26/04/2013 - 08:17

Bảo hộ sở hữu trí tuệ giúp doanh nghiệp tự tin hội nhập

Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, doanh nghiệp (DN) muốn tồn tại và cạnh tranh thị phần với các DN nước ngoài đòi hỏi sản phẩm uy tín, chất lượng, giá phù hợp; đồng thời phải có thương hiệu mạnh. Do vậy, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) có ý nghĩa quan trọng, bởi SHTT ngày càng được thừa nhận trên toàn thế giới như là một tài sản thương mại quan trọng và là động lực cho đổi mới, tiến bộ công nghệ, thu hút các nguồn lực đầu tư, là mắt xích quan trọng giúp DN hội nhập.

Chuyển biến về nhận thức

Nhiều doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. 

Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, giai đoạn 1991- 2012, thành phố có 2.281 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp (SHCN) do Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho khoảng 600 DN trên địa bàn. Trong đó, có 2.125 nhãn hiệu, 148 kiểu dáng công nghiệp (KDCN), 7 sáng chế và 1 giải pháp hữu ích. Trong đó lĩnh vực được bảo hộ nhiều nhất là thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, dược phẩm, mỹ phẩm, phân bón (chiếm khoảng 70% tổng số nhãn hiệu đã bảo hộ và chiếm hơn 40% tổng số DN được cấp văn bằng bảo hộ); loại hình công ty đăng ký bảo hộ nhiều nhất là công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty liên doanh chiếm 50%. Một số DN có nhiều văn bằng bảo hộ như: Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (203 nhãn hiệu, 1 TNHH), Cơ sở Việt Hương (174 nhãn hiệu, 3 KDCN), Công ty TNHH ADC (134 nhãn hiệu, 3 KDCN), Công ty cổ phần kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (61 nhãn hiệu, 48 KDCN), Công ty Vemedim… Riêng năm 2012, theo Cục Sở hữu trí tuệ, toàn TP Cần Thơ có 279 đơn được chấp nhận, xếp thứ 6 cả nước (trong đó 6 sáng chế, 14 KDCN, 259 nhãn hiệu) và 236 văn bằng được cấp (1 sáng chế, 6 KDCN, 229 nhãn hiệu), đứng vị trí thứ 8 cả nước về số văn bằng được cấp.

Các chuyên gia thương hiệu cho rằng khi được nhà nước bảo hộ thương hiệu, các DaN sẽ chống được sự đánh cắp, sao chép, làm hàng nhái và cũng là để bảo vệ uy tín của DN, bảo vệ người tiêu dùng… giúp DN giảm thiệt hại do cạnh tranh không lành mạnh, tăng thêm thu nhập khi chuyển giao công nghệ, thương hiệu. PGS.TS Võ Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Vemedim (Công ty Vemedim) khẳng định: "Trí tuệ là tài sản không chỉ của cá nhân, DN mà còn là tài sản của quốc gia và cần được bảo vệ, bảo hộ một cách phù hợp. Đăng ký để được nhà nước bảo hộ quyền SHTT là việc cần làm và phải làm của một DN, bất luận là DN lớn hay nhỏ. Từ năm 1993, Vemedim đã thực hiện đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa và KDCN của các sản phẩm do công ty sản xuất ra. Đến nay, công ty đã nhận được 1 chứng nhận thương hiệu Vemedim, logo Vemedim, 1 bản quyền tác giả, 99 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, 4 bằng độc quyền KDCN". Theo PGS.TS Võ Văn Sơn, khi DN đăng ký thành công bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu sẽ được nhà nước và xã hội bảo hộ về quyền lợi, được khách hàng tin tưởng hơn khi chọn sản phẩm, đồng thời DN rất thuận lợi khi giao dịch với khách hàng ngoài nước. Hiện sản phẩm của Vemedim đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Những năm qua, khi Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1-7-2006; Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 1-1-2010 thì việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo hộ quyền SHTT trong xã hội từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm quyền SHTT ở Việt Nam vẫn đáng báo động, vi phạm quyền SHTT trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp còn khá phổ biến (xâm phạm về: nhãn hiệu hàng hóa, KDCN, chỉ dẫn địa lý, sáng chế…). Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, giai đoạn 2006- 2012, thành phố có 69 vụ xâm phạm quyền SHCN được xử lý, trong đó 4 vụ được chuyển đến cấp UBND thành phố ban hành quyết định xử phạt theo thẩm quyền. Nhiều DN rất chủ động bảo vệ tài sản trí tuệ của mình bằng việc áp dụng biện pháp công nghệ để ngăn ngừa xâm phạm quyền SHCN như: đưa thông tin về quyền SHCN lên sản phẩm, sử dụng kỹ thuật cao đánh dấu sản phẩm… Tuy nhiên, cũng còn không ít DN chưa quan tâm đến bảo hộ và bảo vệ quyền SHTT; đa phần chỉ chú trọng bảo vệ quyền SHTT đối với nhãn hiệu.

