04/09/2018 - 13:45

Bangkok nỗ lực chống chìm 

Giữa lúc chuẩn bị cho hội nghị về biến đổi khí hậu (khai mạc hôm nay 4-9), bản thân Thủ đô Bangkok của Thái Lan đang chịu sự vây hãm từ môi trường với nhiều dự báo tàn khốc rằng thành phố hơn 10 triệu dân này có thể chìm một phần dưới mặt nước biển chỉ trong hơn một thập niên tới.

Ảnh: Phys.org

Dù nằm trên vùng đất cao hơn mực nước biển 1,5m, song Bangkok được dự đoán là một trong những khu đô thị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới, cùng với 2 thành phố Đông Nam Á khác là Jakarta (Indonesia) và Manila (Philippines). Theo báo cáo từ Ngân hàng Thế giới, gần 40% diện tích Bangkok sẽ sớm bị ngập vào năm 2030, do lượng mưa lớn và những thay đổi trong đặc điểm thời tiết. Tờ The Global Post của Thái Lan từng cảnh báo Bangkok sẽ hoàn toàn bị chìm dưới mặt nước biển và không thể sinh sống vào năm 2100.

Còn hiện tại, chuyên gia Tara Buakamsri từ Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace cho biết Bangkok đang chìm từ 1-2cm mỗi năm và có nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng trong tương lai gần. Theo Buakamsri, phần lớn Bangkok đã ở dưới mực nước biển. Trong khi đó, mực nước biển tại Vịnh Thái Lan gần kề đang dâng lên 4 mm/năm, cao hơn mức độ trung bình toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng việc đô thị hóa tràn lan và tình trạng xói mòn ven bờ biển sẽ khiến Bangkok và các cư dân ở đây lâm vào tình trạng nguy hiểm. Trên thực tế, với việc sức nặng của các tòa nhà chọc trời góp phần khiến đô thị này chìm dần xuống nước, Bangkok đã trở thành nạn nhân cho sự phát triển nhanh chóng của chính mình.

Chuyên gia khí hậu Suppakorn Chinvanno tại Đại học Chulalongkorn cho rằng tình hình đang trầm trọng thêm, với việc những kênh rạch trong thành phố hiện được thay thế bằng mạng lưới đường sá phức tạp. Trước đó, những con kênh này góp phần vào hệ thống thoát nước tự nhiên của thành phố. Giám đốc Sở Thoát nước và Xử lý nước thải Bangkok, Narong Raungsri thừa nhận “điểm yếu” của thành phố là các đường hầm thoát nước nhỏ và sự phát triển quá mức của các khu dân cư.

Bên cạnh đó, những trang trại nuôi tôm và các loại thủy sản khác cũng gây ra tình trạng xói mòn đáng kể cho đường bờ biển gần với thủ đô Thái Lan, do đôi khi các công trình này thay thế các khu rừng đước vốn có tác dụng ngăn bão. Điều này đồng nghĩa Bangkok có thể bị bao vây bởi lũ lụt từ vùng biển ở phía Nam và lũ lụt do gió mùa từ phía Bắc. Được biết, trong đợt lũ lụt nghiêm trọng hồi năm 2011 tại Bangkok, có 815 người thiệt mạng, 3 người mất tích và ảnh hưởng 13,6 triệu dân. Siêu đô thị này đã chìm trong nước suốt nhiều tháng và khiến nền kinh tế Thái Lan tổn thất 40,7 tỉ USD.

Ngày nay, chính quyền Bangkok đang nỗ lực giảm tác động của biến đổi khí hậu, với việc xây dựng một mạng lưới kênh sông đô thị có chiều dài lên tới 2.600km có các trạm bơm nước và 8 đường hầm dưới lòng đất để thoát nước trong trường hợp diễn ra thiên tai. Hồi năm ngoái, Đại học Chulalongkorn cũng đã xây dựng tại trung tâm Bangkok một công viên rộng 4,45ha, được thiết kế đặc biệt để thoát đi hàng triệu lít nước mưa và điều hướng nước sao cho các khu vực dân cư xung quanh không bị ngập.

Tuy vậy, những giải pháp mang tính tình thế này có thể không đủ. “Chúng ta cần một chính sách quản lý đất rõ ràng”, chuyên gia Buakamsri nhận định.

NG. CÁT (Theo AFP, Asian Correspondent)

Chia sẻ bài viết