09/02/2012 - 21:16

Báo động bệnh nhi bị tiêu chảy nhập viện

Bác sĩ Thạch Minh Đức khám bệnh cho trẻ bị tiêu chảy.

Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, ngày 3-2-2012, trong 339 bệnh nhi nhập viện điều trị có đến 59 bệnh nhi bị tiêu chảy. Bệnh thường xảy ra vào 2 tháng cuối năm trước và kéo dài thêm 1-2 tháng ở năm sau... Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây tử vong.

* Chủ yếu do ăn uống...

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ cho biết: “Số trẻ bị tiêu chảy tăng dần ở những tháng cuối năm và qua đầu năm nay, số bệnh nhi khám và nhập viện cũng tiếp tục tăng, chưa có dấu hiệu giảm”. Thân nhân nuôi bé Trần Ngọc Bảo Thy, 16 tháng tuổi ở khoa Truyền nhiễm kể: “Buổi sáng bé chỉ biếng ăn, đi tiêu lỏng. Đi khám bác sĩ tư, bác sĩ cũng nói bé bị viêm họng. Chiều về, bé bị sốt cao, ói ồ ạt, đi phân lỏng. Hạ sốt cũng không ăn thua, bé bị co giật 3 lần. Hoảng quá, gia đình chở vô bệnh viện cấp cứu liền. Bé nhập viện 4 ngày, bữa nay đã bớt nhiều, hết ói, chịu uống sữa”. Gia đình bé Bảo Thy cũng nghi ngờ do mua cháo ở ngoài cho bé ăn nên bị tiêu chảy. Bé Lý Quốc Minh nằm cạnh bé Bảo Thy cũng bị tiêu chảy. Minh nhập viện từ ngày 1-2 do bị ói, tiêu chảy một ngày đến 7-8 lần. Mẹ bé Minh kể: “Khuya bé bị ói, sáng tôi đưa bé vô Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ khám liền. Bác sĩ kê toa và dặn nếu về nhà bé uống thuốc không bớt, sốt cao, ói và tiêu chảy không giảm thì đưa ngay vô bệnh viện. Bé về uống thuốc ói ra hết, bệnh không thuyên giảm nên chiều tôi đưa bé vô khám lại và bác sĩ cho nhập viện”. Bệnh nhân bị tiêu chảy đông, đây lại là bệnh lây lan nên bệnh nhân không thể chuyển sang phòng khác, khoa khác, dẫn đến tình trạng 2-3 bé nằm chung một giường bệnh.

Cũng theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hoàng Sơn, trong những ngày Tết, cha mẹ bận rộn, trẻ ít khi được ăn đúng giờ, đúng liều lượng. Mặt khác, do thời tiết lạnh, bệnh tăng do siêu vi; thức ăn không được bảo quản tốt (do thói quen trữ nhiều thực phẩm dùng dần trong ngày Tết) việc này rất dễ dẫn đến bị nhiễm khuẩn; thức ăn hâm đi hâm lại nhiều lần; ăn hàng quán không hợp vệ sinh... Đó là những nguyên nhân khiến lượng trẻ mắc bệnh tiêu chảy tăng sau dịp Tết. Theo bác sĩ Thạch Minh Đức, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, tiêu chảy chủ yếu là do ăn uống. Trong dịp Tết, người dân cũng có thói quen trữ rất nhiều thức ăn, đặc biệt bánh ngọt trong tủ lạnh. Do bảo quản không hợp vệ sinh, thực phẩm bị nhiễm khuẩn cho trẻ ăn nên dễ bị tiêu chảy. Qua thăm khám, hỏi cha mẹ bệnh nhi, nhiều trường hợp bệnh nặng, nhập viện do cha mẹ cho trẻ ăn bánh ngọt bảo quản trong tủ lạnh không đúng cách.

* Không nên tự ý điều trị

Đối với trẻ bị tiêu chảy, phụ huynh không nên tự ý mua thuốc ở hiệu thuốc cho trẻ uống mà nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa nhi để được khám và điều trị kịp thời. Nhiều bà mẹ sốt ruột muốn bác sĩ kê toa cầm ỉa, cầm ói cho trẻ uống nhưng thực chất trẻ không ói, ỉa được, bụng trương phình lên rất nguy hiểm. Đối với trẻ bị tiêu chảy, không phải trường hợp nào cũng phải nhập viện. Theo bác sĩ Thạch Minh Đức, nếu trẻ tiêu chảy chưa có dấu hiệu mất nước, còn ăn uống được thì không nhất thiết phải nhập viện. Bác sĩ kê toa cho trẻ điều trị tại nhà. Cha mẹ cần theo dõi sát sao, khi nào trẻ sốt cao, không chịu ăn uống, môi khô, thóp trũng, nôn ói nhiều hoặc số lần tiêu lỏng không giảm thì đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Ngoài ra, cũng có trường hợp trẻ chỉ tiêu chảy ói vài lần nhưng sốt cao liên tục cũng cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện. Vì có thể đây là dấu hiệu trẻ bị nhiễm trùng từ đường tiêu hóa, dễ dẫn đến sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa. Cũng theo tiến sĩ, bác sĩ Lê Hoàng Sơn, trong sổ khám bệnh ngoại trú của các bệnh nhi, bệnh viện in kèm những dấu hiệu bệnh cần quay lại bệnh viện ngay để thân nhân bệnh nhi lưu ý những dấu hiệu này. “Nhiều khi bác sĩ nói nhiều quá, họ không nhớ hết, nên bệnh viện in luôn trong sổ khám bệnh phát cho thân nhân” - Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hoàng Sơn cho biết.

Theo bác sĩ Thạch Minh Đức, nhiều bậc phụ huynh, đặc biệt ở những vùng nông thôn, vùng sâu vẫn còn hiểu biết chưa đầy đủ về tiêu chảy chẳng hạn như hạn chế cho trẻ uống nước, ăn làm cho trẻ bị mất sức, mất nước. Các bác sĩ khuyên trong lúc trẻ bị tiêu chảy, người mẹ vẫn tiếp tục cho trẻ bú, ăn để tránh mất sức. Trẻ mắc bệnh thường biếng ăn, vì thế nên cho trẻ ăn những món trẻ thích, thức ăn cần có đầy đủ chất đạm, chất xơ, chất béo, tinh bột, có thể chia làm nhiều bữa, thức ăn nấu mềm, dễ tiêu. Về uống, cho trẻ uống nước nhiều hơn bình thường, có thể uống thêm nước trái cây, nước dừa tươi, nước biển khô... để bù lại lượng dịch và chất điện giải trong cơ thể. Nếu trẻ uống nước ít, có thể bù bằng cách cho trẻ ăn xúp, uống nước canh, nước cháo loãng...

Để phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ, người mẹ phải rửa sạch tay trước khi cho con bú, ăn và sau khi làm vệ sinh cho con. Rửa sạch các vật dụng như ly, muỗng, chén... Với bình sữa phải rửa sạch, luộc chín bình sữa trước khi cho trẻ bú. Đối với trẻ lớn (tự ăn được) phải hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; luôn cắt móng tay ngắn cho trẻ để tránh vi trùng “tụ tập” trong móng tay...

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết