn thường xuyên xuất hiện trong lớp học, trên thư từ và các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, nhà trường chưa kịp hành động thì sự việc đáng tiếc đã xảy đến.

Và một ngày sau cái chết chấn động của Phoebe Prince, một nữ sinh khác của trường trung học này là Rebecca Brouillard đã quyết định đến tòa soạn của tờ báo địa phương thuật lại những hành động tàn nhẫn và vô liêm sỉ mà em đã phải chịu đựng từ suốt hơn 2 năm qua. Khi câu chuyện này được tờ báo đăng tải, cha của em là ông Mitchell Brouillard cho biết con gái mình lại bị quấy rối và đánh đập. Theo ông, nhà trường dường như đã biết sự tồn tại của một nhóm học sinh khiêu khích cá biệt nhưng không thấy được tính chất nghiêm trọng của nó. Vậy nên, ông cho rằng giới lãnh đạo nhà trường phải có trách nhiệm chung với những gì đã xảy ra.

Có thể nói, câu chuyện kinh hoàng học đường của em Phoebe Prince không chỉ gây sốc cho cư dân thành phố South Adley, mà còn làm bàng hoàng cả nước Mỹ. Người ta quan ngại vụ việc này có thể gây hiệu ứng tiêu cực thành một “căn bệnh kinh niên mới” trong bối cảnh cái “văn hóa” bắt nạt, hăm dọa tại Mỹ đang hoành hành ở khắp mọi nơi. Báo Diễn đàn Boston tại Mỹ còn cho biết trường hợp của bé Phoebe Prince đang thu hút sự chú ý của dư luận Ireland và nhiều nước khác như Nhật Bản và Australia, bởi nó liên quan đến một vấn đề xã hội rất lớn và đáng bận tâm trong thời đại mà các trang mạng xã hội đang trở thành một công cụ toàn cầu.

PHÚC GIA AN
(Theo AFP, Boston, Bostonherald)

Chia sẻ bài viết