09/07/2018 - 21:35

Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân 

Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) ra đời có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy quyền tự do dân chủ, tạo điều kiện thúc đẩy và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần bảo đảm bình đẳng, công bằng xã hội. Đồng thời, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền TCTT của công dân và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Người dân có thể liên hệ các cơ quan hành chính nhà nước yêu cầu cung cấp thông tin được quyền tiếp cận.

Luật TCTT dựa trên nền tảng của 2 bản Hiến pháp (Điều 69 Hiến pháp năm 1992 và Điều 25 Hiến pháp năm 2013) quy định về những quyền tự do, dân chủ của người dân, trong đó có quyền TCTT. Luật TCTT ra đời góp phần đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân và có tiếng nói cần thiết trước các vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước. Để bảo đảm cho công dân được chủ động trong việc TCTT, luật này quy định một phạm vi tương đối rộng những thông tin cơ quan nhà nước phải chủ động công bố công khai để công dân được biết mà không cần thiết phải yêu cầu. 

 Bà Phan Quỳnh Giao, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ, cho biết: “Nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong việc xác định phạm vi thông tin mà mình được tiếp cận, Luật TCTT quy định về thông tin công dân được tiếp cận, thông tin công dân không được tiếp cận, thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện”. Theo đó, nhóm thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện gồm: thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh được tiếp cận trong trường hợp được chủ sở hữu bí mật kinh doanh đồng ý; thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được tiếp cận trong trường hợp người đó đồng ý, thông tin liên quan đến bí mật gia đình được tiếp cận trong trường hợp các thành viên gia đình đồng ý…

Ngoài ra, Luật cũng quy định rất cụ thể quyền của công dân trong việc TCTT, trong đó, quá trình TCTT, công dân có quyền khiếu nại, khiếu kiện đối với quyết định hoặc hành vi của cơ quan nhà nước mà họ cho rằng không thỏa đáng hoặc vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, công dân có quyền tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về thông tin. Hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo có thể là hành vi của cán bộ, công chức của cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin hoặc các chủ thể khác trong xã hội.

Bên cạnh việc thực hiện quyền TCTT của mình, Luật cũng yêu cầu công dân phải có nghĩa vụ đối với nhà nước và xã hội trong việc TCTT. Cụ thể: người được cung cấp phải tuân thủ quy định pháp luật về TCTT, không làm sai lệch nội dung thông tin đã được cung cấp, không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác khi thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Bên cạnh những thuận lợi mang lại, việc triển khai thực hiện Luật TCTT tại các đơn vị, địa phương cũng còn một số khó khăn, vướng mắc. Bà Nguyễn Thị Đường, Chủ tịch UBND phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, cho rằng Luật TCTT cũng như các văn bản hướng dẫn tương đối nhiều, do đó, các đơn vị liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền đến cán bộ thực hiện cũng như người dân để nắm rõ hơn. Đề nghị Sở Tư pháp có những lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu để cán bộ thực hiện đúng tinh thần của luật quy định. Ông Nguyễn Văn Hóa, Trưởng Phòng Tư pháp quận Ô Môn cũng đề nghị thành phố sớm có hướng dẫn địa phương về việc xây dựng quy chế nội bộ để cán bộ dễ tiến hành thực hiện việc cung cấp thông tin.

Để đảm bảo các điều kiện triển khai thi hành Luật TCTT kịp thời và mang lại hiệu quả, tại Hội nghị triển khai Luật TCTT, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ theo Kế hoạch số 177/KH-UBND ngày 15-12-2017 của UBND thành phố về triển khai thi hành Luật TCTT. Đặc biệt, quan tâm rà soát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị để có biện pháp bố trí bộ phận hoặc cán bộ, công chức, viên chức đủ năng lực, trình độ làm đầu mối cung cấp thông tin theo quy định; ưu tiên bố trí những người có kinh nghiệm làm công tác pháp luật, tin học để thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin. Bên cạnh đó, lưu ý bố trí nơi tiếp nhận và giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin; bố trí phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị và cơ sở vật chất cần thiết phục vụ việc cung cấp thông tin; đảm bảo các biện pháp kỹ thuật nhằm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp thông tin. Đồng thời, để thuận tiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước; các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm xây dựng Quy chế nội bộ để thực hiện việc cung cấp thông tin theo quy định của Luật; Cơ quan, đơn vị cung cấp thông tin quan tâm thực hiện việc lập danh mục và số hóa thông tin phải được công khai theo quy định về “Lập danh mục, phân loại, cập nhật thông tin” được quy định. 

P.NGUYỄN

Chia sẻ bài viết