Để DN tự tin hội nhập

Trên thực tế việc đăng ký để được bảo hộ quyền SHTT không phải DN nào cũng thành công và nhiều DN còn ngại đăng ký vì tốn kém, mất thời gian. Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, năm 2012 sở tiếp nhận 194 trường hợp nộp đơn xin xác lập quyền SHCN, tăng 2,31 lần so với năm 2011 và gấp 4,62 lần so với năm 2010. Song việc thực thi quyền SHTT ở nước ta còn khá mới mẻ, nên DN gặp không ít khó khăn khi đăng ký SHTT. Tại TP Cần Thơ hiện tỷ lệ DN đăng ký bảo hộ SHCN chỉ chiếm 7% trên tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Trong đăng ký bảo hộ SHCN chỉ có DN qui mô lớn quan tâm, còn DN nhỏ và vừa ít quan tâm hơn. Cũng có nguyên nhân chủ quan là thành phố ít DN lớn có nhãn hiệu đạt uy tín cao trên thị trường trong nước và quốc tế, nhất là một số mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn, đặc trưng cho thế mạnh của thành phố. Số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp còn ít, hầu như chưa có các sáng chế từ kết quả của hoạt động nghiên cứu có sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo PGS.TS Võ Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển Vemedim (Công ty Vemedim), ban đầu nộp hồ sơ đăng ký phải nhờ sự hỗ trợ của một công ty dịch vụ tại Hà Nội, nhưng khi công ty mở chi nhánh ở Hà Nội thì việc đăng ký thuận lợi hơn. Tuy nhiên, thời gian thẩm định hồ sơ của ngành chức năng khá lâu nên không ít DN gặp khó trong giao dịch với khách hàng. Ông Phạm Hoàng Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV nhựa Hoàng Thắng, cho biết: "Là DN thì ai cũng muốn tên của DN mình được nhiều khách hàng biết và tin tưởng về uy tín, chất lượng sản phẩm. Muốn được như vậy không dễ, DN phải tốn nhiều thời gian, tiền bạc, trí tuệ mới có thể tạo dựng thương hiệu được người tiêu dùng tin cậy. Hiện DN rất khó trong thực hiện đăng ký quyền SHTT, khó tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ chính sách hỗ trợ phát triển cho DN khoa học và công nghệ. DN phải vay tiền với lãi suất cao để nghiên cứu thực nghiệm, các giải pháp, sáng chế chưa được sự hỗ trợ kinh phí để sản xuất thử; khi sản phẩm được hình thành từ công nghệ sáng tạo đem đến nhiều lợi ích cho xã hội thì DN không có vốn để mở rộng đầu tư"… Ông Phạm Hoàng Thắng cho rằng nhà nước cần hỗ trợ kinh phí, cho vay ưu đãi để DN chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu khoa học để thay đổi tư duy sản xuất, đưa sản phẩm tiến đến công nghệ hiện đại. Có như vậy DN mới mạnh dạn phát triển các ứng dụng, ý tưởng công nghệ…

Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP HCM, cho biết: "Trong hội nhập, bảo hộ quyền SHTT là một trong ba cột trụ của đàm phán thương mại quốc tế. SHTT thúc đẩy sự sáng tạo- yếu tố quyết định cho tăng trưởng kinh tế. Đồng thời mở ra nhiều cơ hội để xâm nhập thị trường các nước, nâng cao hình ảnh DN Việt và mở ra các cơ hội đầu tư mới". Tuy nhiên để làm được điều này cần sự hỗ trợ từ nhiều ngành chức năng trong công tác khuyến khích DN tham gia sáng tạo, ứng dụng công nghệ và đăng ký xác lập quyền SHTT.

Bài, ảnh: SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết