09/05/2018 - 22:59

Ngày làm việc thứ ba Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

Bàn về công tác cán bộ và thảo luận sâu sắc Đề án Cải cách chính sách tiền lương 

Bầu bổ sung hai đồng chí Trần Thanh Mẫn và Trần Cẩm Tú vào Ban Bí thư khóa XII

Ngày 9-5, ngày làm việc thứ ba Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Buổi sáng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại Hội trường bàn về công tác cán bộ. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, điều hành phiên họp.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã biểu quyết đồng ý để đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII thôi giữ chức Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII.

      Đồng chí Trần Cẩm Tú      Đồng chí Trần Thanh Mẫn

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII; bầu đồng chí Hoàng Văn Trà, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Phú Yên giữ chức Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu bổ sung Ủy viên Ban Bí thư khóa XII gồm: Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII.

Trung ương đã xem xét và quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.

* Buổi chiều, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thảo luận Đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên thảo luận.

Đại biểu tham gia thảo luận tại Hội trường về Đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Ảnh: PHƯƠNG HOA (TTXVN)
Đại biểu tham gia thảo luận tại Hội trường về Đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Ảnh: PHƯƠNG HOA-TTXVN

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp tại tổ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã báo cáo làm rõ thêm những điểm mới nổi bật của Đề án cải cách chính sách tiền lương lần này. Bộ trưởng nhấn mạnh: Đề án cải cách chính sách tiền lương đã được nghiên cứu xây dựng độc lập tương đối và tương quan hợp lý với Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó tách rõ khu vực công và khu vực doanh nghiệp. Bộ trưởng phân tích, làm rõ 5 quan điểm, các mục tiêu, nhiệm vụ chính và các giải pháp mang tính đột phá để thực hiện Đề án. Trong đó Bộ trưởng nhấn mạnh, cần quyết liệt thực hiện các giải pháp về tài chính, ngân sách; tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tinh gọn bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công, coi đây là nhiệm vụ đột phá, tiên quyết, để thực cải cách chính sách tiền lương. Đồng thời, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức về cải cách chính sách tiền lương; tích cực xây dựng vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng  phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội trong thực hiện chính sách cải cách tiền lương.

Phát biểu tại Hội nghị, các đồng chí Ủy viên Trung ương bày tỏ nhất trí cao với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cải cách chính sách tiền lương được xác định trong Đề án; nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết của Trung ương về vấn đề này.

Các ý kiến phát biểu đánh giá cao việc chuẩn bị Đề án cải cách chính sách tiền lương được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, khoa học, toàn diện, khách quan, các giải pháp có tính khả thi cao. Đề án đã xác định mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của việc cải cách chính sách tiền lương trong từng giai đoạn: 2018 - 2020; 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, đối với khu vực công và khu vực doanh nghiệp. Đa số đại biểu nhấn mạnh chính sách tiền lương làm một bộ phận quan trọng, có quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách.

Theo đại biểu Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đề cập thực trạng hiện nay bộ máy cồng kềnh từ Trung ương đến cơ sở, năng lực, hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Nếu thực hiện được mục tiêu mỗi năm giảm 10% biên chế, thì chắc chắn vấn đề cải cách chính sách tiền lương sẽ thuận lợi. Đại biểu cũng bày tỏ đồng tình cao với giải pháp tiết kiệm 10% chi ngân sách hàng năm để xây dựng quỹ lương.

Nhất trí cao với quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Đề án, đại biểu Phạm Hoài Nam, Tư lệnh Quân chủng Hải quân cho rằng, bảng lương ưu tiên cho công chức, viên chức, chuyên gia có trình độ cao; công chức viên chức chuyên gia giỏi lương sẽ cao hơn lãnh đạo quản lý. Điều này cần phải làm tốt công tác tư tưởng và xác định thay đổi tâm lý lãnh đạo là lương luôn luôn cao hơn mọi người. Đi đôi với cải cách chính sách tiền lương, cần có chính sách tương ứng với người có công, người nghèo và người hưu trí trước năm 2021. Tiếp tục đảm bảo phụ cấp đặc biệt cho lực lượng quân đội, công an, cho khu vực Trường Sa, DK1, biên giới ...

Đại biểu Ngô Đông Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Đề án có nhiều điểm mới, đột phá, đặt trong tổng thể các nghị quyết Trung ương ban hành, Đề án có tính khoa học, khả thi cao. Tuy nhiên, đại biểu nêu 3 vấn đề còn băn khoăn, cần làm rõ thêm để hoàn thiện Đề án. Thứ nhất, làm thế nào để các quan điểm tư tưởng cải cách tiền lương lần này đi vào thực tiễn, phát huy được hiệu quả, làm sao xây dựng được hệ thống tiền lương hiện đại, phù hợp với các giai đoạn phát triển của đất nước; tiền lương trở thành nguồn thu nhập chính, cơ bản bảo đảm được cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động... Làm thế nào để việc chi trả lương phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, hiệu quả công tác của mỗi vị trí việc làm và tiền lương trở thành động lực để cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, tạo cơ sở để cải cách hệ thống công vụ hiện đại.

Kiến nghị thực hiện 4 giải pháp, cụ thể, đại biểu Ngô Đông Hải cho rằng, việc bố trí cán bộ vào ngạch và xếp lương vào ngạch thì dù khó khăn, phức tạp vẫn phải kiên quyết làm. Nguyên tắc nêu trong Đề án là chuyển xếp lương mới bảo đảm không thấp hơn lương hiện hưởng. Nhưng về lâu dài, phải thực hiện kiên quyết việc bố trí vào ngạch các chức danh vị trí việc làm một cách phù hợp. Trong đó, quan trọng nhất là chế độ bổ nhiệm cán bộ vào ngạch theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Vì thế, phải nhất quán thực hiện xây dựng bảng lương, bố trí cán bộ theo chức danh vị trí việc làm, chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn chức danh làm cơ sở để xây dựng bảng lương, cũng như xây dựng đề án chức danh vị trí việc làm; đồng thời bãi bỏ chế độ thi chuyển ngạch, thay vào đó là thực hiện chế độ bổ vào ngạch, căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ và yêu cầu công việc.

Đồng thời, từng bước đa dạng hóa nguồn trả lương, tạo chủ động cho địa phương, đơn vị; kịp thời điều chỉnh mặt bằng trả lương theo sự phát triển của thị trường lao động.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá những nội dung cải cách được thể hiện trong Đề án đã cụ thể hóa quan điểm tiền lương là thu nhập chính của người lao động gắn với năng suất lao động, chất lượng lao động, đảm bảo minh bạch, công bằng, trao quyền và trách nhiệm nhiều hơn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc chi trả bảng lương, thưởng theo kết quả lao động.

Đề án xác định “Nhà nước công bố mức lương tối thiểu vùng và hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường lao động, không can thiệp trực tiếp vào chính sách  tiền lương của doanh nghiệp” là quan điểm mới, tiến bộ. Nhưng cần phải quy định cụ thể hơn trách nhiệm của công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động, trong việc thỏa thuận thống nhất với người sử dụng lao động về mức lương cho người lao động trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Nhóm PV (TTXVN)

Hướng về Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

ĐẠI TÁ TRẦN HÙNG, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI CỰU CHIẾN BINH THÀNH PHỐ:
Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược có đức, có tài

Theo dõi Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, nhất là bài phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi rất tin tưởng và kỳ vọng, bởi vì lần này Ban Chấp hành Trung ương Đảng đi sâu phân tích, thảo luận thực trạng đội ngũ cán bộ (CB) và công tác CB, trên cơ sở đó đề ra giải pháp để làm tốt hơn nữa công tác CB, xây dựng đội ngũ CB các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Thực tiễn cho thấy, chưa bao giờ Đảng ta xem nhẹ công tác CB, bởi công tác CB là một nhiệm vụ then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết xây dựng đội ngũ CB. Từ đó, đội ngũ CB các cấp, nhất là CB cấp chiến lược đã được đào tạo nâng cao trình độ mọi mặt, được thử thách và trui rèn trong thực tiễn, từng bước trưởng thành, thực hiện hoàn thành sứ mệnh mà Đảng và nhân dân giao. Qua đó, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng đất nước, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tuy nhiên, công tác CB vẫn còn một số hạn chế như một số CB thiếu tinh thần tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống; sa vào chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tình trạng chạy chức, chạy quyền vẫn còn xảy ra… Từ đó đã làm suy giảm lòng tin của CB, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Để xây dựng đội ngũ CB các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, theo tôi, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cần đề ra giải pháp đánh giá CB đúng thực chất hơn; thực hiện tổ chức thi tuyển CB lãnh đạo, quản lý từ Trung ương đến địa phương để chọn người có đức, có tài vào các vị trí quan trọng. Qua đó, nhằm khắc phục tình trạng chạy chức, chạy quyền và nể nang trong sắp xếp CB, bổ nhiệm CB là người thân quen. Cùng với đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cần đặc biệt chú trọng giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, truyền thống dân tộc cho CB để xây dựng đội ngũ CB có đức, có tài. Đồng thời, có giải pháp xây dựng đội ngũ CB trẻ để bảo đảm tính kế thừa, phát triển và sự chuyển tiếp liên tục giữa các thế hệ CB; có giải pháp hiệu quả hơn trong công tác kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa CB vi phạm; tiếp tục đưa ra xét xử những CB tham nhũng, tiêu cực gây bức xúc dư luận…

Tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ thảo luận, cho ý kiến về cải cách chính sách tiền lương. Đây cũng là nội dung được nhiều người quan tâm, mong chờ, vì thực tế hiện nay, mức lương còn thấp, đời sống của nhiều người hưởng lương gặp khó khăn, nhất là cán bộ cấp cơ sở. Vì vậy, Ban Chấp hành Trung ương cần nghiên cứu có giải pháp nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc để nâng lương, giúp CB, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp an tâm công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ.

ANH DŨNG (lược ghi)

ĐỒNG CHÍ NGUYỄN NGỌC TẤN, BÍ THƯ ĐẢNG ỦY PHƯỜNG AN CƯ, QUẬN NINH KIỀU: 
Quyết tâm tìm giải pháp tháo gỡ những bất cập, đưa đất nước phát triển

Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tập trung bàn về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược trong tình hình hiện nay rất có ý nghĩa. Trước đây, vấn đề này đã được đề cập nhiều trong các nghị quyết nhưng tại hội nghị lần này thể hiện sự quyết tâm của hệ thống chính trị nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ lãnh đạo có tâm, có tầm đưa đất nước phát triển. Theo tôi, việc xây dựng đội ngũ cán bộ phải được thực hiện đồng loạt từ Trung ương đến cơ sở với nhiều giải pháp hiệu quả, phù hợp thực tế. Trong đó, cần sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả, nâng cao thẩm quyền của cán bộ; phân công, phân cấp rõ ràng, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp với từng vị trí việc làm; tăng cường giám sát và công khai minh bạch việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ. Khi Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ được thông qua thì các cơ quan liên quan của Trung ương sớm ban hành hướng dẫn sắp xếp bố trí từng vị trí việc làm cụ thể và có lộ trình thích hợp để các cấp dễ triển khai thực hiện. Song song đó, cần quan tâm nhiều hơn nữa chế độ chính sách đối với cán bộ công tác ở cơ sở.

Chính sách tiền lương hiện nay còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo được cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nên chưa phát huy được tài năng và sự cống hiến của họ. Chính sách, chế độ tiền lương hiện nay còn mang tính cào bằng, chưa thể hiện rõ sự cống hiến của từng cá nhân cũng như phân biệt giữa lãnh đạo và nhân viên. Tôi mong muốn tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII sẽ tìm ra phương thức tháo gỡ những điểm bất cập, tính toán mức lương phù hợp nhằm đảm bảo đời sống, cũng như tạo được động lực để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.

 Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Tôi mong muốn có các chính sách phù hợp liên quan đến tuổi công tác, chế độ chính sách khi về hưu cần công khai rõ ràng để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động biết mà an tâm công tác, cống hiến tài năng phục vụ đất nước.

 Ba vấn đề về xây dựng đội ngũ cán bộ, chính sách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội cần phải được thực hiện đồng bộ và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị với nhiều giải pháp hữu hiệu phù hợp thực tiễn. Tin tưởng Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII sẽ thông qua các vấn đề trên và được triển khai, tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, góp phần đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

THANH THY (Lược ghi)

 

Chia sẻ bài viết