25/08/2018 - 17:30

Bàn giải pháp phát triển kinh tế bền vững gắn bảo tồn tài nguyên rừng vùng ĐBSCL 

Vai trò của tài nguyên rừng trong phát triển kinh tế, bảo đảm sinh kế, gìn giữ môi trường cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vô cùng to lớn. Tuy nhiên, hiện nay nguồn tài nguyên này đang suy giảm nghiêm trọng do những hệ lụy từ ý thức khai thác tận diệt của con người, biến đổi khí hậu, sự bất hợp lý trong các loại hình canh tác.... Vì thế, cần có sự chung tay của các nhà khoa học trong việc đề ra các mô hình công nghệ giúp nâng cao năng suất, chất lượng, nhưng đồng thời giảm ô nhiễm môi trường, suy kiệt tài nguyên. Bên cạnh đó là vai trò tham mưu giúp các nhà khoa học hoạch định chính sách đề ra hướng phát triển kinh tế bền vững dựa trên việc khai thác kết hợp bảo tồn tài nguyên rừng. Đây là ý kiến của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Việt Dũng (Đại học Cần Thơ) nhấn mạnh trong Hội thảo “Lâm sinh và biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, do Đại học Cần Thơ phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tại Cần Thơ hôm 24-8.

Trong ảnh: Đai rừng phòng hộ đang mất dần do sạt lở tại cửa biển ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Ảnh: Huỳnh Thế  Anh– TTXVN
Đai rừng phòng hộ đang mất dần do sạt lở tại cửa biển ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Ảnh: Huỳnh Thế  Anh– TTXVN

Nhà nghiên cứu Tô Minh Châu (Đại học An Giang) chỉ ra tác động của biến đổi khí hậu đến nguy cơ cháy rừng, đặc biệt ở những vườn quốc gia như U Minh (Cà Mau) thiệt hại sẽ rất lớn. Năm 2015, diện tích rừng bị cháy tại Cà Mau là 44,35 ha, năm 2016 là 1,78 ha, làm phá vỡ cân bằng sinh thái, lộ tầng phèn tiềm tàng đã tồn tại lâu đời, thu hẹp dần nơi ở và làm cạn kiệt nguồn thức ăn của nhiều loài sinh vật, làm mất tính đa dạng sinh học trong vùng.

Nguyên nhân dẫn đến cháy rừng được ông Tô Minh Châu chỉ ra là do nhiệt độ trái đất ngày càng tăng, lượng mưa giảm, xâm nhập mặn khiến cây chết khô… Bên cạnh đó còn có thói quen vào rừng lấy củi, hun khói để thu hoạch mật ong… của người dân, khiến công tác phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là trong mùa khô gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Tô Minh Châu, cần đưa công nghệ Webgis, viễn thám vào phục vụ công tác quan trắc khí tượng thủy văn, dự báo sớm nguy cơ cháy rừng. Song song đó, cần quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy, cách biệt khỏi vườn quốc gia nhằm đảm bảo an toàn cho tài nguyên rừng.

Thạc sĩ Vương Tuấn Huy (Đại học Cần Thơ) đề xuất mô hình phát triển du lịch sinh thái tại các khu vực rừng ngập mặn, giúp người dân địa phương có nguồn sinh kế bền vững, đồng thời không xâm hại rừng như các mô hình đốt rừng trồng cây lương thực. Du khách đến các nơi du lịch sinh thái đều mong muốn những nơi này vẫn giữ được nguyên vẹn các tài nguyên rừng, thiên nhiên hoang sơ… Do đó, để phát triển mô hình du lịch này cần quan tâm yếu tố con người, hướng dẫn viên phải có đủ kiến thức để dẫn dắt du khách tìm hiểu về rừng, kết hợp với tìm hiểu văn hóa địa phương như các lễ hội, tín ngưỡng, di tích…

Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng cần chú ý tính bền vững của các mô hình kinh tế dựa vào tài nguyên rừng. Thay vì chặt rừng để lấy đất, hay tốn rất nhiều chi phí để cải tạo nước mặn thành nước ngọt phục vụ canh tác cây lúa… thì nên thuận theo tự nhiên, vùng nào giống ấy. Tại các tỉnh ven biển, có diện tích rừng ngập mặn lớn như Bạc Liêu, Cà Mau… cơ quan chức năng nên hướng dẫn nông dân phát triển mô hình tôm- rừng kết hợp. Loại rừng phù hợp được khuyến cáo là rừng cây mắm, đước kết hợp với nuôi tôm sú, theo hình thức quảng canh. Qua khảo sát, hiện thu nhập từ mô hình này trung bình đạt khoảng 39 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều so với trồng lúa mà không tốn công chăm sóc, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người nuôi, trồng.

Ngoài ra, tại một số rừng ở các địa phương như An Giang, Hậu Giang, Long An… ghi nhận có sự phân bố các loại cây dược liệu quý hiếm bản địa, như: Trinh nữ hoàng cung, nhàu, hoàn ngọc, xuyên tâm liên, kim tiền thảo; cần bảo tồn và phát triển nguồn cây quý này thông qua mô hình kết hợp giữa Nhà nước – nhà khoa học – nhà nông. Trong đó, Nhà nước giao rừng, kiểm soát bằng chính sách; nhà nông canh tác, thu hoạch; nhà khoa học nghiên cứu bào chế thành phẩm…

TTXVN

Chia sẻ bài viết