22/06/2013 - 19:34

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Báo động nguy cơ sụt lún, xói lở đất

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa phối hợp với Viện Địa kỹ thuật Na Uy và Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Kết quả dự án nghiên cứu giai đoạn 1- sự lún đất của bán đảo Cà Mau". Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cảnh báo: Khai thác nước ngầm quá mức và chặt phá rừng ngập mặn là nguyên nhân chính gây sụt lún, xói lở đất tại Cà Mau và các tỉnh, thành ĐBSCL.

Sụt lún và xói lở gây mất đất

 Sụt lún, xói lở gây mất đất đang là vấn đề chung của các địa phương vùng ĐBSCL. Trong ảnh: Một đoạn bờ biển ở tỉnh Bạc Liêu.

Dự án nghiên cứu giai đoạn 1- sự lún đất của bán đảo Cà Mau được Viện Địa kỹ thuật Na Uy (NGI) phối hợp với Bộ NN&PTNT Việt Nam thực hiện từ tháng 5-2012. Theo kết quả nghiên cứu bước đầu tại tỉnh Cà Mau, khai thác nước ngầm một cách quá mức là nguyên nhân gây ra sụt lún đáng kể và có thể là nguyên nhân chính gây mất đất và nhiều vấn khác như: bờ biển dễ bị xói mòn, tăng sự xâm thực của nước biển… Theo Tiến sĩ Kjell Karlsrud, Chuyên gia NGI, sụt lún đất là hiện tượng không mới và không của riêng Việt Nam. Nó đã xảy ra tại nhiều nước trên thế giới từ hàng chục năm qua. Tuy nhiên, vấn đề lún là nghiêm trọng nhất ở những nơi có đất sét mềm dễ bị nén liên kết với tầng đất sâu hơn hoặc tầng sỏi, nhất là có diễn ra hoạt động bơm nước ngầm nhiều như ở Cà Mau. Tỉnh Cà Mau hiện có trên 109.000 giếng bơm nước ngầm, với 373.000m3 nước được khai thác mỗi ngày. Với tình trạng khai thác nước ngầm hiện nay, khả năng Cà Mau đang xảy ra tình trạng đất bị lún từ 1,9-2,8cm/năm.

Qua nghiên cứu và đánh giá sơ bộ, NGI đã đưa ra "kịch bản" tỉnh Cà Mau sẽ nhanh chóng ở dưới mực nước biển trong vòng vài thập kỷ tới nếu không hạn chế hoặc dừng việc bơm nước ngầm. NGI cảnh báo: Lún do bơm nước ngầm là mối đe dọa rất nghiêm trọng và nó không chỉ giới hạn trong tỉnh Cà Mau mà xảy ra tại nhiều tỉnh, thành khác - những nơi có điều kiện địa chất tương tự. Cách thực tế nhất để ngăn chặn là dừng hoặc hạn chế bơm nước ngầm trong khu vực. Thay vào đó là sử dụng nước từ các nhà máy nước. Chính quyền Việt Nam cần khởi động ngay một chương trình quan sát và phân tích bổ sung để xác minh, hiểu rõ thêm sự sụt lún hiện tại và tương lai tại Cà Mau và các tỉnh, thành lân cận. Đồng thời, cần cảnh báo rộng rãi cho người dân biết về nguy cơ sụt lún và có ngay các giải pháp, hành động trước khi quá muộn.

Trên thực tế, lún có thể không những tác động toàn dòng chảy và xâm nhập mặn mà còn làm cho các bờ biển ở ĐBSCL dễ bị xói mòn, nhất là lượng phù sa đổ về theo sông Mekong đang giảm do ảnh hưởng bởi hoạt động ở thượng nguồn. Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, nhiều công trình nghiên cứu gần đây của các chuyên gia trong và ngoài nước cũng xác định: Đã và đang diễn ra hiện tượng sụt lún tại các tỉnh, thành ĐBSCL. Các số liệu đưa ra về tốc độ sụt lún có khác nhau nhưng nhìn chung không có sự chênh lệch nhiều. Từ các kết quả nghiên cứu đó cho thấy, ĐBSCL có khả năng diễn ra sụt lún đất với tốc độ khá nhanh, với trên dưới 2,5 cm/năm và trong vòng 10 năm qua khả năng ĐBSCL đã bị lún khoảng 25cm!

Cần hành động ngay

Sụt lún, xói lở đất đã và đang đe dọa và gây nhiều tác động xấu cho các địa phương vùng ĐBSCL. Nhiều ý kiến cho rằng cần có nghiên cứu sâu hơn để tìm các nguyên nhân, giải pháp và có các thông tin, số liệu thuyết phục các nhà hoạch định chính sách cấp cao. Để từ đó kịp thời có chương trình, hành động phù hợp với thực tế từng địa phương. Tuy nhiên, trước mắt cần phải tuyên truyền cho người dân biết tác động xấu của việc khai thác nước ngầm quá mức và chặt phá rừng bừa bãi nhằm nâng cao ý thức, hành động của mọi người.

Theo ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, không nên quá bi quan nhưng cũng không chủ quan về sự lún đất. Kết luận bước đầu của các nhà khoa học về sự sụt lún ở Cà Mau nói riêng và các địa phương vùng ĐBSCL nói chung là có cơ sở. Nhưng đây mới là những kết luận sơ bộ ban đầu, cần có sự điều tra, nghiên cứu kỹ thêm để đưa ra giải pháp chính xác và hiệu quả. Vì vậy, trước mắt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết và cùng hợp sức với ngành chức năng giải quyết các vấn đề liên quan đến sụt, lún. Đồng thời tuyên truyền, khuyến khích nhân rộng các mô hình về chống sụt lún, xói mòn đã và đang triển khai có hiệu quả ở các địa phương ở ĐBSCL, như: các chương trình tái sinh rừng ngập mặn, đê biển…

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Tiến, Chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam, cho rằng: "Có nhiều nguyên nhân gây lún đất, trong đó có do việc bơm nước ngầm làm hạ mức nước ngầm, nhất là tại các đô thị. Nhưng hiện nay, việc khai thác và sử dụng nước ngầm của ta còn chưa tiết kiệm và thiếu các giải pháp phục hồi nước ngầm cũng như tích trữ nước mưa để sử dụng nhằm tránh việc khai thác quá mức...". Tiến sĩ Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản, phân tích thêm: Trước đây, ĐBSCL và Đồng bằng sông Hồng là những vùng sụt lún trẻ với chế độ "sụt lún đền bù"- tức sụt lún bao nhiêu được phù sa bồi lắng bù lại bấy nhiêu. Tuy nhiên, "sụt lún đền bù" tại nhiều nơi đã không còn nữa khi quá trình tự nhiên này bị ảnh hưởng bởi các hoạt động nhân sinh, như: đắp đê, xây đập thủy điện, đê ngăn lũ… và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng tăng. Vì vậy, chúng ta phải chú ý đến việc sụt lún do khai thác quá mức nước dưới lòng đất.

Hiện nay, tại nhiều nơi ở tỉnh Cà Mau và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL do chất lượng, số lượng nguồn nước mặt không đảm bảo và còn thiếu các trạm cung cấp nước sạch tập trung nên việc sinh hoạt của nhiều người dân còn phụ thuộc vào khai thác nước ngầm. Hơn nữa, khai thác nước ngầm cũng nhằm phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Thực tế này đòi hỏi cần có ngay các giải pháp khai thác, sử dụng nước ngầm một cách có hiệu quả và tiết kiệm nhất, tránh thấp nhất nguy cơ gây sụt lún, mất đất.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, cho rằng: Ngay từ bây giờ, các địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân và khuyến khích việc sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt, chăn nuôi thủy sản cũng như các hoạt động sản xuất khác. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt với các bộ, ngành và đơn vị có liên quan cũng như tranh thủ sự hỗ trợ của các nhà tài trợ để có các nghiên cứu sâu hơn về sự sụt lún tại Cà Mau nói riêng và ĐBSCL nói chung, nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của mọi người và có giải pháp hành động phù hợp.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết