10/09/2018 - 11:28

Báo động gia tăng bệnh giang mai 

THU SƯƠNG

Theo các bác sĩ Bệnh viện (BV) Da liễu TP Cần Thơ, gần đây, lượng bệnh nhân mắc giang mai nhập viện điều trị có xu hướng gia tăng. Thực trạng này đáng lo ngại, vì giang mai tăng đồng nghĩa các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng tăng, trong đó có HIV. Đây là hồi chuông cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn bệnh tật, ảnh hưởng sức khỏe không chỉ của chính người bệnh và cả các thế hệ tương lai.

Bài 1: “Con đường” giang mai

Bệnh giang mai có đường lây truyền tương tự HIV, diễn tiến âm thầm, khó nhận biết nên dễ lây nhiễm cho nhiều người khác trong cộng đồng. Theo các bác sĩ chuyên khoa, việc điều trị không quá khó khăn, nhưng nếu không điều trị kịp thời, bệnh diễn tiến sang nhiều giai đoạn nặng hơn...

Cảnh báo lây nhiễm HIV, giang mai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới.

Bệnh của người trẻ 

Bác sĩ CKI Phạm Đình Tụ, Trưởng Khoa Nội trú BV Da liễu TP Cần Thơ, cho biết: Ghi nhận từ thực tế điều trị bệnh giang mai tại BV, đối tượng mắc bệnh chủ yếu là người trẻ, cả nam lẫn nữ, ở độ tuổi từ 18 đến 30, nhất là trong độ tuổi từ 18-25 tuổi. Nhiều trường hợp vừa mắc bệnh giang mai, vừa mắc các bệnh xã hội khác cùng lúc như HIV, sùi mào gà...; thậm chí nhiều chị em mắc giang mai trong thai kỳ. Khoa Nội trú của BV thường xuyên dành 5 phòng cho bệnh nhân điều trị giang mai, mỗi phòng có từ 5-6 giường, bệnh lúc nào cũng đầy kín, có lúc cao điểm lên tới 10-12 người bệnh/phòng. Lãnh đạo các đơn vị y tế  tuyến thành phố có liên quan đến chuyên khoa sản phụ khoa cũng có chung nhận định, khoảng 5-10 năm trước đây, bệnh giang mai rất hiếm gặp. Còn giờ, bệnh tăng nhiều, nhất là ở người trẻ, có nhiều bạn tình. 

T. (21 tuổi, quê ở Sóc Trăng), đang điều trị tại Khoa Nội trú BV Da liễu TP Cần Thơ cho biết, bị nhiễm bệnh từ những lần quan hệ với bạn gái nhưng không dùng bao cao su. T. kể, một tháng trước, phát hiện ở vùng bụng và tay có các nốt phát ban, bộ phận sinh dục cũng có những nốt đỏ, đến BV Da liễu thành phố xét nghiệm tầm soát thì phát hiện nhiễm giang mai giai đoạn 2, nổi đào ban. Còn M. (20 tuổi, nam sinh viên của một trường trung cấp ở tỉnh Vĩnh Long), cũng đang điều trị giang mai tại BV Da liễu TP Cần Thơ, cho biết, không may mắc bệnh khi sử dụng chung quần áo và dụng cụ cá nhân (dao cạo râu, kềm cắt móng tay) của bạn cùng phòng. Bạn của M. thường quan hệ tình dục đồng tính với nhiều bạn tình và có tiền sử mắc giang mai.

Theo bác sĩ Phạm Đình Tụ, đường lây truyền của giang mai gần giống HIV, tức là bệnh lây qua đường quan hệ tình dục trực tiếp, tiêm chích, truyền máu, tiếp xúc dịch cơ thể... Giang mai diễn biến rất âm thầm. Thông thường sau khoảng 2-3 tuần tiếp xúc nguồn lây, người bệnh sẽ có những vết săng và hạch ở vùng kín, vì không đau nên bệnh nhân dễ bỏ qua. Sau đó, các săng và hạch tự lặn đi và bệnh chuyển sang giai đoạn giang mai huyết thanh. Tiếp theo, khi những nốt đỏ đào ban trên da xuất hiện là giang mai đã chuyển sang giai đoạn 2. Lúc này sức khỏe người bệnh vẫn bình thường nhưng khả năng lây truyền bệnh cho người khác, nhất là người có quan hệ tình dục với người bệnh, rất cao. Đây chính là mối nguy hiểm gây nên dịch bệnh cho cộng đồng. Từ giai đoạn 2 sang giai đoạn 3 khoảng trên 2 năm, thậm chí nhiều năm sau. Lúc này, vi-rút đi vào mô và phủ tạng, làm biến dạng xương và các bộ phận trên cơ thể. Ngoài ra, khi người mẹ mắc bệnh giang mai trong thai kỳ, có thể truyền bệnh giang mai cho con qua nhau thai. 

Thông thường BV tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc giang mai giai đoạn 1 và 2. Do giang mai là bệnh xã hội nên phần lớn người bệnh giấu kín, gây khó khăn cho việc điều trị. Theo bác sĩ Phạm Đình Tụ, để điều trị bệnh giang mai, đơn vị y tế phải có bác sĩ có kiến thức chuyên môn sâu và có phòng xét nghiệm. Trong khi đó, y tế cơ sở lại thiếu các điều kiện này nên những trường hợp có dấu hiệu lâm sàng đều được chuyển đến BV Da liễu TP Cần Thơ. 

Cộng đồng lơ là  

Những nghiên cứu xã hội học cho thấy, giới trẻ hiện nay rất thoáng trong các mối quan hệ tình cảm, nhất là vấn đề tình dục. Các bạn trẻ “thoáng” nhưng lại thiếu hiểu biết để bảo vệ bản thân một cách hiệu quả nhất. 

Thạc sĩ tâm lý Ngô Thành Thuận – Hội Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) TP Cần Thơ cho biết, giới trẻ ngày nay dễ dàng tiếp cận nhiều thông tin từ mạng xã hội, trong khi các em chưa đủ kiến thức, vốn sống để chọn lọc thông tin trước nhu cầu tìm hiểu các vấn đề tâm sinh lý bản thân. Chưa kể, ở gia đình thì cha mẹ chỉ răn đe mà thiếu sự quan tâm, chia sẻ; đến trường học, thầy cô thì chú trọng cung cấp kiến thức theo chương trình dạy, không có nhiều thời gian trò chuyện, chia sẻ về những vấn đề riêng tư tuổi mới lớn... Do vậy, các bạn trẻ tự “dò đường” trong quá trình phát triển tâm sinh lý; khi gặp phải vấn đề đáng tiếc xảy ra như mắc bệnh hay mang thai ngoài ý muốn, lại không biết tìm đến nơi nào để được tư vấn, chữa trị, phải đối mặt với khủng hoảng tinh thần, sa sút chuyện học hành, thậm chí lở dở tương lai.

Thành phố Cần Thơ với rất nhiều trường đại học, cao đẳng, có lượng sinh viên lớn theo học tập, trong khi thực tế, kênh thông tin chính thống để giới trẻ tiếp cận kiến thức tâm sinh lý còn rất hạn hẹp. Theo cán bộ y tế của trạm y tế trên địa bàn có trường đại học lớn với gần 10.000 sinh viên, 3 năm qua, cô chưa hề tư vấn cho một sinh viên nào có nhu cầu tìm hiểu về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ. Lý do là các bạn ngại chia sẻ chuyện thầm kín, riêng tư; thêm nữa, đơn vị không đủ điều kiện về cơ sở vật chất như phòng tư vấn riêng đảm bảo bảo mật thông tin để các bạn có thể giãi bày.

Bác sĩ Phạm Đình Tụ cho biết: Trước đây, ngành y tế được các tổ chức thế giới thường xuyên tài trợ các chương trình phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức... Sau đó, các chương trình kết thúc, các tổ chức ngừng cấp kinh phí, hoạt động tuyên truyền lơi dần. Đó cũng là một trong những nguyên nhân vì sao bệnh giang mai nói riêng, các bệnh lây truyền qua đường tình dục nói chung, có sự gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Thạc sĩ Ngô Thành Thuận cũng cho rằng, Hội KHHGĐ TP Cần Thơ phối hợp với nhiều tổ chức trong và ngoài nước thực hiện các dự án nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho cộng đồng; trong đó, có mục tiêu hướng đến giáo dục sức khỏe tình dục toàn diện cho học sinh, sinh viên. Các chương trình mang lại nhiều hiệu quả thiết thực nhưng lại không được duy trì và thiếu tính lan tỏa.

Theo bác sĩ Võ Thị Năm, Trưởng Khoa truyền thông và can thiệp của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, khi các em lớn, có nhu cầu về sinh lý, không thể cấm, nhưng làm sao giúp các em được hiểu biết đầy đủ. Một cá nhân, một đơn vị riêng lẻ không thể đảm trách được trách nhiệm này mà cần sức mạnh cả cộng đồng, nhất là nguồn lực mạnh mẽ từ hệ thống giáo dục, cung cấp những kiến thức, kỹ năng sống an toàn cho các em.

(Còn tiếp)

Bài cuối: Để bệnh không thành dịch

Chia sẻ bài viết