13/06/2012 - 21:31

Báo động xu hướng bệnh Alzheimer ngày càng trẻ hóa

Hội chứng suy giảm trí nhớ ở người lớn tuổi - Alzheimer - hiện là căn bệnh gây tử vong cao thứ 3 trên thế giới, sau ung thư và tim mạch. Theo ước tính của Tổ chức Alzheimer Quốc tế (ADI), khoảng 37 triệu người trên thế giới đang phải chung sống với căn bệnh và con số này có thể tăng lên 66 triệu người vào năm 2030 và 115 triệu người vào năm 2050. Nhưng điều đáng ngại là Alzheimer vốn thường xuất hiện ở người cao tuổi nay lại có xu hướng “trẻ hóa”. Sự tấn công sớm của bệnh ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người bệnh và gia đình họ.

Ông Mike (ngồi giữa) bên vợ và các con. 

Một ngày mùa thu, Brandon Henley, 18 tuổi, ở Westbury, bang New York (Mỹ), gấp gáp mở cửa đón nữ y tá mà mẹ cậu gọi đến để tiêm thuốc chống co giật cho chồng. Nhìn người đàn ông đang trùm mến, mắt nhắm nghiền với dáng vẻ yếu đuối, y tá hỏi: “Đó là ông của cậu?”. “Không, đó là cha tôi”, Brandon đáp lời. Bố của Brandon, ông Mike Henley, trông già hơn rất nhiều so với tuổi 47 của mình, với mái tóc bạc trắng, răng rụng hoàn toàn, người gầy ốm xanh xao, không thể đi lại hay nói chuyện, thậm chí không ai biết ông có nhận thức được những gì đang diễn ra xung quanh hay không. Nguyên nhân chính là do căn bệnh Alzheimer mà ông mắc phải khi mới 36 tuổi.

Lúc chẩn đoán bệnh, các bác sĩ dự báo Mike chỉ sống thêm khoảng 5-7 năm, nhưng ông đã sống thêm hơn 10 năm. “Có thể người trẻ tuổi thì cơ thể cũng mạnh mẽ hơn”, bà Karen, vợ bệnh nhân, suy luận. Dù vậy, các bác sĩ cho biết tiến triển của bệnh Alzheimer ở người trẻ đặc biệt nhanh hơn so với người lớn tuổi. Bằng chứng là Mike được chẩn đoán bệnh vào năm 2001 nhưng đến năm 2004, ông bắt đầu không thể nói chuyện và mất luôn khả năng đi lại vào năm 2006.

Theo các chuyên gia, một khi được chẩn đoán mắc bệnh, người trẻ còn rất ít thời gian để sắp xếp tương lai của mình, bởi sự tỉnh táo và minh mẫn của họ có thể biến mất nhanh chóng. Ngay thời điểm biết mình mắc bệnh, ông Mike tự hỏi: “Chúng ta phải làm gì với bọn trẻ?”, khi Brandon mới vừa lên 8 còn người chị Courtney thì được 9 tuổi, chưa đủ hiểu biết để có thể sát cánh cùng mẹ vượt qua cú sốc bệnh tật của cha. Nhưng với sự giúp đỡ của một nhà tâm lý học, Karen bắt đầu giải thích với các con rằng cha của chúng đã mắc một chứng bệnh ảnh hưởng đến não vì thế ông có thể sẽ nói hoặc làm những việc khác với bình thường. Từ đó, cả gia đình đã chung tay chăm sóc cho ông Mike. Dù vậy, các bác sĩ cho biết không phải gia đình nào có bệnh nhân Alzheimer trẻ tuổi đều vượt qua được khó khăn giống như nhà Henley, vừa phải lo chi phí chữa trị, vừa nâng đỡ tinh thần cho người thân. Do đó, Alzheimer được xem là một trong những căn bệnh tốn kém nhất, cả về tiền bạc cũng như thời gian chăm sóc và điều trị.

Ước tính tại Mỹ hiện có khoảng 5,4 triệu ca Alzheimer và số ca khởi phát bệnh sớm (trước 65 tuổi) giống như trường hợp của ông Mike chiếm gần 10% ca bệnh. Giai đoạn “ủ bệnh” ở những người trẻ tuổi thường diễn ra trong thời gian dài mà không được phát hiện do nó không có các triệu chứng phổ biến, Lauren Tiede, điều phối viên Hiệp hội Alzheimer New York cho biết. Đây chính là nguyên nhân chính khiến việc phát hiện và đưa ra biện pháp trì hoãn bệnh không phát huy hiệu quả. Các chuyên gia ước tính chi phí điều trị căn bệnh này chiếm khoảng 170 tỉ USD/năm nên cũng bị xem là căn bệnh gây tốn kém nhất. Còn tại Anh, Hiệp hội Alzheimer nước này cho biết trong tổng số 800.000 ca bệnh được ghi nhận, có hơn 17.000 bệnh nhân là người trẻ. Tỷ lệ này tuy không lớn nhưng nó thể hiện sự tàn khốc của căn bệnh hủy hoại trí lực này.

Được biết, các nước như Mỹ, Úc, Pháp, Hàn Quốc đều đã lên kế hoạch phòng chống căn bệnh này, không chỉ ở người lớn tuổi mà cả những người bước vào độ tuổi trung niên. Mỹ hiện là nước đi đầu trong nỗ lực đẩy lùi bệnh Alzheimer, với quyết định đầu tư gần 500 triệu USD cho công tác nghiên cứu và đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ tìm ra phương pháp chữa khỏi căn bệnh này.

VI VI (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết